Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ngành nông nghiệp năm 2009: Thành tựu lớn, quyền lợi chưa tương xứng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

15,3 tỷ USD là kim ngạch xuất khẩu năm 2009 của ngành nông lâm thủy sản. Dù giảm 7% so với năm 2008, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, giá cả các mặt hàng giảm mạnh và chỉ tiêu của Chính phủ là 14 tỷ USD, thì đây là con số vượt ngoài mong đợi.
Đồ gỗ chế biến là một trong năm mặt hàng nông sản đạt trên 1 tỷ USD. Ảnh: Đ.P.
Điều đáng nói, trong số 12 thành viên câu lạc bộ 1 tỷ USD (xuất khẩu), ngành nông nghiệp chiếm đến 5 với thủy sản (4,3 tỷ USD), gạo (2,4 tỷ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (2,2 tỷ USD), cà phê (1,5 tỷ USD), cao su (1,2 tỷ USD). Rõ ràng, trong lúc khó khăn, nông nghiệp đã góp phần không nhỏ ngăn chặn đà suy thoái kinh tế, vì không chỉ lần này mà trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 – 1998, cũng chính nông nghiệp đã cứu cả nước qua cơn khó khăn.
Không quá đáng khi có người ví von, mỗi khi nền kinh tế gặp khó khăn, nông nghiệp trở thành “bệ đỡ”. Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNT (IPSARD), những kết quả ấn tượng mà ngành nông nghiệp đạt được trong năm qua sẽ trọn vẹn hơn nếu bà con nông dân không phải chịu nhiều rủi ro, khi mà trách nhiệm nặng nề nhưng quyền lợi (thu nhập) vẫn còn thấp.
Năm 2009, không dưới 4 lần các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh sữa tăng giá. Đầu năm 2009, do lo ngại các công ty kinh doanh sữa tăng giá bán, ảnh hưởng đến người tiêu dùng nên Bộ Tài chính không tăng thuế nhập khẩu sữa bột nguyên liệu (về hoàn nguyên). Điều đáng nói là loại này chiếm 90% lượng sữa nhập khẩu, trong khi lại tăng thuế suất đối với mặt hàng sữa tươi nhập, vốn chiếm tỷ lệ nhập khẩu rất thấp. Vì vậy, chính sách trên đã không có tác dụng như mong muốn. Hậu quả, trên 20.000 hộ chăn nuôi bò sữa tiếp tục gánh chịu khó khăn.
Cuối năm 2009, người chăn nuôi lại đối mặt với nguy cơ đầu vào tăng cao khi nhà nước quyết định tăng thuế nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, sau khi cả năm 2008, người chăn nuôi đứng trước ngưỡng phá sản do nhà nước giảm thuế xuất nhập khẩu thịt (cả gia súc và gia cầm) dưới khung thuế suất mà VN cam kết với WTO khiến DN nhập về ồ ạt, giảm giá bán xuống dưới giá thành chăn nuôi. Trước đó, năm 2008, bà con nông dân phải hy sinh phần lợi nhuận nhỏ từ trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực và ngăn chặn đà lạm phát, nhằm kiềm giá lương thực trong nước nên lúa hàng hóa hè-thu không tiêu thụ được khi giá xuất giảm mạnh.
Mỗi lần khủng hoảng kinh tế, người ta lại nói đến vai trò to lớn của ngành nông nghiệp mà bà con nông dân là chủ thể, nhưng việc tái đầu tư để ngành này phát triển lại thường bị xem nhẹ so với ngành khác. Cần hành động cụ thể hơn đối với vai trò của ngành nông nghiệp và bà con nông dân. Hy vọng tỷ lệ đầu tư từ ngân sách nhà nước vào ngành nông nghiệp sau mấy năm giảm, sẽ khác hơn trong năm 2010 này.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, các đại biểu đề nghị tăng tối đa ngân sách cho nông nghiệp, nông thôn để nâng cao đời sống của nông dân. Cần đầu tư trọng điểm để tạo ra sự đột phá thật sự, làm tiền đề vững chắc cho nông nghiệp.
Theo thông tin tại hội nghị toàn thể với các nhà tài trợ do Bộ NN-PTNT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức cuối tháng 10-2009, giai đoạn 2010 – 2015 các nhà tài trợ cam kết đầu tư 2,25 tỷ USD, gấp 3 lần so với giai đoạn trước, trong đó sẽ có 150 – 300 triệu USD từ vốn ODA được đầu tư vào đồng bằng sông Cửu Long, để giảm tối đa tổn thất sau thu hoạch vào những năm tới… Nếu đúng như vậy đây sẽ là tin vui cho bà con nông dân, những người luôn gánh chịu phần thiệt thòi khi chênh lệch giữa đời sống thành thị và nông thôn còn cao
CÔNG PHIÊN / SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)