Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ngành nông thủy sản: Chết vì… chạy theo số lượng

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 7-3-2017, tại Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ đã tổ chức hội thảo: “Doanh nghiệp nông thủy sản ĐBSCL dưới tác động của biến động kinh tế thế giới năm 2017”.

Tại đây, TS. Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh: “Mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ của VN đã đến giới hạn. Dựa quá nhiều vào FDI, giá trị gia tăng ở VN lại rất thấp. Thể chế bộc lộ những hạn chế nghiêm trọng, kết hợp mặt trái của kinh tế thị trường. Các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, tham nhũng chậm cải tiến. Bẫy thu nhập trung bình và bẫy tự do hóa thương mại dẫn đến tình trạng xuất khẩu khó khăn, thị trường nội địa bị xâm lấn. Hậu quả là doanh nghiệp (DN) và nông dân đứng trước thách thức to lớn”.

Ngoài khó khăn trên, do ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, ĐBSCL có xu hướng suy giảm kinh tế rõ rệt. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2016 tăng trưởng kinh tế của vùng là 6,22%, thấp hơn năm 2015, trong đó nông nghiệp chỉ tăng trưởng 0,6%.

Chưa hết, tại ĐBSCL, ngành chế biến thủy sản thiếu hụt nguyên liệu, giống cá, tôm tốt ngày càng ít, nhiều người phải nhập khẩu con giống ở nước ngoài. Đáng buồn hơn, Australia đã cấm nhập khẩu tôm của VN do dư lượng thuốc trừ sâu và tạp chất vượt quy định; tình trạng nông dân sử dụng quá nhiều phân bón trong sản xuất, khiến hạt gạo VN khó xuất khẩu ở các thị trường ổn định. Một số DN thiếu vốn kinh doanh. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng giao thông trì trệ, hạn chế so với các vùng khác.

Từ thực tế này, nhiều chuyên gia khẳng định, ĐBSCL đang đứng trước yêu cầu tái cơ cấu kinh tế và phải có cách tiếp cận thích hợp. Và theo TS. Lê Đăng Doanh thì không nhất thiết phải thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 mà có thể 3.0 hay 2.0. Trong đó phải giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động ở nông thôn bằng cách phát triển sản xuất dịch vụ, đặc biệt phải bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm.

Ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc Công ty Xuất khẩu nông sản Cỏ May (Đồng Tháp), kiến nghị: “Nghị định 109 ban hành năm 2010 quy định một số điều kiện xuất khẩu, đến nay không còn phù hợp dẫn đến sự không công bằng giữa DN Nhà nước và DN tư nhân trong xuất khẩu hàng nông sản. Nhà nước nghiên cứu thay đổi nghị định này để việc kinh doanh của các DN VN thuận lợi và thích ứng với tình hình hội nhập”.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng: “Hội nhập quốc tế đòi hỏi DN cạnh tranh ngay trên sân nhà với đối thủ mạnh. Do vậy DN cần đổi mới tư duy, xây dựng chiến lược dài hạn. Chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều vào Hiệp định TPP để vượt qua hàng rào thuế quan trong xuất khẩu mà cần nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Trong bối cảnh nhiều nước điều chỉnh giá tiền của họ so với USD thì VN giữ nguyên, khiến hàng VN khó cạnh tranh về giá so với hàng hóa các nước khác, chúng ta chưa có chiến lược ứng xử cho thách thức này. Tôi cho rằng, VN phải có cơ chế tỷ giá đa phương, kết hợp bảo hiểm tỷ giá, đưa vào cơ chế rổ tiền tệ để xác định một chỉ số đa phương theo hướng có lợi cho cạnh tranh hàng hóa của VN”.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để DN VN nói chung, ĐBSCL nói riêng có thể cạnh tranh và phát triển trong bối cảnh nhiều thách thức của thị trường quốc tế đầy biến động hiện nay thì bên cạnh tăng cường thu hút FDI, phát huy nội lực, Nhà nước cần cải thiện điều kiện kinh doanh và luật pháp…

Phượng Đan

Bình luận (0)