Tối 4-8, tại Nhà hát TP.HCM đã diễn ra lễ khai mạc Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ XV năm 2022 với chủ đề “Linh hoạt chuyển đổi – thích ứng vượt lên”.
Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu khai mạc liên hoan
Đến dự lễ khai mạc có các đồng chí: Ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Trương Hòa Bình – nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ; ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM.
Phát biểu khai mạc liên hoan, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP cảm nhận liên hoan phát thanh toàn quốc lần này không chỉ là hoạt động chuyên môn quan trọng, có uy tín cao mà đây còn là cuộc hội ngộ nghĩa tình, là tình cảm của những người làm báo, phát thanh dành cho TP.HCM – nơi mà cách đây 1 năm trước đã oằn mình trước cơn đại dịch chưa từng có trong lịch sử.
Các nhà báo cùng với lực lượng tuyến đầu và đồng bào cả nước, bạn bè quốc tế đã hướng về TP.HCM, đến với tâm dịch TP tại thời điểm khốc liệt nhất. “Nhờ sự hiện diện đó, cả nước hiểu hơn, chia sẻ hơn, đồng hành hơn với TP. TP được động viên hơn, nỗ lực nhiều hơn để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất; và cũng trong bối cảnh đó, chúng ta đã thấy được tầm quan trọng của phát thanh, phát thanh đã phát huy rất tốt”, ông Phan Văn Mãi nói.
“Trong khuôn khổ liên hoan, TP được đón các anh, các chị về với TP, cảm nhận sự hồi sinh và những nỗ lực mạnh mẽ phục hồi của TP. Có thể từ liên hoan này sẽ có thêm nhiều tác phẩm báo chí về TP. Qua đó, cả nước sẽ hiểu hơn nữa, chung vui cùng TP”, ông Phan Văn Mãi nói thêm.
Ông Đỗ Tiến Sỹ – Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đánh trống khai mạc liên hoan
Thay mặt lãnh đạo và nhân dân TP.HCM, ông Phan Văn Mãi bày tỏ tri ân các lực lượng, bà con cả nước và bạn bè quốc tế đã luôn ủng hộ TP với tinh thần “cả nước vì TP”. “TP xin khẳng định sẽ nỗ lực hết sức mình để phục hồi phát triển với tinh thần “TP vì cả nước””.
Theo ông Phan Văn Mãi, phát thanh đang đứng trước những cơ hội lớn nhờ những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mỗi người đều có thể bật nghe phát thanh và những người làm báo phát thanh sẽ là người bạn đồng hành của mọi thính giả trong cuộc sống. Qua đó, ông chúc liên hoan phát thanh lần thứ XV sẽ thành công và sẽ lưu giữ, phát huy mạnh mẽ tiếng nói phát thanh.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với sự phát triển của các loại hình báo chí truyền thống, loại hình báo chí mới như báo điện tử, đặc biệt là mạng xã hội ra đời và phát triển mạnh mẽ, tạo nên sự cạnh tranh gay gắt với các loại hình báo chí truyền thống.
Theo đó, Đài Tiếng nói Việt Nam và ngành phát thanh Việt Nam cần liên tục đổi mới tư duy, tìm tòi, sáng tạo cách làm mới để linh hoạt chuyển đổi, thích ứng với cách làm báo trong thời kỳ mới.
Phát thanh Việt Nam cần trở thành kênh phản biện xã hội với mục đích xây dựng chính sách đúng đắn, có sức sống trong thực tiễn, góp phần vào giữ vững ổn định chính trị xã hội và phát triển đất nước, mở rộng dân chủ, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với xã hội.
Các đại biểu tham dự lễ khai mạc
Mỗi nhà báo phát thanh cần phát huy hơn nữa tinh thần tự học, tự rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp; tự trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ làm báo, có tư duy độc lập, tư duy phản biện trước mỗi vấn đề. Mỗi nhà báo cần đi sâu, đi sát thực tế cuộc sống, phản ánh đậm nét hơi thở cuộc sống mới có thể sáng tác những tác phẩm phát thanh có giá trị.
Bên cạnh đó, phát thanh Việt Nam cần phát huy lợi thế của mình, là kênh thông tin nhanh nhạy, kịp thời, không biên giới. Các cơ quan báo phát thanh cần tích cực tham gia và thực hiện “Đề án chuyển đổi số của Chính phủ”.
“Chuyển đổi số trong báo chí nói chung và phát thanh nói riêng không chỉ là chuyển đổi về công nghệ, về cách làm, mà quan trọng nhất, đó là chuyển đổi về mặt tư duy, từ cấp quản lý, lãnh đạo cho đến các khâu, các công đoạn của quy trình sản xuất và phân phối sản phẩm báo chí. Đây là giải pháp mang tính đột phá, có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các cơ quan báo chí nói chung và phát thanh nói riêng trong thời kỳ mới”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay.
Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ XV có sự tham gia của hơn 800 đại biểu từ 86 đơn vị đài; có 203 tác phẩm của 86 đơn vị lọt vào vòng chung khảo.
N.Trinh
Bình luận (0)