Ngày 25-12, Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học ngành quản lý văn hóa mở rộng năm 2024.
Trình chơi Audio
Tại hội thảo một số đề tài nghiên cứu đã được trình bày, phản ánh sự đa dạng và sâu rộng trong việc nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Trong đề tài của mình, ThS. Trần Đình Hương đã nêu xu hướng tìm về những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống trong các chương trình giải trí hiện đại.
“Xu hướng này không chỉ giúp bảo tồn những di sản quý báu của dân tộc mà còn tạo ra sự giao thoa độc đáo giữa truyền thống và hiện đại, góp phần làm phong phú hơn nền văn hóa giải trí”, ThS. Hương chia sẻ.
Trước những đề tài nghiên cứu sâu về văn hóa, PGS.TS Phan An – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ cho biết, ông rất vui khi thấy thế hệ trẻ rất quan tâm đến ngành văn hóa và có những bước tiến triển vọng.
“Các em cần cố gắng hơn nữa để tiếp bước những người đi trước làm cho văn hóa Việt Nam có bản sắc riêng và ngày càng phong phú hơn”, PGS.TS Phan An nhắn nhủ thế hệ trẻ.

TS. Mai Mỹ Duyên (nhà nghiên cứu văn hóa) nhận định, giới trẻ ngày nay thích xu hướng mặc trang phục cổ mà cụ thể là trang phục áo dài, đội khăn đóng. Đây cũng là xu hướng thời trang trong dịp Tết năm nay.
“Bây giờ khai thác giá trị văn hóa truyền thống thì đã trễ nhưng thà làm trễ còn hơn không, vấn đề quan trọng là chúng ta phải biết cách khai thác. Muốn được vậy thì nhà trường mà cụ thể là Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cần mở rộng công tác đào tạo ngành văn hóa để không chỉ có những người chuyên ngành văn hóa mà những người làm trong những ngành khác muốn học vẫn được”, TS. Duyên góp ý.
TS. Vũ Thị Phương – Trưởng khoa Quản lý văn hóa – nghệ thuật, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM – khẳng định, ngành quản lý văn hóa đóng vai trò then chốt trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển bền vững thông qua sự kết hợp giữa truyền thống và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, ngành còn bao quát cả lĩnh vực kinh tế sáng tạo, chính sách văn hóa, truyền thông nghệ thuật… Điều này đặt ngành quản lý văn hóa trở thành một động lực không thể thiếu trong việc kết nối văn hóa với phát triển kinh tế và xã hội.

Khu vực phía Nam, với sự đa dạng văn hóa và nguồn tài nguyên phong phú, là môi trường lý tưởng để ngành quản lý văn hóa phát triển mạnh mẽ. Đây là nơi hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống và đương đại, tạo nên một nền tảng vững chắc để thực hiện các sáng kiến quản lý và khai thác văn hóa một cách bền vững.
Tuy nhiên, ngành quản lý văn hóa vẫn đang đối mặt với một số thách thức trong việc mở rộng phạm vi quản lý văn hóa; ứng dụng công nghệ trong quản lý; chuyển đổi phương pháp quản lý…
“Để vượt qua các thách thức này, ngành quản lý văn hóa cần thúc đẩy các sáng kiến đổi mới, xây dựng chiến lược phát triển toàn diện và trang bị các kỹ năng cần thiết như: Lãnh đạo bản thân, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, sử dụng hiệu quả các nền tảng số”, TS. Phương nhấn mạnh.
Cô Đỗ Ngọc Anh (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cũng nhìn nhận việc giảng dạy và nghiên cứu văn hóa cần ứng dụng chuyển đổi số. Tuy nhiên, nhà trường phải hỗ trợ về con người, tài chính… và có những lộ trình về ngành nghề mới đối với ứng dụng chuyển đổi số. Nếu nhà trường không đủ nguồn lực có thể liên kết, hợp tác.
PGS.TS Lâm Nhân – Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho biết, nhà trường chú trọng đào tạo gắn liền với thực tiễn. Nếu trước đây người thầy chỉ có việc giảng dạy thì hiện nay thêm nghiên cứu khoa học. Đây là yếu tố quan trọng bởi nếu người thầy không nghiên cứu khoa học để áp dụng vào giảng dạy thì những thứ mà người thầy truyền đạt lại cho sinh viên, học viên chỉ là nói lại kiến thức của người khác.
“Nhà trường tạo mọi điều kiện cho giảng viên, sinh viên nghiên cứu. Đồng thời nhà trường rất muốn mở rộng hợp tác quốc tế để vừa nghiên cứu, đào tạo và hoạt động hỗ trợ cộng đồng”, PGS.TS Lâm Nhân nhấn mạnh.
Hồ Trinh
Bình luận (0)