Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi: Ngày càng phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Diện tích và sản lượng các loại hoa màu, đặc biệt là ngô (bắp), trong nước sụt giảm mạnh đã khiến cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Nguyên nhân nhập khẩu ngô tăng đột biến
Năm 2009, kim ngạch nhập khẩu ngô đã tăng mạnh trong tổng nhập khẩu các loại thức ăn chăn nuôi của Việt Nam với mức tăng 171,1 triệu đô la Mỹ (tăng 133%) so với năm 2008, đạt giá trị kỷ lục 300,21 triệu đô la. Không chỉ ngô mà nhập khẩu một mặt hàng nguyên liệu khác có chung nhiều thành phần với ngô là DDGS (*) trong năm 2009 cũng tăng tương đối mạnh.
Theo số liệu của hải quan, kim ngạch nhập khẩu DDGS của Việt Nam trong năm 2009 đạt 67,92 triệu đô la, tăng 7,23 triệu đô la so với năm 2008. Trong khi đó, xuất khẩu ngô của Việt Nam trong năm 2009 chỉ đạt 730.000 đô la, giảm tới 83,6% so với năm 2008.
Năm 2009, tình trạng thu hẹp diện tích gieo trồng các loại hoa màu, đặc biệt là diện tích trồng ngô, tại khu vực Tây Bắc gia tăng đột biến. Tính chung, diện tích gieo trồng ngô cả nước trong năm 2009 chỉ còn 1,09 triệu héc ta, giảm 4,68% so với năm 2008. Trong số các tỉnh trồng ngô trọng điểm, Điện Biên và Thanh Hóa là hai địa phương giảm mạnh nhất với mức giảm mỗi tỉnh khoảng 3.000 héc ta, tiếp đến là Nghệ An (giảm hơn 2.000 héc ta).
Như vậy, mặc dù được bù đắp một phần từ việc tăng năng suất thêm 1,7% (lên mức 40,8 tạ/héc ta) nhưng tính chung sản lượng ngô năm 2009 vẫn giảm sút trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Chính điều này đã buộc các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu ngô mà chủ yếu là từ Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ và Argentina.
Giá ngô nội địa trong năm 2009 trung bình ở mức 3.980 đồng/ki lô gam, thấp hơn 158 đồng/ki lô gam so với giá trung bình năm 2008. Tuy nhiên, trong quí 4-2009 tốc độ tăng giá mặt hàng này ở mức chưa từng có.
Chỉ trong vòng chưa đầy sáu tháng (từ tuần đầu tháng 10-2009 đến hết tuần 2 tháng 3-2010), giá ngô trong nước đã tăng 1.950 đồng/ki lô gam, lập kỷ lục giá mới là 5.500 đồng/ki lô gam, thậm chí có doanh nghiệp mua đến 5.700 đồng/ki lô gam.
Vào trung tuần tháng 4-2010, giá ngô hạt đứng ở mức 5.100 đồng/ki lô gam, cao hơn 21% so với cùng kỳ năm 2009.
Giá ngô tăng mạnh chủ yếu do các nguyên nhân như sản lượng ngô trong nước sụt giảm khá mạnh; giá các loại nguyên liệu thay thế giàu tinh bột như sắn, cám gạo trên thị trường nội địa tăng mạnh.
Mặt khác, việc Bộ Tài chính quyết định tăng thuế nhập khẩu ngô vào cuối năm 2009 (có hiệu lực từ 1-1-2010) cũng tác động trực tiếp đến giá cả mặt hàng này.
Trong khi nguồn cung trong nước thiếu hụt, giá ngô trong nước leo thang thì giá ngô thế giới trong năm 2009 lại duy trì ở mức rất thấp. Đó cũng có thể được xem là một nguyên nhân khiến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hướng tới nguồn hàng nhập khẩu.
Triển vọng thị trường 2010
Sau giai đoạn thiếu nguồn nguyên trong năm 2009, đặc biệt là ngô, các nhà hoạch định chính sách nông nghiệp Việt Nam đã phần nào nhận thấy vai trò quan trọng của nguồn cung này đối với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong kế hoạch sản xuất cho năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định nâng diện tích gieo trồng ngô thêm 10% đồng thời nâng mức sản lượng dự tính lên thêm 19% so với năm 2009.
Trong bối cảnh thời tiết khô hạn như hiện nay, kế hoạch nói trên không dễ thực hiện được. Tuy nhiên, nếu chỉ đạt khoảng 70-80% kế hoạch đề ra thì ít nhất ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước cũng sẽ giảm bớt được gánh nặng từ việc giá ngô nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng cao.
Bốn năm gần đây (2005-2008), kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam liên tục tăng mạnh. Năm 2009, mặc dù kim ngạch nhập khẩu có dấu hiệu giảm xuống (giảm gần 11%) nhưng tổng lượng nhập khẩu lại không giảm. Thậm chí, riêng nhập khẩu ngô còn tăng rất mạnh cả về số lượng lẫn kim ngạch. Điều đó cho thấy nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của thị trường Việt Nam đang tăng trưởng khá mạnh và ổn định.
Với xu hướng đó, Agromonitor dự báo trong năm 2010 nhập khẩu ngô nói riêng và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nói chung của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng. Nguyên nhân là do nền kinh tế Việt Nam được dự báo đang dần thoát khỏi khủng hoảng với mức tăng trưởng GDP lên tới 6,5% trong năm 2010. Nhờ đó, các ngành sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ hồi phục mạnh mẽ, trong đó có hai ngành chủ chốt là chăn nuôi và thủy sản.
Mặt khác, nút thắt về các vấn đề ngoại tệ, lãi suất từ các tổ chức tài chính cũng đang dần được tháo gỡ. Các doanh nghiệp nhờ đó sẽ bớt khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn tín dụng phục vụ mục đích nhập khẩu.
____________________________________

(*) DDGS là sản phẩm phụ giàu protein của quá trình sản xuất ethanol từ ngô và mía. Tại Việt Nam DDGS ngày càng được sử dụng rộng rãi để thay thế ngô trong thức ăn chăn nuôi bò và gia cầm, thủy cầm.

Theo TBKTSG

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)