Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ngành tài chính – ngân hàng có còn “hot”?

Tạp Chí Giáo Dục

Ngành tài chính – ngân hàng có còn thu hút học sinh đăng ký dự thi? Ảnh: D.Bình

Hàng loạt ngân hàng trên thế giới phá sản, những ngân hàng “thoát khỏi vấn  nạn này” cũng gặp vô vàn khó khăn do khủng hoảng kinh tế. Bức tranh tối màu của hệ thống ngân hàng đã phần nào ảnh hưởng đến xu hướng chọn ngành của sinh viên Việt Nam.
Tại một cuộc nói chuyện về cơ hội học tập và làm việc đối với ngành tài chính – ngân hàng do ĐH Anh quốc Việt Nam tổ chức, Giáo Dục TP.HCM được ông Tom Nguyễn, Giám đốc pháp chế Ngân hàng Standard Chartered Bank tại Việt Nam, Lào và Campuchia chia sẻ về vấn đề này.
PV:  Thưa ông, vừa qua, ĐH FPT của Việt Nam sau khi điều tra 20.000 học sinh THPT trên toàn quốc cho thấy, số thí sinh lựa chọn ngành tài chính – ngân hàng đã giảm từ 47% xuống còn 23%. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
– Không chỉ riêng Việt Nam, việc ít thí sinh quan tâm đến ngành tài chính – ngân hàng thời gian gần đây cũng là tình trạng chung ở châu Âu hay tại Mỹ. Vì trong vòng 2-3 năm qua, khối ngân hàng đưa ra hình ảnh không đẹp. Chính họ đã khiến người học không muốn đi lạc trong lĩnh vực có quá nhiều vấn đề như vậy. Chúng ta cũng nhìn thấy xã hội đang chỉ trích ngân hàng. Đồng thời, người học cũng quan tâm đến chất lượng cuộc sống nhiều hơn, họ không quan tâm nhiều tới lợi nhuận, đấy là lý do tại sao thí sinh ở Việt Nam và châu Âu ít quan tâm tới ngành này. Tuy nhiên, tôi cho rằng thất nghiệp là vấn đề lớn trên toàn thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Còn trong khối ngân hàng, cũng có nhiều ngân hàng xem xét lại hoạt động của mình nhưng cũng có ngân hàng phải đóng cửa.
Theo ông, 5 năm tới, ngành này sẽ như thế nào?
– Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực trong việc phát triển khối ngân hàng. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng khối ngân hàng thế giới đang phát triển đã gây khó khăn cho ngân hàng trong nước. Chúng tôi đang cố gắng làm việc với các ngân hàng Việt Nam để họ phần nào bắt kịp với sự phát triển và phần nào khắc phục được những nhược điểm hiện nay.
Tôi nhìn thấy trong 5 năm tới, thị trường ngân hàng vẫn rất sôi động, cơ hội rất lớn. Sinh viên học ngành tài chính – ngân hàng về mặt thời gian có thể thấy rất đúng thời điểm vì sắp tới có sự thay đổi rất lớn trong hệ thống ngân hàng. Bây giờ có thể nhìn thấy sự khủng hoảng trong ngành ngân hàng, hình ảnh các ngân hàng không tốt cả ở châu Âu và châu Mỹ vì họ tiếp nhận nhiều rủi ro nhưng trong tương lai tôi nhìn thấy tính trách nhiệm, tính đạo đức trong hệ thống này. Vì không thể cứ mãi gặp quá nhiều rủi ro như hiện nay. Trong tương lai, các bạn trẻ học xong ngành này có cơ hội thay đổi định hướng và để nâng cao hình ảnh khối ngân hàng lên. Đó là điều rất quan trọng. Các bạn biết, khối ngân hàng luôn luôn quan trọng đối với xã hội, lĩnh vực kinh tế…
Đã và đang làm việc tại Việt Nam, ông có nhận xét thế nào về sinh viên Việt Nam?
– Ngân hàng chúng tôi cũng cung cấp khóa đào tạo chất lượng cao. Tôi cũng nhìn thấy các bạn có sự tiến bộ rõ rệt như vậy sau khi được đào tạo. Những cái chúng tôi nhìn thấy không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước châu Á, do các bạn học nhiều, lấy kiến thức sách vở nhiều quá, trong khi đó các bạn không được khuyến khích nghĩ cho bản thân của mình. Họ phải biết đặt ra câu hỏi, đối mặt với thử thách, vượt qua thử thách chứ không phải đơn giản chấp nhận và nghe lời. Trong khi đó, tôi nhìn thấy ở các trường quốc tế, chẳng hạn như chương trình ở BUV là những kỹ năng để các bạn làm việc, những kỹ năng sẵn sàng đi làm việc để giành thành công như là kỹ năng thuyết phục, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc theo nhóm. Đó là những yếu tố rất quan trọng cho các sinh viên khi làm việc sau này.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 sắp diễn ra, ông có chia sẻ gì với các thí sinh muốn học ngành tài chính – ngân hàng?
– Các bạn phải nhận biết tình hình hiện tại của khối ngân hàng bởi vì khối ngân hàng hiện nay thay đổi rất nhiều, nó không chỉ đơn thuần là nơi giữ tiền mà phải hiểu cốt lõi của nó là nơi làm ra tiền. Muốn vào làm ngành ngân hàng, phải tìm đúng chỗ, phải làm đúng trách nhiệm của mình. Các bạn phải hiểu rõ bản chất của ngành ngân hàng hiện nay thay đổi như thế nào để biết mình phù hợp với nhóm nào. Và cái quan trọng nhất là học từ những lỗi mà ngân hàng hiện nay đang mắc phải. Ở châu Âu hay Mỹ có rất nhiều các chương trình thạc sĩ về ngân hàng nhưng sao họ vẫn mắc lỗi? Mình phải học từ họ điều này, tại sao có rủi ro và đưa ra được hành động phù hợp. Một điều nữa là phải hiểu được bản chất của vấn đề để từ đó đưa ra được kế hoạch để mình không mắc sai lầm.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)