Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Ngành Truyền thông đa phương tiện và 3 “bí mật” không phải ai cũng biết

Tạp Chí Giáo Dục

Là ngành học đầy sức hút trong thời đại số và truyền thông lên ngôi, ngành Truyền thông đa phương tiện luôn được nhiều bạn trẻ năng động, yêu thích sáng tạo ưu tiên chọn lựa. Nhưng bạn đã hiểu hết những bí mật của ngành học thú vị này chưa?

Cùng khám phá loạt “bí mật” hấp dẫn cùng khả năng biến hóa đáng kinh ngạc của ngành Truyền thông đa phương tiện nhé!

“Bí mật” số 1: Chọn Truyền thông đa phương tiện, làm chủ thời đại nghe – nhìn

Cần phải khẳng định ngay là sản phẩm của ngành Truyền thông đa phương tiện vô cùng đa dạng, phủ sóng rộng khắp các lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt là đáp ứng tối đa nhu cầu giải trí không ngừng nâng cao của con người. Từ các show truyền hình, phim truyền hình, phim điện ảnh cho đến các quảng cáo, TVC hay các games, sự kiện online, offline,… đều có đóng góp của người làm Truyền thông đa phương tiện và đều có thể là những “mảnh đất vàng” tiềm năng để các bạn sinh viên ngành này tự do “gieo ý tưởng”.

Các sự kiện giải trí là một trong những sản phẩm của ngành Truyền thông đa phương tiện. Ảnh: Sự kiện HUTECH Idol do sinh viên Truyền thông đa phương tiện trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tổ chức.

Bạn có thể dễ dàng hình dung, các phương tiện giải trí nghe – nhìn quanh mình hiện nay như những thước phim sống động với kỹ xảo tuyệt vời của Hollywood; những MV, parody, vlog “triệu view”; những trò chơi điện tử với đồ họa đẹp mắt; những hình ảnh “long lanh”, TVC quảng cáo cho những thương hiệu nổi tiếng đều xuất phát từ năng lực chuyên môn và sự sáng tạo không giới hạn của sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện. Đặc biệt, trong bối cảnh làn sóng công nghệ 4.0 tác động mạnh mẽ đến giải trí nghe – nhìn như hiện nay thì ngành học này chính là cơ hội tuyệt vời để các bạn trẻ được khẳng định cá tính sáng tạo của mình theo nhiều hình thức khác nhau.

“Bí mật” số 2: Học đa phương tiện, làm “đa phương diện”

Với định hướng “đa phương tiện”, đây là trang bị kỹ năng để sinh viên có thể “đá” nhiều sân trong thế giới truyền thông rộng lớn. Từ biên tập, biên kịch, viết lách, xây dựng nội dung cho các thể loại báo chí, ấn phẩm, chương trình truyền hình cho đến thiết kế, xử lý website, đồ họa mô phỏng, quảng cáo, giải trí, phát triển game,… và nhất là có bản lĩnh nắm vững kỹ năng quản trị truyền thông trong thời đại bùng nổ công nghệ.

Việc làm chủ các thiết bị công nghệ giúp sinh viên Truyền thông đa phương tiện dễ dàng hiện thực hóa ý tưởng của mình

Để có thể “đa-zi-năng” như vậy, tất nhiên các bạn sinh viên sẽ phải học từ nền tảng đến chuyên sâu – từ cảm thụ nghệ thuật truyền thông, công nghệ tương tác cơ bản, công nghệ truyền thông cơ bản, thói quen người dùng, kỹ thuật sản xuất cơ bản,… đến các học phần theo từng chuyên ngành cụ thể. Như ở trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) – một trong những địa chỉ đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện hàng đầu hiện nay, sinh viên có thể chọn lựa các chuyên ngành như Sản xuất truyền hình (gồm sản xuất, biên tập, phát hình), Sản xuất phim và quảng cáo (gồm kịch bản phim, kịch bản phân cảnh, kỹ xảo hậu kỳ) hay Tổ chức sự kiện (gồm kỹ thuật nội dung đường dây, kỹ thuật sân khấu). Như vậy, các bạn vừa có nền tảng kiến thức vững vàng, vừa có năng lực chuyên sâu để thỏa sức “tung tăng” trong thế giới truyền thông rộng lớn.

“Bí mật” số 3: Không chỉ “sành” công nghệ mới học Truyền thông đa phương tiện

Với hai điều bất ngờ đã kể, hẳn là nhiều bạn đang lo lắng – rằng mình không giỏi công nghệ thì làm sao theo đuổi ngành học thú vị này! Nhưng yên tâm bạn nhé, vì “vốn liếng” công nghệ chỉ là điểm cộng chứ chưa phải là tất cả, càng không thể quyết định cơ hội thành công của bạn với Truyền thông đa phương tiện. Phạm Thi (sinh viên năm 3 ngành Truyền thông đa phương tiện HUTECH) chia sẻ: “Ban đầu em cũng lo lắng khi chọn ngành này vì… dở công nghệ, nhưng các học phần chuyên ngành đi từ cơ bản lên đã giúp em học cách sử dụng các thiết bị, phần mềm thành thạo. Học về sản xuất phim đòi hỏi đi quay dựng nhiều, nhưng nhìn ý tưởng sáng tạo của mình được lên hình, lên phim là niềm vui vô cùng to lớn khi học ngành này. Tụi em cũng được gặp nhiều người có kinh nghiệm như đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, chị Luk Vân,… để học hỏi kinh nghiệm nữa!”.

Sinh viên Truyền thông đa phương tiện HUTECH giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với ekip phim Ước hẹn mùa thu

Như thế, cùng với khả năng sáng tạo thì sự am hiểu về truyền thông, về quy luật của thị trường hay kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ có thể được trau dồi, phát triển từ giảng đường Đại học. Do đó, lựa chọn một môi trường đáp ứng tốt nhu cầu học tập – với trang thiết bị hiện đại, nhiều cơ hội cọ xát thực tế,… – là yêu cầu cần thiết để bạn không chỉ phát triển kiến thức hay nâng cao kỹ năng công nghệ, mà quan trọng hơn chính là hoàn thiện được bản thân, nắm bắt tốt nhất cơ hội thành công với ngành Truyền thông đa phương tiện.

Thông tin xét tuyển ngành Truyền thông đa phương tiện tại một số trường Đại học:

Trường Đại học HUTECH: Xét tuyển các tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh), C00 (Văn, Sử, Địa), D01 (Toán, văn, Anh) và D15 (Văn, Địa, Anh) theo kết quả thi THPT Quốc gia; hoặc Xét học bạ lớp 12 với tổng điểm 03 môn trong tổ hợp đạt từ 18 trở lên; hoặc Xét kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐHQG-HCM; hoặc kỳ thi tuyển sinh riêng của HUTECH.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông: Xét tuyển các tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh) theo kết quả thi THPT Quốc gia.

T.D.V

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)