Ông Lê Hồng Sơn – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã nhấn mạnh phương châm này tại buổi Họp mặt kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1-8-1930/ 1-8-2022), do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức chiều 1-8.
Ông Lê Hồng Sơn – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TP.HCM phát biểu tại buổi họp mặt
Tham dự buổi họp mặt còn có các đại biểu: Bà Phạm Phương Thảo – nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM; bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Đặng Mạnh Trung – Trưởng cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP.HCM; ông Phan Xuân Biên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM; bà Thân Thị Thư, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM.
Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Lê Hồng Sơn – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho biết, hiện nay đại bộ phận đội ngũ cán bộ tuyên giáo đều được đào tạo có hệ thống và trưởng thành trong thực tiễn, không ngừng lớn mạnh, trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Các phương tiện và điều kiện hoạt động của công tác tư tưởng – văn hóa có bước đổi mới. Công tác tuyên giáo của toàn Đảng bộ và từng tổ chức cơ sở đảng đều được Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và từng cấp ủy quan tâm, chỉ đạo sát sao.
Thực tiễn những ngày tháng phòng chống đại dịch Covid-19 vừa qua gắn với phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội càng cho thấy những bài học kinh nghiệm sâu sắc về tầm quan trọng “đi trước, mở đường” của công tác chính trị – tư tưởng trong bảo đảm mục tiêu truyền thông “an dân”. Phải nhận định, đánh giá, dự báo chính xác tình hình, kịp thời tham mưu phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách, phù hợp với từng giai đoạn diễn biến dịch bệnh, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, góp phần tạo sự đồng thuận, sự tin tưởng, đoàn kết, ủng hộ của toàn xã hội thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch và phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới…
Tuy nhiên, ông Lê Hồng Sơn cho rằng, bên cạnh thuận lợi có nhiều, song thách thức cũng không ít và ngày càng phức tạp, nhiều diễn biến khó lường. Sự chống phá của các thế lực thù địch, thúc đẩy “diễn biến hòa bình”, nhất là trên không gian mạng, là “lãnh thổ đặc biệt”, là “mặt trận thứ năm” mà ở đó đội ngũ tuyên giáo là lực lượng nòng cốt đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận tổ chức, cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cấp thiết hơn trong “tự soi, tự sửa” và đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Đặc biệt là niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trước những hạn chế trong công tác xây dựng Đảng, công tác quản lý, điều hành và sự phá hoại thâm độc của các thế lực thù địch, làm cho tình hình có lúc có nơi đứng trước thử thách gay gắt.
Trước những thách thức ấy, ngành tuyên giáo TP phải làm tốt hơn nữa công tác giáo dục truyền thống, hun đúc lòng yêu nước, giáo dục lý tưởng cách mạng, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Không ngừng đổi mới nội dung và phương thức thực hiện công tác tư tưởng linh hoạt, sát hợp, hiệu quả. Tập trung hơn nữa các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng bộ TP trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội TP.
Đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhận diện và đấu tranh phòng chống “diễn biến hòa bình”, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, phải tiếp tục tham mưu các giải pháp tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước; tăng cường sự đồng thuận xã hội, phát huy trí tuệ, sự đóng góp của các giới các ngành, của toàn thể đồng bào TP cho sự phát triển nhanh, bền vững của TP và tăng cường hội nhập quốc tế, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp chung của cả nước.
Các cán bộ tuyên giáo TP nhận kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tuyên giáo của Đảng” của Ban Tuyên giáo Trung ương
Đối với đội ngũ cán bộ tuyên giáo TP, ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh sẽ không ngừng trau dồi lý tưởng, son sắt niềm tin; rèn luyện phẩm chất đạo đức; nâng cao năng lực công tác và chất lượng tham mưu; chủ động, sáng tạo, đổi mới phương pháp, tăng tính chiến đấu và thuyết phục, năng lực dự báo và giải quyết tình hình, bảo đảm phương châm ngành tuyên giáo phải “đi trước, mở đường – đi cùng, phát triển và đi sau, tổng kết”.
Củng cố đội ngũ binh chủng tuyên giáo từ báo chí, tuyên truyền, phát huy đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ; quan tâm chăm lo đội ngũ cán bộ tuyên giáo chuyên trách từ TP đến cơ sở… thật sự là hạt nhân lan tỏa sức mạnh hệ thống tuyên giáo, có thể đảm đương và hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, thách thức với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao nhất.
Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Lê Hồng Sơn, qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, ngành tuyên giáo đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần hoàn thiện đường lối đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, củng cố niềm tin, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân với Đảng.
Qua quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển TP, công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo luôn bám sát thực tiễn, phát hiện, ủng hộ, tuyên truyền cho “cái mới mà hay”, tạo phong trào học tập và làm cho cái mới, cái hay trở thành xu hướng chủ đạo. Tối ưu hóa phương thức công tác tư tưởng bằng tính chiến đấu, thuyết phục, gắn lý luận với đạo đức, tình cảm; “xây và chống” luôn xoắn quyện trong mọi nhiệm vụ của công tác tư tưởng ở TP.HCM, vì mục tiêu cuối cùng là lợi ích của nhân dân và ổn định xã hội.
Dịp này, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có quyết định trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tuyên giáo của Đảng” cho 78 cán bộ tuyên giáo TP.
N.Trinh
Bình luận (0)