Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đồng bộ, thống nhất để quản lý và phát triển ngành xuất bản thành ngành kinh tế – công nghệ hiện đại, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn phát triển
Đổi mới tư duy, ứng dụng công nghệ số
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiệt liệt chúc mừng đội ngũ những người làm công tác xuất bản, in, phát hành trong cả nước và đặc biệt là 86 đại biểu được lựa chọn, tuyên dương người làm xuất bản tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của ngành.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ "Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa". Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặt ra yêu cầu xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển hội nhập với những giá trị chuẩn mực, phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia, dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt các cán bộ lão thành, đại diện tiêu biểu nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam. Ảnh: Thúy Lê
Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong công tác quản lý nhà nước, hội nghề nghiệp, từng tổ chức và cá nhân tiếp tục nhận thức, quán triệt một cách sâu sắc, đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, ý nghĩa của ngành xuất bản, in phát hành sách đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục quán triệt, nghiên cứu Sắc lệnh số 122 của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi ngành nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của ngành.
"Trong thư gửi ngành xuất bản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc nhở chúng ta phải hài hòa giữa nhiệm vụ chính trị của người chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa – tư tưởng với nhiệm vụ kinh doanh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Sản phẩm của ngành xuất bản nếu có sai sót về nội dung, tư tưởng thì sẽ tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế – xã hội, văn hóa của đất nước" – Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chia sẻ với những thách thức của ngành xuất bản, in và phát hành sách trong thời đại công nghệ số, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các sản phẩm in truyền thống không thể mất được. Đồng thời, đề nghị ngành xuất bản phải đẩy mạnh đổi mới tư duy quản lý, tăng cường ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực xuất bản, in và phát hành sách.
Tác động tích cực đến nhận thức xã hội
Đặc biệt, cần tập trung hoàn thành xây dựng "Quy hoạch cơ sở xuất bản trong nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới báo chí, phát thanh – truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ", phấn đấu xây dựng ngành xuất bản trở thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa, xuất bản được nhiều đầu sách hay, có giá trị, đúng định hướng, phát hành với số lượng lớn, tạo sự lan tỏa, tác động tích cực vào nhận thức xã hội, tạo lập sức mạnh quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần xử lý tốt, hài hòa các mối quan hệ lớn trong hoạt động xuất bản: giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh; giữa định hướng tư tưởng với đáp ứng nhu cầu của độc giả; giữa xuất bản và văn hóa đọc; giữa xuất bản truyền thống và xuất bản theo xu hướng hiện đại.
Song song đó là chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ mới vào hoạt động xuất bản, chú trọng đưa các xu hướng hiện đại dựa trên các nền tảng công nghệ; thí điểm xây dựng nhà xuất bản số; phát triển một số sàn thương mại sách trực tuyến; xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số trên từng lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành thời gian gặp mặt những người làm công tác xuất bản, in và phát hành sách tại Nhà Quốc hội đúng vào dịp kỷ niệm quan trọng của ngành.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh ngành xuất bản, in và phát hành sách sẽ quán triệt sâu sắc thư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ý kiến chỉ đạo, gợi mở của Chủ tịch Quốc hội tại cuộc gặp mặt. Quyết tâm xây dựng lập trường, bản lĩnh vững vàng, quán triệt và thực hiện thật sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để quản lý, quy hoạch, phát triển ngành xuất bản Việt Nam với tinh thần luôn luôn đổi mới, tinh gọn, hiệu quả, hiện đại, hội nhập quốc tế.
Lấy phụng sự quốc gia, dân tộc là mục đích cao nhất
Chiều 10-10, lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam và gặp mặt, tuyên dương những người làm công tác xuất bản tiêu biểu đã được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (TP Hà Nội).
Phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá cao những đóng góp to lớn của các thế hệ người làm xuất bản, đồng thời khẳng định ngành xuất bản, in và phát hành sách đã phát huy tốt vai trò, sứ mệnh của mình trong việc lưu trữ, tích lũy và truyền bá tri thức, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, bồi đắp tâm hồn, xây dựng nhân cách, trí tuệ con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu ngành cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ như kiên định, kiên trì giữ vững quan điểm xuất bản là lĩnh vực văn hóa, tư tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; trở thành một bộ phận quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa; tiếp tục nâng cao chất lượng xuất bản phẩm cả về nội dung, hình thức; có trách nhiệm định hướng dư luận, lan tỏa tri thức…
Thường trực Ban Bí thư cũng yêu cầu mỗi tác phẩm phải lấy việc phụng sự quốc gia, dân tộc là mục đích cao nhất. Ngoài việc cung cấp thông tin, tri thức thì tác phẩm phải hướng con người tới chân – thiện – mỹ; phê bình thói hư, tật xấu; khơi dậy khát vọng, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
Những người làm xuất bản phải nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, tiếp thu tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, bám sát hơi thở cuộc sống, ứng dụng khoa học – công nghệ để đổi mới mô hình hoạt động. Các nhà xuất bản phải xứng đáng là nơi tác giả gửi gắm niềm tin, là bệ đỡ cho các tác phẩm” – Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh. |
Bình luận (0)