PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), khẳng định, trong đào tạo ngành y, vai trò của Bộ Y tế cũng đặc biệt quan trọng. Quyết định số của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học giai đoạn 2020-2025 đã giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của khối ngành Sức khỏe.
“Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh của các trường, trong trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo liên quan báo cáo, giải trình về những vấn đề mà xã hội quan tâm”, bà Thủy nói.
“Học theo nhưng lại học lệch”
Ghi nhận cho thấy, 4 trường đại học (ĐH) đưa môn ngữ văn vào xét tuyển đối với ngành y khoa đều là trường tư thục: Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Tân Tạo, Trường ĐH Võ Trường Toản, Trường ĐH Văn Lang. Trường ĐH Văn Lang có 2/4 tổ hợp không có môn Sinh học, bao gồm tổ hợp D12 (Ngữ văn, Hóa học, Anh).
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường ĐH năm 2023. Ảnh: Nghiêm Huê.
Theo PGS Lê Đình Tùng – Trường ĐH Y Hà Nội, trên thế giới, các trường đào tạo Y khoa của các nước phát triển (trừ Pháp) thường sử dụng kết quả kỳ thi UCAT và BMAT, MCAT để tuyển sinh. Trong các kỳ thi này thường có một bài thi bắt buộc về ngôn ngữ được thiết kế riêng phù hợp với đòi hỏi của ngành Y, chứ không căn cứ trên điểm môn Ngữ văn, vì họ yêu cầu bác sĩ có khả năng tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch vừa công bố Đề án tuyển sinh ĐH 2023. Một trong 3 tiêu chí phụ được dùng để xét trong trường hợp thí sinh có tổng điểm xét tuyển bằng nhau là điểm thi tốt nghiệp THPT môn Văn năm 2023. Đây là lần đầu tiên trường đưa tiêu chí phụ này vào xét tuyển ĐH. |
Theo ông Tùng, các trường đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ĐH ngành Y khoa là muốn học theo cách tuyển sinh của các nước có nền đào tạo Y khoa phát triển, nhưng việc học theo này mới chỉ dừng ở mức độ nửa vời, khiến cho căn cứ tuyển sinh Y khoa bị lệch lạc, từ đó dẫn tới nguy cơ chất lượng đào tạo không đảm bảo.
Vì vậy, khi Việt Nam chưa tổ chức riêng kỳ thi đánh giá năng lực cho tuyển sinh ngành Y khoa, khi các trường vẫn phải sử dụng tổ hợp 3 môn thi thì tổ hợp Toán, Hóa, Sinh là yêu cầu thiết thực nhất với tuyển sinh ngành Y khoa, ông Tùng nhận định. Trong đó, môn Toán là thước đo quan trọng, môn Sinh có giá trị cốt lõi.
Toán, Hóa, Sinh, Lí rất cần thiết trong lĩnh vực sức khỏe
Ngày 28/5, trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ – Đào tạo (Bộ Y tế), cho biết Luật Giáo dục đại học cho phép các trường tự quyết định, chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Do đó, việc đưa môn Văn vào xét tuyển khối ngành y là quyền của một số trường.
Về tổ hợp môn dùng để xét tuyển, theo quy định bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, không sử dụng quá 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành, một chương trình đào tạo. Việc thay đổi, bổ sung phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ và lộ trình hợp lí. Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm. “Lãnh đạo Bộ Y tế cũng băn khoăn việc các trường sử dụng tổ hợp có môn Ngữ văn để xét tuyển cho khối ngành sức khỏe thì sẽ loại môn tự nhiên nào và cũng như chưa rõ căn cứ và cách thức tuyển sinh đó sẽ ảnh hưởng thế nào tới chất lượng đào tạo. Hầu hết các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe trong những năm qua sử dụng tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) và A00 (Toán, Hóa, Lí), ngoài ra còn có A02 (Toán, Lí, Sinh), D07 (Toán, Hóa, Anh), D08 (Toán, Sinh, Anh)… Toán, Hóa, Sinh, Lí là những môn học rất quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực sức khỏe. Tuần tới, Bộ Y tế sẽ có văn bản gửi Bộ GD&ĐT, đề nghị các trường giải trình về vấn đề này”, ông Long nói.
Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ – Đào tạo cũng lưu ý, từ năm 2027, bác sĩ phải qua kiểm tra năng lực để được cấp giấy phép hành nghề. Với thí sinh năm nay, nếu trúng tuyển, 6 năm nữa mới ra trường, các em sẽ phải dự thi đánh giá năng lực mới được hành nghề. Do đó, các trường khi đưa môn Văn vào xét tuyển cần cân nhắc quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ năm 2023. “Bộ Y tế không có thẩm quyền trong việc quyết định môn thi nhưng ngành y là nơi sẽ sử dụng nhân lực nên các hoạt động liên quan tới các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực ngành y tế được Bộ Y tế đặc biệt quan tâm, trong đó có chất lượng đầu vào”, PGS Long nhấn mạnh.
Bình luận (0)