Thuốc trong bệnh viện đắt gấp 4 lần thuốc ngoài thị trường
Trước những bức xúc của người dân về thị trường thuốc chữa bệnh, chiều 25-5, Ban Văn hóa – Xã hội (VHXH) Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP.HCM đã có buổi làm việc với Sở Y tế thành phố xung quanh vấn đề quản lý dược trên địa bàn…
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan cho biết: “Tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố có 4.300 nhà thuốc tư nhân, 660 công ty kinh doanh dược và 22 công ty sản xuất dược. Trong khi đó, số dược sĩ làm công tác thanh – kiểm tra chỉ có 15 người (3 người thuộc Sở Y tế và 12 người ở 12 quận, huyện; 12 quận, huyện còn lại không có). Vì vậy chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý thị trường dược phẩm. Để có thể kiểm tra hết tất cả các nhà thuốc, công ty dược thì thanh tra y tế phải làm việc cả ngày lẫn đêm, không nghỉ thứ bảy, chủ nhật”.
Hậu quả của việc thiếu người là thị trường dược gần như bị buông lỏng. “Công tác thanh tra và hậu kiểm hầu như bỏ trống”, ông Cái Phúc Thắng – đại biểu HĐND khẳng định. Từ đó đã xảy ra tình trạng nhà thuốc tư nhân thì bán thuốc giả, thuốc hết hạn sử dụng, nhà thuốc giống như cái tiệm tạp hóa…
Ông Nguyễn Minh Hùng – Chánh thanh tra Sở Y tế phải thừa nhận: Từ đầu năm 2009 đến nay, Sở Y tế đã tiến hành thanh tra khoảng 6.000 lượt nhà thuốc. Trong đó có 752 nhà thuốc vi phạm, 48 nhà thuốc đã bị rút giấy phép.
Tuy nhiên, việc rút giấy phép kinh doanh của các nhà thuốc không dễ dàng chút nào. “Thành phố không cần thiết phải có tới 4.300 nhà thuốc tư nhân và 660 công ty kinh doanh dược. Việc có quá nhiều nhà thuốc không chỉ ảnh hưởng đến việc quản lý của Sở Y tế mà còn ảnh hưởng đến giá cả. Càng nhiều công ty kinh doanh thuốc thì thuốc càng phải chạy vòng vòng, dẫn đến giá cứ thế đội lên. Tuy vậy, Sở Y tế rất khó rút giấy phép kinh doanh của các nhà thuốc vì như vậy là vi phạm Luật Doanh nghiệp” – bà Phong Lan khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh – đại biểu HĐND TP bức xúc: “Theo toa của bác sĩ kê, tôi mua 10 viên thuốc ở bệnh viện. Uống hết 9 viên, cầm 1 viên ra nhà thuốc tư nhân mua thì mới hay thuốc trong bệnh viện đắt gấp 4 lần”…
Ông Nguyễn Văn Minh – Phó ban VHXH HĐND TP cũng cho biết: “Đi một số nhà thuốc bệnh viện, chúng tôi nhận thấy nhà thuốc không mất tiền điện nước, không mất tiền thuê mặt bằng, không mất tiền trả lương cho nhân viên bán hàng vì tất cả đã được tính vào chi phí hoạt động của bệnh viện. Thế nhưng khi bán thuốc cho bệnh nhân, nhà thuốc bệnh viện vẫn tính lời nhiều. Tôi nghĩ giá thuốc như vậy là quá cao. Và điều đáng bận tâm là giá thuốc ở mỗi nơi mỗi khác. Ở ngoại thành thì thế này, nội thành lại thế khác và giá thuốc giữa các bệnh viện cũng khác nhau”…
“Vì thuốc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân nên đắt rẻ như thế nào họ cũng phải mua. Có thể nói việc người dân đi mua thuốc là hên xui. Hên thì mua được thuốc thật, đúng giá. Ngược lại xui thì mua phải thuốc kém chất lượng, giá cao”, bà Trần Thị Ngọc Anh – Trưởng ban VHXH HĐND phản ánh những bức xúc của người dân.
Trả lời những câu hỏi của Ban VHXH HĐND, bà Phong Lan cho biết: “Quan điểm của Sở Y tế là giảm bớt tầng lớp trung gian, thuốc sẽ không phải chạy vòng vòng nữa. Đến 1-1-2011, tất cả những công ty phân phối dược không đạt GPP sẽ phải đóng cửa. Còn nhà thuốc tư nhân sẽ giảm xuống còn 1.000 thay vì 4.300 như hiện nay. Bởi ở các nước phát triển, trung bình 5 ngàn dân thì có 1 nhà thuốc bán lẻ. Việc quy hoạch này sẽ giúp thị trường dược ổn định về giá cả…”.
Hòa Triều
Bình luận (0)