Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngành Y tế Cần Thơ: Hoàn thành được mạng lưới y tế thông minh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Phấn đấu đến năm 2030 Cần Thơ hoàn thành  mạng lưới y tế thông minh. Đó là thông điệp được đưa ra trong Hội thảo “Chuyển đổi số ngành y tế thành phố Cần Thơ, lần 1 năm 2023”do Sở Y tế TP.Cần Thơ  tổ chức ngày 10-8-2023.


GS.TS Trần Văn Thuấn  Thứ trưởng Bộ Y tế,  phát biểu tại HT

Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 đại biểu  gồm đại diện Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Viện Pasteur TP.HCM, Hội Tin học TP.HCM; lãnh đạo Sở Y tế, các Bệnh viện đa khoa,  Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các sở ngành liên quan thuộc  đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM và khu vực phía Nam

Phát biểu khai mạc hội thảo (HT), TS.BS Hoàng Quốc Cường – Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, chia sẻ: Sở Y tế  tổ chức HT với mục đích: Xác định các mục tiêu ưu tiên trong CĐS ngành Y tế TP.Cần Thơ giai đoạn từ nay đến năm 2030. Xây dựng các giải pháp về CĐS trong toàn ngành y tế thành phố Cần Thơ: Hệ thống thông tin quản lý tổng thể bệnh viện, Bệnh án điện tử, PACS/RIS; Hồ sơ sức khỏe điện tử; Phần mềm V20 theo quyết định số 3532/QĐ- BYT; Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu; Trung tâm điều hành y tế; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực y tế; đồng thời giúp các cơ sở y tế trên địa bàn, ngành y tế các địa phương có cơ hội giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số và được tiếp cận, trải nghiệm các sản phẩm số hóa từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước để phát triển, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe.


TS.BS Hoàng Quốc Cường  Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ (bìa trái) đại diện ngành Y tế Cần Thơ, nhận hoa chúc mừng của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trao

Diễn ra trong một ngày, HT gồm các phiên: Phiên toàn thể; Chuyển đổi số trong lĩnh vực điều trị; Chuyển đổi số trong lĩnh vực dự phòng; Giải pháp chuyển đổi số ngành y tế.  Qua đó, các đại biểu được tiếp cận những nội dung về định hướng công tác chuyển đổi số lĩnh vực y tế; Hiện trạng công nghệ thông tin y tế Việt Nam – Con đường nhanh chóng nhất và tốt nhất đi đến bệnh án điện tử và y tế thông minh tại Việt Nam; Giải pháp xây dựng trung tâm dữ liệu y tế; Giải pháp chuyển đổi số chăm sóc sức khỏe nhân dân…

Trình bày tham luận “Định hướng và nhu cầu chuyển đổi số ngành y tế Cần Thơ”, TS.BS Hoàng Quốc Cường – Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, cho biết:  Hệ thống ngành y tế Cần Thơ  gồm 13 đơn vị khám chữa bệnh tuyến thành phố, 3 bệnh viện đa khoa tuyến quận huyện, 80 trạm y tế tuyến xã. Bên cạnh đó là 5 bệnh viện thuộc bộ ngành và 7 bệnh viện tư nhân. Từ tháng 3-2023, TP đã triển khai thí điểm phần mềm hồ sơ sức khỏe tại 106 cơ sở y tế. Đến nay tổng số lượt khám chữa bệnh được liên thông trên hồ sơ sức khỏe đạt gần 7,1 triệu lượt.


Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn; Ban Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ và các đơn vị

Về thanh toán không dùng tiền mặt, hiện 100% các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố đã triển khai ít nhất một giải pháp thanh toán trực tuyến. Điều này mang lại rất nhiều sự thuận tiện cho người dân, tránh mất mát, nhầm lẫn, chờ đợi…

Phấn đấu đến năm 2030, Cần Thơ hình thành được mạng lưới y tế thông minh dựa trên 3 trụ cột: Phòng bệnh thông minh, Khám chữa bệnh thông minh, Quản trị y tế thông minh. Để làm được điều đó, thành phố sẽ chú trọng vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng kho dữ liệu y tế tập trung, thành lập đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin tại các tuyến y tế cơ sở. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài thực hiện chuyển đổi số y tế… Đặc biệt, TS. Hoàng Quốc Cường nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cần thiết phải xây dựng hệ sinh thái y tế thông minh. Trong đó bao gồm 3 nhóm đối tượng được thụ hưởng: Nhân viên y tế, sinh viên ngành y, bệnh nhân. Theo đó, các y, bác sĩ có thể tương tác với bệnh nhân trên môi trường số, đặt lịch khám, khám/tư vấn/ kê đơn trực tuyến; các chuyên gia có thể tương tác với sinh viên thông qua các khóa đào tạo trực tuyến. Bệnh nhân có thể được hướng dẫn chăm sóc hoặc cấp cứu tại nhà thông qua các phần mềm y tế…

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế  nhấn mạnh: Thời gian qua Đảng, Chính phủ đã có chủ trương, chính sách tạo điều kiện, thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thông tin, CĐS phát triển mạnh mẽ. Trên cơ sở đó kịp thời nắm bắt những cơ hội do kỷ nguyên kỹ thuật số mang lại. Nhìn chung, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cộng đồng đã có bước phát triển. Người dân, người bệnh được hưởng lợi trong công tác y tế như: Giảm thiểu thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi, người bệnh chủ động được lịch khám cũng như có thể đặt lịch bác sĩ khám, lưu trữ hồ sơ điện tử tránh thất lạc cũng như dễ tra cứu lịch sử điều trị…


Báo cáo viên của Tập đoàn công nghiệp viễn thông quân đội Viettel  giới thiệu phần mềm “Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử “ giúp lãnh đạo các đơn vị y tế xem nhanh kết quả tổng thể hoạt động của đơn vị theo từng cấp trong từng thời điểm.

Đối với Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao sự phối hợp, hỗ trợ của các ban ngành thành phố để công tác ứng dụng công nghệ thông tin nói chung, CĐS nói riêng, đạt nhiều kết quả. Cần Thơ là địa phương có kế hoạch CĐS ngành y tế và đề án xây dựng nền y tế thông minh triển khai thực hiện sớm. Với những kết quả đạt được, Cần Thơ đã bước đầu thể hiện vai trò dẫn đầu, tạo sự lan tỏa về CĐS y tế vùng ĐBSCL.


Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu phần mềm về CĐS y tế

Thứ trưởng đề nghị ngành Y tế Cần Thơ khi thực hiện CĐS, ứng dụng CNTT y tế, phải lấy người bệnh, người dân là trung tâm, là mục tiêu phục vụ.  CĐS không phải là việc riêng của đơn vị chuyên môn, đơn vị quản lý mà là công việc của tất cả các đơn vị, cá nhân trong ngành, trong đó lãnh đạo các đơn vị, trước hết là các đồng chí đứng đầu, giữ vai trò quyết định. Ngành Y tế thành phố cần tiếp tục phát huy sự chủ động, sáng tạo, khoa học, ưu tiên nguồn lực cho công tác này; và thực hiện một cách tổng thể, toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; phải hợp tác, gắn bó với các đơn vị của Bộ Y tế đóng trên địa bàn; đồng thời hỗ trợ các địa phương trong vùng ĐBSCL. Tăng cường truyền thông về lợi ích của CĐS y tế để các cơ quan, đơn vị, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả.

Hội thảo là dịp để các đại biểu khu vực phía Nam trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện CĐS y tế tại cơ quan, đơn vị, từ đó xác định các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác y tế của địa phương.

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)