Chiều ngày 10-4-2024, Sở Y tế TP. Cần Thơ tổ chức hội nghị Sơ kết công tác y tế quý I, triển khai nhiệm vụ quý II năm 2024.
TS.BS Hoàng Quốc Cường – Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ, đề nghị các biện pháp để ngành y tế tháo gỡ các khó khăn
Theo Sở Y tế, trong quý I, ngành y tế đã hoàn thành công tác đấu thầu thuốc, đáp ứng nhu cầu điều trị cho nhân dân. Mạng lưới y tế ổn định và phát triển, y tế cơ sở từng bước được nâng cao chất lượng. Công tác chuyên môn đảm bảo, kịp thời triển khai đến các đơn vị những quy định, hướng dẫn do Bộ Y tế ban hành. Toàn TP không xảy ra ngộ độc thực phẩm… Công tác thanh kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực y tế và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thực hiện tốt.
Công tác y tế dự phòng là một trong những điểm sáng của Ngành. Toàn ngành đã triển khai các biện pháp tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2024. Phân công cán bộ, tổ chức trực 24/24 giờ trong các ngày nghỉ Tết để nắm tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Phối hợp triển khai các hoạt động: Vệ sinh phòng bệnh, an toàn thực phẩm; tuyên truyền nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục – đào tạo; phối hợp cùng Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn thực hiện phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật để ngăn chặn và xử lý; phòng dịch bệnh lây từ động vật, thực phẩm sang người… So với cùng kỳ, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết giảm. Bệnh tay chân miệng tăng; đậu mùa khỉ ghi nhận 4 trường hợp mắc… Tất cả đều không có trường hợp tử vong. Đặc biệt, Bệnh viện Ung bướu (BVUB) TP. Cần Thơ phối hợp Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Astrazeneca Việt Nam thực hiện chương trình “Chuyển đổi số vì sức khỏe phổi”. Chương trình diễn ra từ tháng 1-2024 đến hết tháng 3-2024 dành cho người từ 40 tuổi trở lên… Người dân tham gia tầm soát được miễn phí trong mọi hoạt động, như: Được các bác sĩ chuyên khoa ung bướu khám, tư vấn, chụp X-quang. Các trường hợp có tổn thương được chỉ định chụp CT scan. Trường hợp nghi ngờ bệnh COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), được đo chức năng hô hấp. Chương trình nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, phát hiện sớm các trường hợp có khả năng mắc bệnh ung thư phổi và các bệnh lý nguy hiểm về phổi để kịp thời điều trị, giảm gánh nặng bệnh tật và nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.
TS.BS Võ Văn Kha – Giám đốc BVUB Cần Thơ cảnh báo về hệ thống xạ trị của BV
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Y tế và các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, tìm giải pháp khắc phục những khó khăn mà ngành đang đối mặt, như: Cơ sở vật chất (CSVC) nhiều bệnh viện (BV) tuyến thành phố bị xuống cấp nặng, đặc biệt là nhiều thiết bị y tế bị hư hỏng, hoặc thời gian sử dụng đã lâu, chưa được đầu tư mới, như: BV Tim mạch: Hệ thống chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt; BV Phụ sản: Hệ thống chụp cộng hưởng từ 1,5 Tesla và máy giúp thở trẻ sơ sinh, trẻ em có chế độ HFO; BV Đa khoa TP. Cần Thơ: Đầu tư thiết bị và hệ thống thông tin nhằm nâng cao năng lực hệ thống cấp cứu 115; Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm và Thực phẩm: Hệ thống sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC); Máy thử độ hòa tan 8 ngăn, có hệ thống hút tự động và một số máy khác… Trong đó đặc biệt nghiêm trọng là Hệ thống xạ trị gia tốc của BVUB Cần Thơ. Là BV điều trị ung thư tuyến cuối của ĐBSCL, mỗi ngày máy xạ trị gia tốc xạ trị cho hơn 100 bệnh nhân. Do tính cấp thiết của việc điều trị, máy làm việc 24/24, suốt tuần, kể cả các ngày lễ, Tết… TS.BS Võ Văn Kha – Giám đốc BVUB Cần Thơ cảnh báo: “Dù cố gắng bảo trì nhưng đến năm 2025 máy sẽ không còn sử dụng được vì cạn nguồn phóng xạ. Lúc đó hàng ngàn bệnh nhân ung thư của Cần Thơ và ĐBSCL sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng”.
BS CK II Trần Quốc Luận – GĐ BVĐK TP.Cần Thơ đảm bảo quí 2/2024, BV có đủ hóa chất thực hiện các xét nghiệm cho bệnh nhân
Nhiều đơn vị và tuyến y tế cơ sở chưa triển khai dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) theo yêu cầu; giá dịch vụ KCB hiện vẫn chưa tính đúng, tính đủ. Các cơ sở KCB gặp khó khăn rất lớn về nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 2%. Dự án đầu tư xây dựng BVUB TP.Cần Thơ quy mô 500 giường còn vướng mắc… Đặc biệt, việc mua sắm tài sản, hàng hóa, thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch UBND thành phố còn chậm như mua sắm đường sữa, bánh sữa tại BV Huyết học Truyền máu (phục vụ công tác hiến máu nhân đạo) và các gói thầu thuê dịch vụ vệ sinh, dịch vụ bảo vệ tại một số BV…
Ngoài việc kiến nghị UBND thành phố sớm thực hiện các giải pháp giúp ngành tháo gỡ những khó khăn, trong đó cần phân công trách nhiệm đơn vị chủ trì thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự toán mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch UBND thành phố. Bổ sung trang thiết bị cho các BV… Theo đề nghị của TS.BS. Hoàng Quốc Cường – Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ, các đại biểu thống nhất với nhiều giải pháp để “tự cứu” nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của ngành y tế Cần Thơ, trong đó theo Luật đấu thầu mới, Giám đốc các BV sẽ thực hiện Chỉ định thầu đối với những gói nhỏ như dịch vụ vệ sinh, một số loại thuốc phục vụ cấp cứu… Các BV sẽ thực hiện xã hội hóa để có nguồn kinh phí nâng cấp, sửa chữa CSVC và tăng cường trang thiết bị hiện đại phục vụ KCB…
Chuyên viên kiểm tra phổi của người dân tham gia chương trình Tầm soát bệnh ung thư phổi và các bệnh lý nguy hiểm về phổi
Sát cánh cùng các đơn vị, TS.BS. Hoàng Quốc Cường khẳng định: “Với những gói thầu lớn, Sở Y tế đã trình với HĐND để tìm biện pháp đẩy nhanh tiến độ đấu thầu… Đối với công tác xã hội hóa y tế, phải có sự thống nhất trong toàn ngành về quy trình thực hiện. Các BV xây dựng đề án, gởi về Sở Y Tế. Sở tập hợp lại, kiến nghị với Bộ Tài chính đồng thời trình Thành ủy, HĐND, UBND TP và cùng các sở ngành liên quan xác định phương án về các bước triển khai thực hiện chung… Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đều khuyến khích chúng ta đi vay vốn, tự thân vận động để tạo bước đột phá trong cải tạo CSVC và tăng cường trang thiết bị. Tôi sẽ cùng các Giám đốc BV thương thảo với các Ngân hàng; tìm đơn vị cho vay với lãi suất phù hợp nhất”.
Trong quý II/2024, Sở Y tế tiếp tục hướng dẫn và đôn đốc công tác đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế; bảo đảm đủ thuốc thiết yếu phục vụ điều trị. Chủ động bám sát diễn biến tình hình các dịch bệnh và có biện pháp phòng chống… Đẩy nhanh triển khai thực hiện hồ sơ sức khỏe và bệnh án điện tử. Tăng cường các biện pháp đảm bảo chất lượng VSATTP, đặc biệt là bếp ăn bán trú tại các trường học. Các cơ sở y tế tiếp tục nâng cao chất lượng KCB và thực hiện tốt “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và triển khai các dịch vụ kỹ thuật mới (trong đó BV Đa khoa TP.Cần Thơ đẩy mạnh đề án thực hiện ghép thận). Tăng cường chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên xuống tuyến dưới…
Đan Phượng
Bình luận (0)