Trong 2 ngày 5 và 6-5, tại TP.Cần Thơ, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tập huấn dành cho các nhà báo, phóng viên khu vực phía Nam. Theo đó trong thời gian qua, ngành y tế đã liên tục cập nhật, đổi mới trong thực hiện BHYT, xây dựng bệnh viện (BV) xanh-sạch-đẹp và thực hiện an ninh BV nhằm đem lại sự hài lòng cho bệnh nhân.
BS đang điều trị cho bệnh nhân đột quỵ tại BV Đa khoa TW TP.Cần Thơ. Ảnh: Đ.Phượng |
Tìm cách đảm bảo an ninh BV
Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến cuối năm 2016 cả nước có 1.365 BV với gần 590.000 cán bộ y tế; có 158,9 triệu lượt người khám, điều trị nội trú là 27,2 triệu lượt người. Những loại hình mất an ninh trật tự tại các BV gồm: móc túi, cò mồi (đánh vào tâm lý bệnh nhân không muốn chờ lâu và được BS giỏi điều trị); bắt cóc trẻ sơ sinh; bệnh nhân và người nhà say rượu, sử dụng ma túy gây mất trật tự và đe dọa y – BS, nghiêm trọng nhất là tình trạng hành hung nhân viên y tế. Từ năm 2010 đến tháng 3-2017 có 22 vụ người nhà và đồng bọn hành hung nhân viên y tế, trong đó có 1 điều dưỡng đang mang thai bị thương nặng (tại BV Bạch Mai, Hà Nội); BS Phạm Đức Giàu tử vong và BS Ngô Duy Hoàn bị trọng thương (tại BV Đa khoa Vũ Thư, Thái Bình).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó theo ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) – là: “Nhân lực y tế vừa thiếu vừa yếu, trong đó có những cán bộ y tế yếu về chuyên môn gây ra tai biến y khoa, đặc biệt là tai biến sản khoa. Tình trạng quá tải khiến nhiều người bệnh bức xúc vì phải chờ đợi, và BS thì rất căng thẳng khi làm việc. Thử tưởng tượng 1 BS phải khám 100 bệnh nhân thì ngoài sự mệt mỏi, BS lấy đâu thời gian để tư vấn kỹ cho bệnh nhân?”.
Để giải quyết, Bộ Y tế phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành của chính quyền, công an, dân phòng và các ban ngành, đồng thời tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản, chính sách. Đồng thời tập trung giảm quá tải BV; nâng cao trình độ chuyên môn, theo dõi, quản lý, giám sát các sự cố y khoa; chăm sóc tốt người bệnh. Với các cơ sở y tế, ngoài việc trực bảo vệ 24/24, còn xây dựng và củng cố đội an ninh phản ứng nhanh sẵn sàng đối phó với các sự cố bất thường xảy ra; rà soát và lắp đặt các camera an ninh và hệ thống báo động khẩn cấp…
Riêng với những trường hợp người nhà bức xúc vì năng lực yếu kém của thầy thuốc khiến xảy ra sự cố y khoa cho người bệnh, ông Khoa cho biết: “Chúng ta phải xử lý và khắc phục sự cố y khoa theo quan điểm xem xét lỗi một cách hệ thống, tìm ra nguyên nhân căn bản. Hiện Bộ Y tế đang xây dựng hệ thống để các BV báo cáo những trường hợp xảy ra sự cố y khoa, trên tinh thần tự nguyện, để bộ và toàn ngành tìm biện pháp khắc phục”.
Tăng quyền lợi người tham gia BHYT
Để thu hút người dân tham gia BHYT, ông Hà Văn Thúy – Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế – cho biết: Bộ Y tế đã ban hành Thông tư (TT) số 40/2014 về danh mục tân dược thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT, TT 05/2015 về danh mục thuốc đông y, dược liệu và thuốc y học cổ truyền được Quỹ BHYT thanh toán. So với TT 31, TT 40 bổ sung mới 37 thuốc, mở rộng tuyến sử dụng 77 thuốc. Đặc biệt đưa 11 thuốc điều trị ung thư, chống thải ghép ngoài danh mục sử dụng thuốc theo quy định tại TT liên tịch 09 vào danh mục… TT 40 cũng quy định về nguyên tắc thanh toán chi phí thuốc và căn cứ xây dựng danh mục thuốc sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh. Theo đó, thuốc được xếp nhóm này nhưng được chỉ định dùng điều trị bệnh thuộc nhóm khác, phù hợp với chỉ định có trong hồ sơ đăng ký thuốc…
Theo kế hoạch, Bộ Y tế sẽ rà soát sửa đổi, ban hành TT mới nhằm khắc phục những hạn chế trong TT 40, hướng đến tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các BV trong điều trị. Ông cho biết thêm: “Bộ sẽ rà soát toàn bộ danh mục thuốc, điều kiện và tỷ lệ thanh toán để điều chỉnh đối với những loại thuốc cần thiết. Xin ý kiến chuyên gia và cân nhắc tách danh mục thuốc sử dụng tại phòng khám gia đình”.
Đan Phượng
Bình luận (0)