Ngày 23.3, các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT cho biết kết quả bước đầu của việc lấy mẫu phân tích, khảo sát thực địa cho thấy, không loại trừ ngao, sò, ốc chết trắng ở nhiều vùng bờ biển Hà Tĩnh và Nghệ An thời gian qua là do việc xả trộm chất thải độc hại ra biển.
Sò lông chết phủ trắng bãi biển xã Kỳ Ninh (H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh)Sò lông chết phủ trắng bãi biển xã Kỳ Ninh (H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) – Ảnh: Quang Dũng
Theo Cục Thú y, tại Hà Tĩnh, ngao bắt đầu chết từ ngày 19.2, sau khi nước tại vùng nuôi có màu đỏ bất thường. Tổng cộng đã có tới 90 ha ngao nuôi của 42 hộ dân ở 5 xã thuộc 3 huyện bị chết. Ông Trần Xuân Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hà Tĩnh, cho biết không chỉ ngao mà sò, ốc cùng một số loài nhuyễn thể khác cũng bị chết hàng loạt, phủ trắng bờ biển tại 3 xã của H.Kỳ Anh là Kỳ Ninh, Kỳ Khang, Kỳ Phú. Tại Nghệ An, theo Cục Thú y, từ ngày 22.2 cũng xuất hiện tình trạng ngao chết hàng loạt tại 3 xã ven biển của H.Quỳnh Lưu, sau khi vùng nước nuôi có màu đỏ bất thường. Diện tích ngao bị chết được xác định đã lên tới trên 100 ha.
Cục Thú y đã thành lập 3 đoàn công tác về các vùng biển của Hà Tĩnh để kiểm tra và lấy 28 mẫu bùn, nước, ngao xét nghiệm. Kết quả phân tích các mẫu cho thấy không phát hiện ký sinh trùng gây bệnh trên ngao và sò lông; 3/6 mẫu ngao, 1/1 mẫu bùn và 1/1 mẫu sò có vi khuẩn gây bệnh cao hơn giới hạn cho phép… Các mẫu xét nghiệm lấy tại vùng ngao chết trên địa bàn Nghệ An chưa phát hiện dấu hiệu dịch bệnh, Cục Thú y đang tiếp tục phân tích các yếu tố môi trường liên quan.
Điều đáng nói, theo Cục Thú y, cả 6/6 mẫu ngao lấy tại vùng có ngao chết tại Hà Tĩnh nhiễm chì rất cao, lên tới 49 mg/lít, vượt giới hạn cho phép 980 lần (giới hạn cho phép chỉ là 0,05 mg/lít). Đặc biệt, có 1 mẫu nước lấy ở vũng nước còn lại khi thủy triều có màu đỏ rút đi tại thị trấn Thiên Cầm (H.Cẩm Xuyên) tồn dư chì là 183 mg/lít, cao gấp 3.660 lần so với giới hạn cho phép. Lãnh đạo Cục Thú y nhận định, có thể trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, đã có người chở chất thải độc hại ra biển xả trộm. Chất thải sau đó tạo thành vệt, bị sóng đánh vào bờ, gây ô nhiễm nguồn nước.
Một lãnh đạo của Tổng cục Thủy sản cũng nghiêng về nhận định nêu trên. Theo ông này, đoàn công tác của tổng cục đã xác định, tại vùng ngao chết bất thường không thấy tảo độc gây “thủy triều đỏ”, các mẫu xét nghiệm đều âm tính với dịch bệnh. Cá nhệch ngoài biển chết trôi vào bờ rồi mới xuất hiện sò lông chết đồng loạt trước khi ngao chết bất thường. “Chắc là lợi dụng ngày tết, các đối tượng xả trộm chất thải trên biển, sau đó chất thải trôi vào bờ”, ông này nói.
Bùi Trần – Nguyên Dũng
(TNO)
Bình luận (0)