Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ngất tập thể – Hiện tượng đáng lo?

Tạp Chí Giáo Dục

Trong vài năm gần đây, hiện tượng ngất tập thể mà khoa học gọi là rối loạn phân ly xảy ra tại một số trường học trên cả nước đã làm cho các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và bản thân các em học sinh lo lắng, hoang mang, gây xôn xao dư luận cả nước. Vậy hiện tượng này là gì, nguyên nhân và các biện pháp phòng ngừa thế nào?
Các rối loạn phân ly là nhóm bệnh thường gặp, chiếm 0,3 – 0,5% dân số. Các rối loạn phân ly hay phát sinh ở lứa tuổi trẻ, đặc biệt là ở những người vị thành niên, nữ nhiều hơn nam. Đây là một bệnh tự ám thị, vì thế bệnh nhân dễ bị ảnh hưởng bởi những gì mắt thấy, tai nghe. Trong các điều kiện không thuận lợi về tinh thần cũng như thể chất, bệnh có thể phát triển thành “dịch” trong tập thể lớn. Khi xảy ra ồ ạt ở một tập thể lớn, bệnh phân ly chủ yếu là các cơn co giật, các cơn ngất vì các cháu “bắt chước” lẫn nhau. Đó là nguyên nhân tại sao bệnh phân ly tuy không phải là bệnh truyền nhiễm, nhưng có khả năng lan truyền trong những người sống cùng tập thể, vì vậy mới có hiện tượng bệnh xảy ra hàng loạt trong trường học như ở một số địa phương trong thời gian gần đây.
 Một nữ sinh bị ngất do học tập căng thẳng.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chủ yếu của rối loạn phân ly là các chấn thương tâm lý, các hoàn cảnh xung đột. Các chấn thương tâm lý là các chấn thương gây cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề… các rối loạn phân ly thường phát sinh một thời gian ngắn sau chấn thương tâm lý. Đôi khi khó tìm thấy dấu vết của chấn thương tâm lý, nhất là trong trường hợp bệnh đã tái phát nhiều lần.
Bệnh phân ly thường xảy ra trên các cháu học sinh phải học hành căng thẳng, cộng thêm thể lực yếu là yếu tố thuận lợi cho bệnh phát sinh.
Các nhân tố thuận lợi cho rối loạn phân ly, trước hết là nhân cách yếu, thiếu tự chủ, thiếu kiềm chế, tinh thần chịu đựng khó khăn kém, thiếu lý tưởng sống lành mạnh. Ngoài ra, còn gặp các yếu tố khác như nhiễm khuẩn, suy dinh dưỡng, chấn thương sọ não, thời tiết oi bức… các yếu tố này làm suy yếu hệ thần kinh, dẫn tới phát sinh ra rối loạn phân ly.
Các đặc trưng của rối loạn phân ly
– Khởi phát sau một tình huống chấn thương tâm lý hoặc sau một tổn thương trong quan hệ xã hội (ví dụ sức ép quá lớn trong học tập).
– Các triệu chứng biểu hiện một cách kỳ dị.
– Thời gian bị bệnh liên quan đến độ bền của các mâu thuẫn được bệnh nhân thừa nhận hay không thừa nhận. Khi các mâu thuẫn được giải quyết thì bệnh có xu hướng nhẹ đi và hết.
– Không tìm thấy một tổn thương thực tổn tương ứng trên lâm sàng và cận lâm sàng.
– Các triệu chứng có thể mất đi khi ám thị nhưng có thể trở lại với cường độ cao.
– Biểu hiện bệnh rất đa dạng.
Điều trị và dự phòng
– Điều trị bằng liệu pháp tâm lý, liệu pháp ám thị thường cho kết quả tốt. Cần phải có thái độ tôn trọng người bệnh, không được xem họ là người giả bệnh. Tránh thái độ chiều chuộng, lo lắng quá mức, theo dõi quá chặt chẽ, vô tình ám thị cho bệnh nhân rằng bệnh quá nặng.
– Kết hợp các biện pháp điều trị toàn diện khác như âm nhạc, thể thao, lao động, thư giãn…
– Rèn luyện tính cách ngay từ khi còn nhỏ, giáo dục tính đoàn kết, thân ái, tính tập thể, tránh các stress trong học tập, sinh hoạt.
Trong trường hợp cụ thể của trường học, nên làm như sau:
– Trong lớp học nên có cả học sinh nam và nữ. Có thể chính các học sinh nam có thần kinh mạnh mẽ và vững vàng hơn sẽ ảnh hưởng tốt đến các bạn nữ, họ sẽ là chỗ dựa tinh thần cho các nữ sinh.
– Nhanh chóng cách ly học sinh bị bệnh bằng cách khiêng các cháu vào chỗ râm, mát, thoáng khí và yên tĩnh.
– Cho các cháu nghỉ học một thời gian ngắn để cách ly và bệnh nhân được nghỉ ngơi. Trong thời gian đó, nhà trường rà soát lại các vấn đề gây ra căng thẳng tâm lý cho các cháu. Vấn đề khi được tìm ra thì cần loại bỏ.
– Các buổi sinh hoạt tập thể và chào cờ không nên kéo dài quá (15 – 20 phút là đủ).
– Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao trong trường học. Về lâu dài, cần phải giảm bớt áp lực học tập cho các cháu.
TS. Bùi Quang Huy
(Chủ nhiệm Khoa tâm thần – Bệnh viện 103 (Theo SK&ĐS)

Bình luận (0)