“Có ai hiểu được cuộc đời nhà giáo/Rất đơn sơ tập giáo án gối đầu/Viên phấn trắng làm tâm hồn bay bổng/ Mực đỏ chấm bài như máu chảy từ tim”.
Những dòng thơ ấy là hành trang mà cả lớp sư phạm chúng tôi mang theo khi tốt nghiệp sư phạm cách đây hơn 30 năm. Những năm ấy, thành phố còn thiếu giáo viên rất nhiều nhất là các huyện ngoại thành. Gần như tất cả giáo sinh của khóa chúng tôi đều phải ra ngoại thành dạy, tôi cũng thế. Lúc ấy, nơi tôi dạy còn là một vùng nông thôn nghèo khó, dân trí thấp. Năm đó, tôi và 3 người bạn chung khóa về cùng một trường. Để đến trường được phân công dạy, chúng tôi phải đạp xe từ nhà, rồi đi qua đò. Từ đó, chúng tôi lại tiếp tục đạp xe trên con đường đất mà nắng thì đầy bụi, mưa thì đầy bùn đất, có khi phải dắt xe vì đất dính đầy, bánh xe không quay được. Hai bên đường chỉ toàn là ruộng đất. Hôm nào xui xẻo bị bể bánh xe là phải dắt bộ mấy cây số mới có chỗ vá. Các cô đạp xe không nổi thì đi xe ngựa từ bến đò đến trường. Trường chúng tôi dạy không có hàng rào, bảng tên trường được gắn chơ vơ trên 2 cây cừ tràm. Khi chúng tôi đến trình diện đã đạp xe qua luôn vì cứ ngỡ là kho của hợp tác xã nông nghiệp. Nhà vệ sinh cũng không có. Muốn đi vệ sinh phải sang cầu cá tra đối diện trường…
20-11 năm ấy, chúng tôi vô cùng náo nức vì lần đầu tiên được đón ngày nhà giáo với tư cách là thầy cô. Sáng hôm ấy, chúng tôi đến trường sớm hơn mọi ngày. Thật bất ngờ, trường thật đông vui bởi khá đông phụ huynh đến cùng con em mình. Các phụ huynh ấy chỉ gật đầu rồi cười, tặng chúng tôi những thứ đúng nghĩa “cây nhà lá vườn”: gạo, nếp, hột gà, hột vịt, dừa… Tôi nhớ mãi một chú phụ huynh tay cầm cần câu, tay kia đưa tôi xâu cá nói gọn lỏn: “Gửi thầy cô mấy con cá”, rồi quay gót đi. Chúng tôi không biết chú đi câu từ lúc nào và cũng không biết chú là phụ huynh của học sinh nào, lớp mấy. Tôi cũng không thể quên hình ảnh một bé gái lớp 1 kéo lê 4-5 trái dừa dưới đất vì xách không nổi để tặng cô giáo mình. Một học sinh nam lớp tôi còn dễ thương biết bao khi cắc ca cắc củm túm trong cái mo cau 5 trứng gà đưa hai tay tặng tôi và thật thà nói: “Gà con nuôi mới đẻ có 5 trứng, cho thầy, mai mốt nó đẻ tiếp, con cho thầy đủ chục luôn”. Bông tặng thầy cô thì phải nói đủ loại. Một bó đủ thứ bông: bông trang, bông vạn thọ, bông mẫu đơn…, có cả bông bụp. Dự lễ xong, ra về, các thầy ngại nên để bông tại trường. Riêng các cô, sợ học trò buồn nên đã ôm về. Các cô ôm một đống bông ngồi trên xe ngựa, các thầy thì đạp xe đi theo cười đùa, chọc ghẹo. Không thể mang về hết các thứ nặng nề đó, chúng tôi để lại trường dùng chung. Trái dừa của các em cho chúng tôi uống thay nước hơn 10 ngày sau mới hết. Quả thật, chúng tôi đã choáng ngợp trong hạnh phúc được làm thầy cô giáo và thấm thía biết bao sự thanh cao của nghề dạy học như mấy câu thơ mà mình mang theo…
Chớp mắt, đã hơn 30 năm! Ngày 20-11 lại đến, chúng tôi sẽ lại được nhận hoa, nhận quà và cả phong bì nhưng cái cảm giác hạnh phúc bình dị ấy không còn bởi những tiếng râm ran “phí tổn” biếu thầy tặng cô. Như một thói quen, người ta thường đổ lỗi tại “kinh tế thị trường” nên giá trị vật chất đã làm sai lệch nhiều thứ. Có bao nhiêu phụ huynh và học sinh hiểu rằng chúng tôi cần lắm những đóa hoa, món quà từ tấm lòng chân thành như ngày nào. Nhắm mắt lại, tôi vẫn hình dung rõ nét ngày 20-11 tràn đầy hạnh phúc của năm nào.
Lê Phương Trí
(Trường TH Đống Đa, Q.4, TP.HCM)
Bình luận (0)