Sáng 19-7, trao đổi với phóng viên Giáo dục TP.HCM, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam cho biết, tính đến thời điểm này, công tác chấm thi tại TP đã cơ bản được hoàn tất, cố gắng trong hôm nay hoặc chậm nhất là ngày mai sẽ hoàn thành chấm thi môn tự luận với 85.049 bài thi Ngữ Văn.
Dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 song công tác chấm thi tại TP.HCM thực hiện đúng tiến độ của Bộ GD-ĐT
Đối với các môn trắc nghiệm, Sở đã báo cáo Bộ GD-ĐT về bài chấm trắc nghiệm và đang tiến hành hoàn tất các khâu tiếp theo.
Như vậy, mặc dù là địa phương đang chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 song công tác chấm thi của TP.HCM đã thực hiện đảm bảo đúng tiến độ đặt ra của Bộ GD-ĐT. Tất cả các thành viên trong hội đồng chấm thi của TP đã quyết tâm khắc phục khó khăn, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, vừa thực nhiện nghiêm các khâu chấm thi, vừa phòng chống tốt dịch bệnh.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, theo tiến độ, chậm nhất ngày 24-7, hội đồng chấm sẽ tổng kết công tác chấm thi, báo cáo sơ bộ kết quả, gửi dữ liệu bài thi về Bộ GD-ĐT, đồng thời cũng sẽ hoàn thành việc đối sánh kết quả thi, đảm bảo thời gian công bố kết quả thi cho thí sinh theo đúng tiến độ chung của Bộ là vào ngày 26-7. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh tại TP.HCM sẽ được Sở GD-ĐT TP, các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX, Trung tâm GDTX hoàn thành vào ngày 28-7. Chậm nhất là ngày 2-8, thí sinh tại TP.HCM sẽ nhận được Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời.
Là địa phương có số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 lớn gần như nhất cả nước (với khoảng 86.000 thí sinh), năm nay, TP.HCM đã huy động gần 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia vào công tác chấm thi. Trong quá trình chấm thi, điều động, thay thế bổ sung thêm 43 giáo viên do nằm trong khu vực cách ly, phong toả.
Để triển khai công tác chấm thi trong bối cảnh dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Sở GD-ĐT TP.HCM đã triển khai hàng loạt các biện pháp, đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia chấm thi.
Sở đã thành lập Ban phòng chống Covid-19 trong hội đồng chấm, đảm bảo việc tổ chức xét nghiệm đúng quy định, đảm bảo các hướng dẫn chống dịch được nhắc nhở thực hiện thường xuyên và điều chỉnh; Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác tại điểm chấm thi (kể cả nhân sự bổ sung, thay thế) vào các ngày 9;14;18-7; Thực hiện nghiêm việc giãn cách theo Chỉ thị 16 với nguyên tắc dưới 10 người/phòng, khoảng cách mỗi người trong phòng là 2m; Chủ động hướng dẫn, sắp xếp giãn cách tại tất cả câc khâu kiểm bài, chấm thi, nhập điểm và hồ phách so dò.
Trang bị nước rửa tay, găng tay y tế, khẩu trang, kính chống giọt bắn cho từng thành viên tham gia công tác tại điểm chấm. Trang bị đầy đủ xà bông diệt khuẩn, tăng cường nhiều khu vực rửa tay, bổ sung vitamin C cho thành viên. Phân ca, chia giờ chấm cho cán bộ chấm thi, quy định cụ thể giờ bắt đầu làm việc và giờ về, không tổ chức nghỉ trưa quá dài để tránh tụ tập trao đổi và ùn tắc khi ra vào. Các khâu, các tổ được sắp xếp thời gian sinh hoạt và làm việc thực tế cùng với việc nghiên cứu hồ sơ tại nhà để tránh tụ tập đông không cần thiết.
Việc khử khuẩn ở tất cả các phòng chấm, phòng làm việc của điểm chấm được thực hiện sau mỗi ngày làm việc. Khi có tình huống bất thường xảy ra trong thời gian làm việc, các Ban phối hợp với Ban thư ký (bộ phận phụ trách công tác phòng chống dịch Covid-19) để được hướng dẫn xử lý. Các trường hợp phong tỏa hay vì phòng chống dịch Covid-19 mà không đến được điểm chấm thi thì luôn có người thay thế.
“Nhìn chung, lúc đầu một số giáo viên có tâm lý chưa ổn định do tình hình diễn biến dịch Covid-19. Tuy nhiên, sau khi tham gia điểm chấm thi và Sở triển khai cụ thể các phương án phòng chống dịch thì giáo viên đều đồng tình ủng hộ và thực hiện đúng các hướng dẫn chung. Cán bộ chấm thi đều tham gia đủ từ đầu đến giờ, chỉ nghỉ khi bị phong toả khu vực ở thì mới xin phép tạm dừng tham gia chấm. Năm nay, Bộ GD-ĐT có bổ sung thêm mẫu thống nhất điểm nên cũng có một số giáo viên có sự so sánh tăng nhiều việc hơn năm trước song đến thời điểm này thì giáo viên đều hiểu, tâm lý thoải mái không bị áp lực về thời gian chấm…”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam bày tỏ.
Yến Hoa
Bình luận (0)