Sự kiện giáo dụcTin tức

Ngày 23.5.2021 bầu cử Quốc hội khóa XV

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 17.11, Quốc hội khóa XIV đã họp phiên bế mạc kỳ họp 10. Tại phiên bế mạc, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp, trong đó ấn định ngày bầu cử Quốc hội khóa XV là chủ nhật, ngày 23.5.2021.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc kỳ họp  /// Ảnh: Gia Hân
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc kỳ họp. ẢNH: GIA HÂN
Quốc hội (QH) cũng thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 10, cũng như Nghị quyết kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIV. Đáng chú ý trong nghị quyết kỳ họp là QH đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) do dịch Covid-19.
Để thực hiện giải pháp này, QH cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để Vietnam Airlines vay bổ sung. Đồng thời, cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định. Chính phủ giao Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua; đồng thời, cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A.
Trước khi họp phiên bế mạc, QH đã biểu quyết thông qua luật Bảo vệ môi trường sửa đổi và Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Với 443/466 đại biểu tán thành, QH đã thông qua dự án luật Bảo vệ môi trường sửa đổi gồm 16 chương và 171 điều. Điều đáng chú ý là kiến nghị của nhiều tổ chức, chuyên gia về việc cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) phải công khai báo cáo này như đang thực hiện tại luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã không được ban soạn thảo tiếp thu.
Tại khoản 2 điều 38 dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM chỉ có trách nhiệm “công khai trên cổng thông tin điện tử quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, trừ các thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”. Luật mới thông qua quy định việc công khai các báo cáo ĐTM được luật vừa sửa đổi quy định cho doanh nghiệp, chủ dự án.
Trước đó, nhiều chuyên gia, tổ chức cho rằng đây là “bước thụt lùi” so với luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và đề nghị cần phải quy định điều này vào luật. Theo luật Bảo vệ môi trường năm 2014, báo cáo ĐTM là thông tin môi trường phải công khai. Tại buổi làm việc với các chuyên gia vào ngày 5.11, trước thời điểm luật được thông qua, để tiếp thu các kiến nghị, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà khẳng định luật đã quy định doanh nghiệp, chủ đầu tư phải công khai (cho cơ quan quản lý nhà nước – PV) thì cơ quan quản lý nhà nước cũng công khai. Từ đó, Bộ trưởng Hà đề nghị quy định vào dự thảo là cơ quan quản lý nhà nước sẽ công khai báo cáo ĐMT.
Chưa đồng ý lập lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở
Trong ngày 17.11, Tổng thư ký QH đã gửi xin ý kiến đại biểu (ĐB) về việc có cần thiết ban hành luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Theo kết quả công bố chiều 17.11, chỉ có 96/393 ĐB cho rằng cần thiết ban hành luật này (chiếm 19,96%). Ngoài vấn đề có cần thiết ban hành luật hay không, Tổng thư ký QH cũng xin ý kiến ĐBQH về có đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án luật nêu trên hay không. Kết quả, có 206/393 ĐB không đồng ý (chiếm 42,83% tổng số ĐBQH); 169/393 ĐB đồng ý (chiếm 35,14% tổng số ĐBQH).
Trước đó, trong số 30 ý kiến góp ý về dự án luật nêu trên tại hội trường sáng cùng ngày, đa số ĐBQH không đồng tình việc xây dựng luật. Nhiều ĐB đề nghị Ủy ban Thường vụ QH xin ý kiến ĐBQH về việc có thực sự cần thiết ban hành luật hay không.
Theo dự án luật trình QH, Bộ Công an muốn thống nhất khoảng 700.000 người thuộc 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an bán chuyên trách dôi dư hiện nay thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Biên chế của lực lượng mới là khoảng 1,5 triệu người. Theo tính toán của Bộ Công an so với quân số theo luật định của 3 lực lượng nêu trên là 2 triệu người thì lực lượng mới sau khi được thành lập sẽ giảm 500.000 người. Bên cạnh đó, theo Bộ Công an, trung bình hằng tháng, các địa phương chi hỗ trợ cho một chức danh thuộc lực lượng này khoảng 300.000 đồng từ ngân sách nhà nước. Do đó, nếu giảm 500.000 người thì hằng tháng, toàn quốc sẽ cắt giảm được khoảng 150 tỉ đồng từ ngân sách chi trả hỗ trợ hoạt động của các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự trị an cơ sở.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra và nhiều ĐBQH chỉ ra, thực tế, biên chế của cả 3 lực lượng nêu trên hiện chỉ có chưa tới 700.000 người. Do đó, nếu luật được thông qua với quân số lên tới 1,5 triệu người thì biên chế sẽ tăng lên hơn 800.000 người, chứ không hề giảm đi. Về chi phí, nhiều ĐB nhìn nhận, sẽ không giảm như báo cáo mà Chính phủ gửi tới QH.
Chưa đồng ý giao bộ công an cấp giấy phép lái xe
Cùng ngày 17.11, Tổng thư ký QH đã gửi xin ý kiến các ĐBQH về một số nội dung của dự án luật Giao thông đường bộ sửa đổi và luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Kết quả, có 302/414 ĐB không đồng ý tách luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ ra khỏi luật Giao thông đường bộ sửa đổi để xây dựng một luật riêng; trong khi có 104/414 ĐB đồng ý. Có tới 321/414 ĐB không đồng ý đề xuất chuyển thẩm quyền sát hạch, đào tạo, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an và chỉ có 86/414 ĐB đồng ý. Về thời điểm thông qua luật, 153/414 ĐB chọn thời điểm là kỳ họp 11, QH khóa XIV, trong khi có 251/414 ĐB chọn kỳ họp thứ 2, QH khóa XV.
Trao đổi với báo chí tại họp báo bế mạc kỳ họp, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết việc lấy ý kiến ĐBQH chỉ là thăm dò, không phải là biểu quyết. Theo quy định, sau khi tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ QH sẽ quyết định có đưa vào chương trình kỳ họp tới nữa hay không.
Theo Lê Hiệp/TNO

 

Bình luận (0)