Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngày 31-12 sẽ công bố Nghị quyết thành lập TP Thủ Đức

Tạp Chí Giáo Dục

Thành lập TP Thủ Đức sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM. TP này không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là đòn bẩy nâng cao đời sống người dân; dự kiến đóng góp 30% GDP TP HCM và 7% GDP cả nước.


Dự kiến TP Thủ Đức trong tương lai sẽ đóng góp 30% GDP TP HCM và 7% GDP cả nước (Trong hình, các lãnh đạo xem triển lãm mô hình TP Thủ Đức trong tương lai)

Ngày 31-12, tại UBND Quận 2, TP.HCM sẽ tổ chức Lễ Công bố Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM.

TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở nhập 3 quận (gồm quận 2, 9 và Thủ Đức) với tổng diện tích tự nhiên 211,56km2 và quy mô dân số hơn 1 triệu dân, với 34 phường. Nằm ở phía Đông TP.HCM, TP Thủ Đức giáp các quận 1, 4, 7, 12, Bình Thạnh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Nơi đây có vị trí quan trọng trong vùng tam giác TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ.

Theo Nghị quyết 1111, sau khi thành lập TP Thủ Đức, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP.Thủ Đức gồm: nhập toàn bộ phường An Khánh vào phường Thủ Thiêm, nâng tổng diện tích tự nhiên phường này là 3,25km2 và quy mô dân số 428 người. Thành lập phường An Khánh trên cơ sở nhập toàn bộ phường Bình Khánh và phường Bình An. Sau khi thành lập, phường này có tổng diện tích tự nhiên 3,92km2, quy mô dân số 23.154 người.

Nghị quyết đồng thời giải thể Tòa án Nhân dân quận 2, quận 9, quận Thủ Đức để thành lập Tòa án Nhân dân TP Thủ Đức (Tòa này gồm các tòa chuyên trách: tòa hình sự; tòa dân sự; tòa Gia đình và người chưa thành niên; tòa xử lý hành chính; tòa kinh tế); giải thể Viện Kiểm sát Nhân dân quận 2, quận 9, quận Thủ Đức để thành lập Viện Kiểm sát nhân dân TP Thủ Đức.

Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Thủ Đức có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân quận 2, quận 9, quận Thủ Đức theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết 1111 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021, lúc này TP.HCM sẽ có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 16 quận, 5 huyện và 1 TP,  312 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 58 xã, 249 phường và 5 thị trấn.

Theo UBND TP.HCM, thành lập TP Thủ Đức sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội của địa phương. TP Thủ Đức không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là đòn bẩy nâng cao đời sống người dân; dự kiến đóng góp 30% GDP TP HCM và 7% GDP cả nước.

Sau 60 ngày kể từ ngày Nghị quyết số 1111 có hiệu lực, từng đơn vị hành chính, các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính mới phải hoàn thành xong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo sự ổn định, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân và hoạt động kinh tế của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.

UBND TP.HCM chỉ đạo chỉ đạo các sở – ngành có liên quan chủ động chuẩn bị các nội dung cần thiết hướng dẫn cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục hành chính… Thông tin, quy trình thực hiện được công khai trên cổng thông tin điện tử, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, khu phố, tổ dân phố và không thu phí việc thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục do thay đổi địa giới đơn vị hành chính. Trường hợp cá nhân, tổ chức không có nhu cầu chuyển đổi thì các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)