Ngày 8.8 tới, Hội đồng điểm sàn quốc gia của Bộ GD-ĐT sẽ họp để công bố mức điểm sàn các khối A, B, C, D của kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay.
Điểm sàn sẽ là bao nhiêu? PV đã tham khảo ý kiến của một số chuyên gia tham gia hội đồng điểm sàn và một số chuyên gia của các trường ĐH-CĐ.
Không có chuyện điểm thi thấp bất thường!
Theo ông Quách Tuấn Ngọc – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT, thì đến nay, hầu hết các trường ĐH-CĐ đã công bố điểm thi. Cả nước chỉ còn một vài trường CĐ chưa công bố. Tuy nhiên, số liệu hiện thời đã có thể hình dung được phổ điểm của kỳ thi tuyển sinh năm nay. Phổ điểm này không thấp như nhiều dự báo.
Thí sinh xem điểm thi tại trường ĐH Kiến trúc TP.HCM chiều 3.8 – Ảnh: Đ.N.T
Ông Ngọc nói: “Không có chuyện điểm thi thấp bất thường, bởi thực tế tổng số học sinh có điểm thấp và điểm cao cũng tương đương những năm trước đây. Sở dĩ có một số trường điểm thi thấp là do có đông TS học lực không tốt dự thi. Còn thực chất thống kê số lớn thì lượng TS điểm cao và thấp không thay đổi nhiều”. Ông Ngọc còn cho biết: đa số những trường công bố điểm thi sớm là do chất lượng bài thi của TS không cao, các trường cũng dễ chấm hơn và chấm nhanh hơn. Do đó, nhìn vào điểm thi của những trường này, dư luận sẽ hoang mang vì thấy có nhiều TS điểm dưới trung bình. Nhưng thực chất thì điểm thi năm nay cũng như năm trước thôi.
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, bà Trần Thị Hà – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cũng cho biết: những thông tin về điểm thi nhìn từ một số trường đều là phiến diện vì chưa dựa trên một số liệu chính xác. Chỉ khi tất cả các trường có số liệu về điểm thi và được tập hợp lại thì mới có thể nhận định đúng về điểm thi của TS. Đến ngày 8.8, Hội đồng điểm sàn quốc gia sẽ họp và lúc đó mới có thể công bố chính thức về điểm sàn năm nay.
Điểm sàn như năm trước là hợp lý?
Theo ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia ở một số trường ĐH thì có trường cho rằng mức điểm sàn như năm trước là hợp lý. Ông Lê Hữu Lập – Phó giám đốc Học viện Bưu chính – Viễn thông, một trường trong danh sách các trường tốp đầu cho biết: trường năm nay có số TS có điểm thi vào rất cao, với mức điểm chuẩn có thể lên đến 25,5 điểm (ngành cao nhất). Vì thế, ông Lập nói vui: “Nếu chỉ nhìn từ điểm thi của trường mà dự kiến điểm sàn thì phải tới 17, 18 điểm!?”. Ông Lập cho rằng không thể nhìn điểm thi từ một vài trường để dự kiến được điểm sàn. Và ông nhận định: “Theo tôi điểm sàn cứ giữ mức như năm trước là hợp lý!”.
Ông Nguyễn Trung Việt – Trưởng phòng Đào tạo ĐH Thủy lợi, một trường thuộc tốp giữa của khu vực phía Bắc cũng nhận định: “Theo tôi, điểm sàn khối A năm nay tối đa cũng chỉ như năm trước. Nếu như điểm thi của TS có thấp hơn thì cũng chỉ nên giảm đi nửa điểm”.
Tuy nhiên, cũng có một số trường thuộc tốp dưới tỏ ý e ngại nếu Bộ cứ giữ mức điểm sàn ở tầm 13, 14, 15 như năm trước cho “đẹp mắt” thì các trường sẽ khó tuyển đủ số chỉ tiêu được giao. Ông Trần Văn Tường – Trưởng ban Đào tạo ĐH Thái Nguyên, cho rằng: điểm sàn được xây dựng phải dựa vào chỉ tiêu hằng năm và mức điểm thi của TS năm đó. Điểm thi cao thì điểm sàn cao, điểm thi thấp thì điểm sàn phải thấp, chứ không thể lấy điểm sàn của năm trước để làm căn cứ cho điểm sàn của năm sau.
Ông Tường phân tích: đề thi ĐH không phải là năm nào cũng như năm nào, bởi vậy, điểm thi của TS thấp chưa hẳn chất lượng đã thấp vì còn phụ thuộc vào độ khó dễ của đề thi. Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, TS cần phải đạt được điểm trung bình, còn với kỳ thi ĐH là một kỳ thi tuyển, đề thi khó hơn nên TS có thể chỉ đạt 10 điểm (3 môn thi) cũng không thể nói điểm thi đó là thấp. “Tôi cho rằng, khi xây dựng điểm sàn thì Hội đồng điểm sàn sẽ phải dựa trên mặt bằng điểm thi chung của TS và số chỉ tiêu tuyển sinh năm nay để định mức điểm sàn hợp lý chứ không có chuyện dựa vào điểm sàn năm trước mà quyết định mức điểm sàn năm sau” – ông Tường nhận định.
Vũ Thơ/TNO
Bình luận (0)