Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh xếp thứ hai sau bệnh tim mạch, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống xã hội. Hiện nay việc ruồng bỏ, thiếu quan tâm đối với người trầm cảm đang trở thành vách ngăn lớn ngăn cản họ tìm đến các dịch vụ hỗ trợ, điều trị, từ đó khiến tình trạng trở nên tồi tệ, điều trị khó khăn hơn.
Nhiều trường hợp bị rối loạn cảm xúc khám và điều trị tại BV Tâm thần TP.HCM
Nhập viện vì mệt mỏi, bị ám ảnh
Tại Khoa Tâm lý, BV Nhi đồng 1, bà N.T.V (52 tuổi, Q.10), bà nội bệnh nhi L.T.K – 13 tuổi) kể, khi K. lên 8 thì ba mẹ ly hôn, bé ở với mẹ. Sau đó mẹ của bé đi lấy chồng. Sống chung với cha dượng được một thời gian thì K. có những biểu hiện bất ổn về tâm lý nên chuyển về nhà bà nội sống.
“Có lúc nó lầm lỳ không nói chuyện, có lúc lại la hét hoảng hốt. Tối nào ngủ cũng giật mình, quấy khóc. Đưa đi khám thì bác sĩ nói cháu bị rối loạn tâm lý, phải điều trị bằng thuốc và phương pháp tâm lý, theo dõi và tái khám định kỳ”, bà V. nói thêm.
Cũng tại Khoa Tâm lý, BV Nhi đồng 1, chị Hiền (38 tuổi, Q.5) cho biết, con trai của chị hiện nay 11 tuổi, khi sinh ra bình thường như những đứa trẻ khác. Khi bé được 9 tuổi, chị sinh thêm con gái thứ hai; từ đó bé trở nên ít nói, đến trường thường nghịch ngợm, không tập trung học tập, khi về nhà chỉ thu mình một góc. Đưa con đi khám bác sĩ tâm lý chị Hiền mới hay con bị rối loạn cảm xúc do cảm giác bị cha mẹ bỏ rơi sau khi sinh em bé thứ hai. 2 năm nay, chị Hiền đã nghỉ việc để ở nhà chăm sóc cho con…
Đưa con gái 17 tuổi đến tái khám tại BV Tâm thần
(TP.HCM), chị Nguyễn Thị Hồng (42 tuổi, Q.6) kể lại, hồi học tiểu học và THCS, con chị học rất giỏi, nhiều lần đạt thành tích cao môn toán, văn cấp quận và TP. Sau đó cháu đậu vào trường THPT chuyên, lúc này tâm lý của cháu bắt đầu có những bất ổn.
“Ở lớp ai cũng học giỏi, nên cháu càng chăm chỉ học tập hơn, nhiều lúc học đến 1, 2 giờ sáng mới đi ngủ. Áp lực bài vở quá lớn dần dần tôi thấy cháu hay cáu gắt, khó chịu, lúc nào cũng có cảm giác rằng thứ hạng của mình trong lớp bị giảm sút. Do không tập trung được vào việc học nên năng lực học của cháu giảm sút, từ đó cháu tỏ ra chán nản và muốn buông xuôi. Thậm chí không ít lần tôi thấy con có những hành động và suy nghĩ tiêu cực…”, chị Hồng buồn bã.
Cần phải điều trị sớm
Theo BS Trịnh Tất Thắng – Giám đốc BV Tâm thần TP.HCM, những trường hợp trên thuộc dạng rối loạn hành vi, cảm xúc hay còn gọi là rối loạn khí sắc bao gồm trầm cảm và rối loạn lưỡng cực. Nhiều người nghĩ rằng, rối loạn hành vi, cảm xúc chỉ xuất hiện ở người dùng chất kích thích. Tuy nhiên, căn bệnh này xuất hiện ngày càng nhiều, không những ở trẻ em, giới trẻ mà cả người lớn tuổi. Những biểu hiện về rối loạn cảm xúc kéo dài trong khoảng thời gian dài, biểu hiện thường là buồn, cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi; ăn mất ngon, ăn ít hoặc ăn rất nhiều; chậm chạp hoặc hưng phấn, kích thích; đánh giá bản thân thấp kém, vô dụng, tự ti trong học tập, công việc, từ bỏ mọi niềm vui và sở thích trước đó; một số trường hợp luôn có những ám ảnh có người muốn hại mình; nhiều trường hợp nặng có thể dẫn đến suy nghĩ tiêu cực, tìm đến cái chết hoặc hành vi tự sát.
BS Thắng nhấn mạnh: “Tất cả mọi người đều có thể bị trầm cảm, trong đó thanh thiếu niên có hành vi tự tử thường rơi vào dạng rối loạn cảm xúc lưỡng cực và trầm cảm nặng. Rối loạn cảm xúc lưỡng cực biểu hiện trạng thái cảm xúc thay đổi theo chu kỳ từ hưng phấn sang trầm cảm (ức chế). Ví dụ, khi mới phát bệnh, người bệnh nói nhiều, ít ngủ, dễ cáu kỉnh và rất dễ bị kích thích. Nhưng sau đó lại ở trạng thái chán nản, mệt mỏi, tự ti. Còn trầm cảm nặng khi người bệnh không có khả năng học tập, làm việc và tiếp thu, họ sống khép kín, quan hệ xã hội giảm sút. Điều này gây ức chế, xung đột trong nội tâm khiến bệnh càng trở nên trầm trọng hơn”.
Lý giải về nguyên nhân khiến bệnh rối loạn hành vi, cảm xúc xuất hiện ngày càng nhiều ở giới trẻ, BS Thắng cho rằng, giới trẻ ngày nay phải đứng trước nhiều áp lực từ học tập, công việc, gia đình và môi trường sống. Việc phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nhưng ít có sự đồng cảm, chia sẻ của người thân trong gia đình; bên cạnh đó là sự bao bọc của gia đình một cách quá mức, các em thiếu sự trải nghiệm thực tế, thiếu bản lĩnh, không dám đối mặt và đương đầu với những khó khăn… Do vậy, trẻ cần rèn luyện tâm lý và cảm xúc trước mọi vấn đề trong cuộc sống để trở nên vững vàng hơn, sẵn sàng đối đầu trong bất kỳ tình huống nào. Đối với những trường hợp phát hiện trẻ có những dấu hiệu trầm cảm, rối loạn cảm xúc cần kịp thời đưa đến bệnh viện có chuyên khoa tâm lý, tâm thần để được điều trị…
Hoài Thương
Bình luận (0)