Bố tôi bị thương trong chiến tranh nên mẹ tôi, một phụ nữ quanh năm vất vả với ruộng đồng lo cho đàn con ăn học. Ngày ấy, mỗi dịp vào năm học mới là mẹ chuẩn bị sách vở cho con tới lớp. Học cấp 1, anh em tôi mỗi đứa có một cái cặp cói, mấy cuốn vở ô li, bộ sách in cứ anh học xong thì để lại cho em, những cuốn sách in thường được mẹ đóng gáy bằng vỏ bao xi măng cẩn thận để không bị rách, lên cấp 2, chúng tôi không viết vở ô li mà viết vở dòng kẻ ngang cũng bằng những vỏ bao xi măng mẹ xin về để dành, bỏ đi lớp trong cùng dính xi măng và lớp ngoài in chữ thì các lớp còn lại anh em tôi có được những bìa sách, bìa vở vừa đẹp lại vừa bền. Những năm đất nước chưa đổi mới, kinh tế còn khó khăn, hạt lúa, hạt đậu, gánh rau, củ khoai mẹ trồng cấy được bán đi để đóng tiền học, mua sắm cho con bộ quần áo đi học. Nhiều lúc thấy bố mẹ quá vất vả, anh em tôi có ý xin thôi học sớm, nhưng bố mẹ kiên quyết không bằng lòng. Mẹ tôi động viên anh em tôi rằng bố mẹ nghèo, không có tiền bạc, của cải gì để cho con, nên cả nhà cùng cố gắng, các con cố gắng học để lớn lên có thể thoát khỏi cảnh chân lấm, tay bùn. Chúng tôi khoảng 9, 10 tuổi hàng ngày một buổi đi học một buổi đi chăn trâu, cắt cỏ, lớn hơn thì phụ mẹ việc đồng áng. Anh em chúng tôi lần lượt trưởng thành, rồi chúng tôi lập nghiệp xa nhà cả hơn ngàn cây số, thường thì cả năm mới về nhà thăm bố mẹ một lần, chúng tôi muốn đón bố mẹ lên ở cùng nhưng bố mẹ từ chối vì người già quen nếp sống ở quê.
Bây giờ trẻ em đến trường với đồng phục trắng tinh, những bộ sách in, sách bài tập, có đủ loại bao bìa bền đẹp, những cuốn vở ô li dày không lem mực. Năm học mới sắp về, tôi chuẩn bị tập vở cho con đi học, lại bần thần nhớ những cuốn sách giáo khoa cũ, những quyển vở được bao bìa bằng vỏ bao xi măng mẹ dành cho chúng tôi ngày nào. Lời dạy “giấy rách phải giữ lấy lề” của ông bà ta mà tôi được mẹ nhắc nhở, với những cuốn sách có bìa bao bằng vỏ bao xi măng mãi mãi là nỗi nhớ về mẹ của chúng tôi.
Phạm Thị Ngần (Biên Hòa – Đồng Nai)
Bình luận (0)