Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngày của niềm hạnh phúc thống nhất

Tạp Chí Giáo Dục

Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2010). Ảnh: T.T
Ngày đó, năm cánh quân từ năm hướng tiến thẳng vào đại lộ. Đại lộ núi, đại lộ đồng bằng, đại lộ biển… Nào mở tuyến qua sông, nào nối cầu qua suối, nào đắp đường tránh lội. Thần tốc, thần tốc, vút tới như tia chớp, vụt dậy như đường lao, đồng loạt như mùa dậy. Cánh quân mở chốt. Cánh quân nắm đấm. Cánh quân khai hỏa. Cánh quân nổi dậy. Cánh quân chiếm lĩnh. Tất cả không ngoài một thế vó ngựa bay chớp thời cơ. Ta giáp mặt đồng bằng. Ta gặp Cửu Long giang, miền Đông Nam Bộ. Con đường ngày xưa thần tốc Quang Trung, trong tiếng voi gầm ngựa hí kịp đến cửa ngõ Thăng Long chôn xác giặc. Nay quân đoàn, binh đoàn thần tốc trùng trùng điệp điệp, hẹn một giờ, một ngày của lịch sử xưa và nay, gặp nhau ở một điểm, vui nhau ở một đích, thống nhất một dân tộc ở TP.HCM hôm nay: “Vẫn con đường vết chân xưa Thánh Gióng/ Vẫn dòng sông đang réo sóng Bạch Đằng/ Đèo Tam Điệp gió thổi lên lồng lộng/ Giáo ngất mặt thành, tiếng ngựa hí Chi Lăng/ Phía trước con đường chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Ngày đó năm hướng quân tiến vào thành phố. Những anh bộ đội cùng một lý tưởng, cùng một vành mũ tai bèo, cùng một dép lốp cao su, cùng một pháo hiệu, mật hiệu chuyền nhau ở một giờ “G”. Giờ G trên môi người, trong trái tim người, trên từng nóc phố, trong từng cánh cửa đồng loạt đứng lên tấn công, tiêu diệt. Một đoạn nhật ký của Thượng tướng Trần Văn Trà đã ghi: “Đã có mấy giờ G mà hàng triệu trái tim rộn ràng, hồi hộp, vừa sung sướng đợi chờ. Đã có giờ G nào ta mong đợi từ mấy chục năm khói lửa ngất trời. Đã có giờ G nào mà hàng triệu con người ngã xuống từng giờ trong suốt hơn một vạn ngày cam go chiến đấu, hy sinh để quyết định ra nó”.
Đó là giờ đồng loạt khi trong bóng đêm, khi trong ánh lửa, khi dưới tia chớp, khắp trong hang cùng. Ôi cảm động sung sướng, bất chợt trên môi người giao liên, trong tim người cán bộ cơ sở gọi mật hiệu “Hồ Chí Minh”, “19 tháng 5” trong hỏi – đáp. Ôi, Bác vẫn có mặt trong ngày lịch sử này. Trái tim Bác vẫn vỗ nhịp cho đoàn quân chiến thắng đi vào TP.HCM.
Đó phải chăng đường đến TP.HCM là đường đến ánh sáng, đường đến lương tri, đường đến công bằng đạo lý, đường đến hạnh phúc thống nhất nước nhà. Chẳng thế mà trên đường tiến vào Sài Gòn, một đơn vị thuộc cánh quân phía Bắc đang tìm đường ngắn nhất để vào. Thấy vậy má Sáu Ngẫu đã mang đến cho các chiến sĩ tấm bản đồ do chồng má – một cán bộ đã hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968 để lại. Tấm bản đồ cũng là ý nguyện của bà má miền Nam đến với ánh sáng Hồ Chí Minh. Ý nguyện đó làm ta gặp lại cách đây 218 năm La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp từ trên núi Hồng Lĩnh xuống đỡ đầu ngựa Quang Trung đang cuộc hành quân ra Thăng Long để bày tỏ ý nguyện vua sáng, tôi hiền về trị bình thiên hạ.
Giải phóng Sài Gòn, gương mặt hạnh phúc bừng như hoa nở. Hoa đó cũng là hoa trong thơ của nhà thơ Tây Sơn Ngô Ngọc Du tả không khí tưng bừng đón đoàn quân chiến thắng của Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ tiến vào giải phóng Thăng Long ngày 30-1-1789 đúng vào Tết Kỷ Dậu: “Mây tạnh, mù tan, trời lại sáng/ Đầy thành già trẻ, mặt như hoa”. Và ngày 30-4-1975, giữa chiến thắng tưng bừng, thơ của một vị tướng trong Bộ chỉ huy ghi vội trong sổ tay để nhớ ngày chiến thắng làm nên Đống Đa lịch sử, là ngày hạnh phúc của dân tộc: “Mai vàng rực nẻo hành quân/ Gió ngàn nở rộn, súng xuân vây thành/ Xưa nay vẫn núi sông mình/ Rạng Nguyễn Huệ, thắm tình Ngọc Hân”.
Đó là cái ngày trong mỗi chúng ta trở về nhìn lại mảnh đất có máu thịt của mình trong đó. Nhận lại một khoảng trời, một góc sân. Ngày hạnh phúc ấy, cũng là trong mỗi chúng ta được trả về, được lấy lại những gì đã mất dù một chút tâm hồn, một chút trong trắng hồn nhiên. Dù một bàn tay, một mái tóc, một cái hôn đầu. Và Sài Gòn sau ngày giải phóng, tất cả đều nguyên vẹn, tất cả đều sẵn sàng đến với cách mạng, đến với giải phóng “Giải phóng”, “Thống nhất” lời của bà má Sài Gòn nhìn cờ đỏ tung bay trước dinh Độc Lập.
Giải phóng tiến vào thành phố cũng là tiến đến cái đích hạnh phúc. Ôi sao hạnh phúc cứ như trong mơ. Đó là khi nhà thơ Thanh Thảo cùng trong cánh quân luôn nghĩ về hạnh phúc cho người ngã xuống. Bài thơ Thử nói về hạnh phúc mà nhà thơ thử đặt ra thật triết lý sâu xa: “Giữa chúng mình nhớ nhau/ Nỗi nhớ nhau chưa đủ thành hạnh phúc/…Còn những người bạn ngã xuống/ Đôi bàn tay trong sạch/ Đã vùi sâu trong đất/ Những bàn tay ôm chặt cuộc đời này”. Nhà thơ Bùi Minh Quốc cũng trong cánh quân tiến đến hạnh phúc lại từ một hạnh phúc thật của mình, từ cái hy sinh thật của người vợ mình nhà văn Dương Thị Xuân Quý để có Bài thơ hạnh phúc. Hạnh phúc là từ cái chết để làm nên sự sống hôm nay:
Vẻ đẹp này em chưa biết đặt tên
Thức dậy bao điều mới mẻ trong em
Nghe ngọn bút nghe cuộc đời thao thức
Và em gọi đó là hạnh phúc.
Hạnh phúc từ bữa cơm của người chiến đấu đến bữa cơm của nhân dân trong ngày thống nhất hai miền. Bài thơ Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập nhà thơ Hữu Thỉnh từ cảm xúc xuyên suốt lịch sử xương máu đến niềm vui từ bầu trời đến hạt cơm, từ bát ăn đến cái đích cuối cùng giải phóng. Ôi hạnh phúc là trời xanh là niềm xanh khao khát, niềm vui, niềm tươi trẻ đến mênh mông. Mênh mông!
Tháng Tư – 2011
Trúc Chi

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)