Từ 26 năm qua, kể từ khi Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra QĐ số 167 ngày 28 tháng 9 năm 1982, Ngày nhà giáo Việt Nam đã trở thành ngày thiêng liêng không chỉ với ngành GD&ĐT mà còn thắp sáng truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. QĐ 167-HĐBT có ghi rõ mục đích, ý nghĩa của Ngày nhà giáo Việt Nam: “Động viên đội ngũ giáo viên phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam, rèn luyện phẩm chất và năng lực, làm gương sáng cho học sinh noi theo. Về phía giáo viên, cần có những hoạt động phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên trong xã hội nước ta ngày nay, từ đó mà ra sức phấn đấu làm tốt nhiệm vụ cao cả của mình...
Không phải ngẫu nhiên mà ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo lại được đổi thành “Ngày nhà giáo Việt Nam”. Hiếm có nơi đâu trên thế giới, hình ảnh người thầy giáo lại gắn bó với vận mệnh của giang sơn đất nước, với đồng bào như ở Việt Nam. Thông tin từ Wikipedia có đoạn viết: “Hàng năm, vào dịp kỉ niệm 20 tháng 11, cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo giới, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ của giáo viên kháng chiến”. Lật lại trang sử hào hùng của dân tộc, thời nào cũng có các thầy giáo nêu gương sáng về đức độ, tài năng, khí tiết, trọng chính nghĩa, ghét gian tà, không khoan nhượng với kẻ thù. Người dân Nam Bộ bao đời nay vẫn tôn thờ thầy Đồ Chiểu bị mù loà nhất định chọn nghề dạy học, bất hợp tác với thực dân Pháp. Lịch sử ghi danh những người có công làm rạng rỡ non sông đất nước, tự hào thay là thầy giáo Nguyễn Tất Thành, sau là Chủ tịch Hồ Chí Minh người thầy vĩ đại của cả dân tộc; đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng có công đào tạo lớp học trò trở thành những người cách mạng ưu tú; là những người thầy giáo cách mạng quyết tử cho tổ quốc quyết sinh như Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến… Vào thời điểm tháng 11 năm 1946, một tháng trước khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhà trí thức cách mạng uyên bác, GS.TS Nguyễn Văn Huyên đã trở thành vị Bộ trưởng đầu tiên của dân tộc, suốt 29 năm hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, vì nhân dân. Còn bao nhiêu tên tuổi người thầy đáng được tôn vinh như thế ở mọi miền khác nhau của tổ quốc như nguyên Phó Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Bình, Luật sư – nguyên Bộ trưởng Vũ Đình Hoè, GS.TSKH Châu Diệu ái, Nhà giáo Nhân dân- GS. TS Nguyễn Cảnh Toàn; GS- Nhà giáo Nhân dân- Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu; GS.VS Phạm Minh Hạc, GS Hoàng Xuân Hãn; GS Tạ Quang Bửu; GS Trần Văn Hanh; Nhà giáo nhân dân-GS.TS Hoàng Xuân Sính v.v… Họ là những tấm gương sáng không bao giờ phai nhạt.
Thuý Hồng
Theo Giáo dục & Thời đại
Bình luận (0)