Theo quy định, ngày 20/8 là thời điểm cuối cùng TS thực hiện nộp hồ sơ xét tuyển NV1 vào các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc. Với mức điểm biến động khó lường, tình hình nộp rút hồ sơ diễn ra liên tục khiến nhiều thí sinh và phụ huynh bơ phờ bám trụ trong ngày cuối với hi vọng sẽ được bước chân vào giảng đường đại học!
Tất bật theo điểm số
Theo ghi nhận của PV, từ 5 giờ sáng 20/8, tại khuôn viên ĐH Đà Nẵng đã có rất đông thí sinh, phụ huynh đến ngồi đợi đến giờ nộp và rút hồ sơ. Những gương mặt bơ phờ, căng thẳng do mệt mỏi sau chặng đường dài khi phải thức giấc sớm cùng với nỗi niềm âu lo. 7 giờ sáng, khi cán bộ làm công tác thu nhận hồ sơ đến bàn làm việc, khu hội trường nơi làm điểm cho TS rút hồ sơ mỗi lúc một đông. Hàng trăm thí sinh và phụ huynh liên tục có mặt, chờ đến lượt gọi tên để thực hiện thao tác rút. Em Nguyễn Ngọc Ánh, quê Quảng Nam cho biết: “Để rút được hồ sơ, em phải dậy từ 3 giờ sáng, chạy xe máy ra để kịp giờ rút và chọn ngành khác phù hợp hơn với số điểm 21.0 điểm của mình. Em nộp hồ sơ từ hôm 15/8 nhưng nay thấy điểm trúng tuyển tạm thời đã vượt quá ngưỡng an toàn và em đọc báo thấy dự đoán điểm chuẩn có thể tăng nữa nên em phải tìm một ngành khác để học. Ưu tiên hàng đầu của em bây giờ là làm sao để đỗ đại học, ngành nào cũng được”.
Sát giờ “G”, khuôn viên ĐHĐN luôn chật kín TS và phụ huynh trong tâm trạng âu lo chờ đến giờ rút và nộp hồ sơ.
Còn em Đặng Thành Nhân, quê Quảng Bình thì cho biết: “Em thi khối A được 20,5 điểm. Em nộp vào ngành Kinh tế của ĐHKT nhưng nay thấy số điểm đã lên 20,75 nên em phải rút ra đăng kí nguyện vọng vào ngành khác thấp hơn”. Đa số thí sinh đến nộp hồ sơ đều cho rằng, có thể tỷ lệ trúng tuyển tạm thời và tỷ lệ điểm trúng tuyển thật sẽ có rất nhiều hồ sơ ảo do một nguyện vọng có thể đăng kí đến 4 ngành, trong khi mức điểm thống kê đưa ra chưa nêu bật được các nguyện vọng xét tuyển ưu tiên từng ngành nên khó có thể loại ra được đâu là mức điểm thật so với điểm của mình đạt được. Thế nhưng không thí sinh và phụ huynh nào dám “đánh cược” điểm số của mình để nộp hồ sơ vào một ngành đã có thông báo về mức điểm tạm thời cao hơn số điểm đạt được.
Thống kê cho thấy, trong ngày 19/8, có hơn 1500 TS rút hồ sơ và có khoảng 500 TS nộp hồ sơ vào ĐHĐN. Đưa tổng số TS nộp hồ sơ vào là hơn 20 ngàn hồ sơ, có khoảng 5000 hồ sơ được rút ra. Trong số TS rút hồ sơ ra, có nhiều em thấy điểm số mình thấp hơn ngưỡng an toàn nên tìm một trường khác hù hợp. Số còn lại rút ra để tiếp tục nộp vào một ngành có điểm số thấp hơn ngay tại ĐHĐN. Trong khi đó, số TS đến nộp hồ sơ lần đầu vào sát giờ G là những TS có điểm số rất cao, cao hơn điểm số công bố chuẩn tạm thời.
Bơ phờ theo con
Đó là trường hợp của hai cha con ông Mai Ngọc Anh Tuấn, trú phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Ông Tuấn cho biết: “Trước đây cháu nộp hồ sơ vào ĐH kinh tế Huế nhưng nay thấy mức điểm 21,5 tại ĐHKT Đà Nẵng cũng có thể đỗ nên hôm qua hai cha con chở nhau ra Huế rút hồ sơ. Sáng nay tui chở cháu xuống ĐHĐN từ 6 giờ sáng để chờ đến giờ nộp. Nhưng ở đây các cán bộ thu hồ sơ trả lời là do tên của cháu đăng lý ở ĐH Huế chưa được xóa nên hồ sơ không được thu nhận tại Đà Nẵng. Sáng chừ tui đã gọi điện ra Huế cả chục lần để nhờ xóa tên cháu trên hệ thống nhưng không ai bắt máy”. Ngồi cạnh ba, em Mai Ngọc Trung tỏ ra rất lo lắng: “Em với ba đợi đến cuối giờ xem họ có giải quyết cho em không chứ em lo lắm. Hồ sơ ở Huế thì đã rút về đây rồi, mà ở đây không thu nhận thì em không biết hỏi ai”.
Cùng tình cảnh theo con, một phụ huynh ở tận huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) tay ôm hai cái ba lô hành lý ngồi ở khuôn viên ĐHĐN cho biết: “Đợt những ngày đầu, tui theo cháu ra đây 3 ngày, thuê nhà trọ ăn ở, theo dõi tình hình để nộp hồ sơ cho cháu vào ĐHKT Đà Nẵng. Nhưng hôm 15/8, thấy thông báo mức điểm chuẩn vượt cao quá, tui lại phải theo cháu ra đây lần nữa. ba ngày nay, ngoài bữa cơm ra, hai cha con cứ bám lấy cái máy tính để cập nhật tình hình điểm chác. Với 21 điểm của cháu thì chừ tui thấy chỉ còn vào ba ngành không ưng ý lắm ở trường ĐHKT có thể nộp vào. Lựa chọn mãi, sáng nay hai cha con quyết định nộp liều vào, đỗ được ngành nào hay ngành ấy”.
Lo lắng, mỏi mệt, do dự và có nhiều trường hợp buông xuôi là tình trạng phổ biến tại khuôn viên địa điểm thu nhận hồ sơ vào ngày 20/8. Có trường hợp, cả gia đình chia nhau theo dõi tình hình cập nhật điểm từng trường và chiếc điện thoại luôn tong tình trạng “nóng”. “Tình hình này, tiết kiệm, giảm áp lực đâu chưa thấy, chỉ thấy phụ huynh lẫn học sinh luôn căng như dây đàn trong suốt 20 ngày xét tuyển!”, bà Nguyễn Thị Mai- một phụ huynh đến từ Quảng Bình buông tiếng thở dài!
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)