Ít nhất 18 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ đẫm máu giữa cảnh sát và người biểu tình ở thủ đô Kiev của Ukraine trong ngày 18-2, trong đó có 7 cảnh sát.
Ngày 18-2 đã trở thành ngày đẫm máu nhất trong cuộc xung đột bắt đầu từ tháng 11-2013 tại Ukraine. Trong khi Đài BBC đưa tin 18 người đã thiệt mạng thì Reuters đưa ra con số 21 người, bao gồm 14 người biểu tình và 7 cảnh sát.
Cảnh sát cản đường người biểu tình tiến đến tòa nhà quốc hội ở Kiev ngày 18-2. Ảnh: Reuters
Một người biểu tình Ukraine bị thương. Ảnh: japantime.co.jp
Hàng trăm người khác bị thương, hầu hết do trúng đạn choáng của cảnh sát. Trước đó, người biểu tình quá khích đã ném đá và bom xăng vào cảnh sát, đốt cháy nhiều ô tô, cướp phá các cửa hiệu, tấn công trụ sở đảng cầm quyền tại Kiev, phong tỏa tòa nhà Quốc hội và ra tối hậu thư cho các nghị sĩ.
Tối hậu thư yêu cầu Tổng thống Viktor Yanukovich phải bầu cử tổng thống và quốc hội trước thời hạn, đồng thời bỏ phiếu quay lại Hiến pháp 2004 quy định áp dụng chế độ tổng thống – nghị viện để hạn chế quyền lực của người đứng đầu nhà nước.
Tối cùng ngày, người biểu tình tái chiếm tòa thị chính thủ đô Kiev dù họ chỉ mới rời khỏi đây hôm 16-2 sau một thỏa thuận ân xá với chính quyền.
Thậm chí, người biểu tình lần đầu tiên chiếm đóng một trụ sở của quân đội – Câu lạc bộ sĩ quan. Bộ Quốc phòng Ukraine gọi đây là hành động bất hợp pháp và cần phải chấm dứt ngay nhưng vẫn khẳng định sẽ không can dự vào cuộc xung đột chính trị hiện nay.
Tình hình tại một số thành phố lớn của Ukraine cũng rất hỗn loạn. Khoảng 500 người biểu tình ở thành phố miền Tây Lviv đã chiếm trụ sở hành chính khu vực và sở chỉ huy cảnh sát ngày 18-2.
Tình hình tại một số thành phố lớn của Ukraine cũng rất hỗn loạn. Khoảng 500 người biểu tình ở thành phố miền Tây Lviv đã chiếm trụ sở hành chính khu vực và sở chỉ huy cảnh sát ngày 18-2.
Cảnh sát tiến vào Quảng trường Độc Lập… Ảnh: AP
…trong khi người biểu tình đốt lửa khắp quảng trường để cản đường. Ảnh: AP
Rạng sáng 19-2, cảnh sát chống bạo động xông vào Quảng trường Độc lập ở Kiev với danh nghĩa “chiến dịch chống khủng bố” trong khi các thủ lĩnh đối lập kêu gọi người biểu tình quyết không rời cứ điểm này. Kiev gần như bị tê liệt, có báo cáo rằng xe hơi bị cấm tiến vào thủ đô.
Thủ lĩnh đảng Udar đối lập Vitali Klitschko kêu gọi lãnh đạo các quốc gia dân chủ can thiệp và tố cáo “chính quyền đã cố tình khiêu khích” để giải tán người biểu tình. Ngược lại, Ngoại trưởng Ukraine Leonid Kozhara kêu gọi các nước và tổ chức quốc tế lên án mạnh mẽ những hành động vi phạm pháp luật của các lực lượng cực đoan trong nước.
Tình hình nóng bỏng khiến Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden phải gọi điện cho ông Yanukovych, hối thúc rút lại lực lượng an ninh và kiềm chế tối đa. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết Mỹ lên án tình trạng bạo lực đường phố và việc sử dụng vũ lực quá mức của cả hai bên ở Ukraine, đồng thời kêu gọi Tổng thống Yanukovych nối lại đàm phán với lãnh đạo đối lập.
Quảng trường Độc Lập hỗn loạn. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Alexei Pushkov cho rằng Ukraine đang bên bờ cuộc nội chiến do phương Tây châm ngòi. Còn Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi phe đối lập Ukraine từ bỏ tối hậu thư để đối thoại thực chất với chính quyền Kiev.
Về phía châu Âu, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) có thể trừng phạt các đối tượng Ukraine do tình trạng bạo lực ở Kiev.
Hải Ngọc – NLĐ (Theo BBC, Reuters)
Bình luận (0)