TS làm thủ tục chuẩn bị thi tại HĐT THPT Trần Đại Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: N.Anh
|
Chiều 2-6, gần 1 triệu thí sinh (TS) trên cả nước rời các hội đồng thi (HĐT) sau khi hoàn thành môn thi thứ 2 là môn hóa với tâm trạng thoải mái, phấn khởi vì đề thi năm nay không khó. Đồng thời theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, ngày đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 diễn ra an toàn, nghiêm túc…
Hà Nội: Vẫn còn “phao” thi
Tại HĐT THCS Ái Mộ (Long Biên), bà Trần Thị Hương Hải, Chủ tịch HĐT cho biết, có 576 TS dự thi, đến từ các trường: THPT Nguyễn Gia Thiều, Lý Thường Kiệt, Vạn Xuân, Lê Văn Thiêm, TTGDTX Việt Hưng. Toàn hội đồng có 24 phòng thi với 60 giám thị. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều TS quên thẻ dự thi, chứng minh thư. Như trường hợp của em Nguyễn Tiến Đạt, ở Trường THPT Vạn Xuân. Mẹ của Đạt cho biết, sáng 2-6, chị đưa con đến trường thi. Do quá vội vã bước vào trường nên TS này đã quên lấy các giấy tờ cần thiết để ở trong cốp xe. Rất may sau đó chị đã nhớ ra nên mang vào nhờ HĐT thông báo trên loa, kịp thời bổ sung cho Đạt. Nhiều em khác cũng gần đến giờ gọi vào phòng thi vẫn nháo nhác đứng ngoài sân trường chờ bố mẹ mang giấy tờ đến bổ sung. Tại HĐT THPT Xuân Đỉnh, nhiều TS vẫn quên phiếu dự thi hoặc chứng minh thư phải gọi điện cho người nhà mang đến. Theo đó, một số em đang tập trung nghe lãnh đạo HĐT phổ biến quy chế phải bỏ ra ngoài gặp phụ huynh lấy đủ giấy tờ thi.
Mặc dù các HĐT đã tập huấn, nhắc nhở TS rất kỹ về quy chế thi tốt nghiệp nhưng trong các môn xã hội vẫn nhiều TS Hà Nội mang “phao” đến trường thi. Tại điểm thi Trường THPT Minh Khai, trong buổi tập trung thi môn văn nhiều TS vẫn ngang nhiên cầm “phao” thi và điện thoại trước cổng trường. Một TS cho hay: “Em mang đi cho yên tâm, đến khi vào phòng thi xem tình hình nếu giám thị dễ tính sẽ bỏ ra sử dụng, nếu khó tính thì em đành giấu kín”. Còn tại HĐT THPT Vân Tảo, dù sân và cổng trường sạch tinh không có rác nhưng sau khi TS bước chân ra khỏi cổng trường, đi đến đâu xả “phao” đến đấy. Nhiều TS còn tỏ ra khó chịu vì quên không mang “phao”. Trước đó, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nhấn mạnh: “Nếu TS nào mang điện thoại và “phao” vào phòng thi dù chưa sử dụng cũng sẽ bị đình chỉ thi”!
Nhìn chung tình hình kỳ thi diễn ra bình thường, an toàn, đúng quy chế, không có sự cố nào xảy ra, không có TS nào bị lập biên bản.
TP.HCM: Đề dễ, TS làm bài được
GV Trường THPT Đông Dương (TP.HCM) giải đề thi môn hóa cho TS sau khi thi. Ảnh: D.Bình
|
Tại TP.HCM, hơn 66.000 TS cũng đã chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Do là ngày thi đầu tiên nên nhiều TS đã không tránh khỏi tâm trạng lo lắng khi bước vào HĐT. Nhiều TS còn tranh thủ “gạo” bài, đọc thêm những phần mình chưa nắm vững trước khi bước vào phòng thi. Có mặt tại HĐT Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa sáng 2-6, lãnh đạo UBND, Sở GD-ĐT TP.HCM đã động viên tinh thần các TS trong HĐT. Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, huy động nhiều nguồn lực để đảm bảo kỳ thi được diễn ra an toàn, nghiêm túc. “Bài thi đều nằm trong phần kiến thức đã ôn tập nên các em không cần quá lo lắng mà hãy thật bình tĩnh, sáng suốt để lựa chọn đáp án, cách giải quyết phù hợp với bài làm của mình. Tôi tin rằng tất cả các TS ở 109 HĐT cũng sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt kỳ thi này”, ông Thuận nói. Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn cũng nhấn mạnh: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ là một kỳ kiểm tra kiến thức thông thường nên sẽ không quá khó khăn đối với nhiều TS. Năm nay, Bộ GD-ĐT có ban hành một vài quy định mới có lợi cho cả công tác coi thi lẫn chấm thi. Riêng khâu chấm chéo bài thi đã được ngành GD-ĐT TP.HCM thực hiện trong nhiều năm qua nên sẽ không có trường hợp giám khảo chấm bài thi của TS trường mình…”.
Theo ông Võ Văn Dũng, Chủ tịch HĐT Trường THPT Bùi Thị Xuân, các thủ tục chuyển giao đề năm nay được sở chuẩn bị chu đáo và bảo mật. Ngay từ 5 giờ sáng đã có xe chở đề thi đúng theo lịch trình. Các đề thi được cất giữ cẩn thận và còn nguyên niêm phong, không có sự cố trục trặc xảy ra. Trong môn thi buổi sáng không có trường hợp đi trễ hoặc vi phạm. Tuy nhiên tại một phòng thi ở hội đồng này theo lời kể của TS Nguyễn Thị Kim Hồng, học viên TTGDTX Gia Định, khi còn một nửa thời gian bài thi môn văn của em phải viết lại vì giám thị ký nhầm chỗ vào tờ giấy thi.
Kết thúc ngày thi đầu tiên, hầu hết TS đều tỏ ra phấn khởi bởi đề thi khá dễ và nằm gọn trong phần trọng tâm ôn tập. Ở môn văn, câu 3.b (theo chương trình nâng cao) “Phân tích hình tượng sông Đà trong tác phẩm Người lái đò sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân (phần trích trong Ngữ văn 12 Nâng cao, tập 1, NXB Giáo dục – 2009) là một câu khó, ít gặp trong các đề thi cũng được nhiều TS lựa chọn thay vì chọn theo chương trình chuẩn. Em Đinh Hoàng Tú, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết: “Đề thi môn văn tương đối dễ nên chắc chắn nhiều bạn sẽ đạt điểm 8, 9. Câu 3.b mặc dù nằm ở chương trình nâng cao nhưng theo quan sát của em trong phòng thi thì đa số các bạn đều chọn câu này để làm vì đã ôn tập rất kỹ”. Còn ở phần văn nghị luận xã hội, em Nguyễn Ngọc Ánh Tuyết, Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm, chia sẻ: “Khi ôn tập về cách làm bài văn nghị luận xã hội, giáo viên thường đưa ra một câu danh ngôn hoặc một hiện tượng xã hội nào đó đang làm “nóng” dư luận để chúng em trình bày suy nghĩ của mình. Còn ở đề thi này đưa ra một hiện tượng xã hội rất bình thường nhưng lại đề cập vấn đề rất thiết thực và gần gũi với cuộc sống con người, đồng thời được ôn tập kỹ về phương pháp làm dạng đề này nên hầu hết các bạn đều làm khá tốt”.
Riêng với môn hóa, nhiều TS và giáo viên cho rằng đề thi vừa sức với HS, hầu hết các kiến thức đều nằm trọn trong chương trình phổ thông, đặc biệt là lớp 12. Vì vậy, chuyện HS khá, giỏi kiếm được điểm 9, 10 là không khó. Em Nguyễn Tấn Thi, TS Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng phấn khởi: “Điểm tổng kết trung bình năm lớp 12 môn hóa của em đạt 7,1 điểm nhưng với đề thi này không có câu nào em không làm được, em nghĩ xác suất đúng cũng gần 80-90%”.
Còn đối với HS các TTGDTX, các em cũng vui mừng vì đề thi tương đối dễ. Trần Thanh Thảo, HS TTGDTX quận 3, cho hay: “Đề thi này em làm được trên 70% bởi các kiến thức không quá khó, không có câu nào thách đố đối với HS có học lực trung bình khá”. Đồng tình với nhận định này, cô Trần Như Trúc, giáo viên môn hóa, Trường THPT Đông Dương, chia sẻ: “Đề thi của TTGDTX tương đối dễ, tất cả đều nằm trong chương trình phổ thông nên năm nay chắc chắn sẽ có rất nhiều điểm 9, điểm 10 như những năm trước”.
Đà Nẵng: Nhiều TS vắng không lí do
Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận thăm hỏi và động viên các em HS trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 tại Hội đồng thi THPT Trần Đại Nghĩa sáng 2-6. Ảnh: N.Anh |
Ngày 2-6, thời tiết tại Đà Nẵng nắng nhẹ, chỉ khoảng 300C, 12.809 TS THPT và bổ túc THPT trên toàn địa bàn Đà Nẵng tập trung tại 26 HĐT (537 phòng thi) đã hoàn thành ngày thi đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 trong tâm trạng khá thoải mái.
Theo báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT Đà Nẵng, giờ thi môn văn sáng 2-6 ở cả hai hệ GDPT và GDTX có 32 trường hợp không dự thi, trong đó có 6 trường hợp thuộc hệ GDPT bị ốm, số còn lại không có lí do. Năm nay Đà Nẵng có 26 TS được miễn thi, trong đó có 8 trường hợp thuộc hệ GDPT đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia trong các kỳ thi năm 2012 và 16 trường hợp thuộc hệ GDTX là TS khiếm thị và TS đang dự thi tại giải thể thao do Tổng cục Thể thao tổ chức. Tình hình trong và ngoài các HĐT tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng lộn xộn phía ngoài trường thi. Tuy nhiên tại một số HĐT vẫn xảy ra tình trạng chờ trước cổng trường phát tờ rơi khi TS ra khỏi phòng thi.
Đề thi dễ – đó là nhận xét của đa số TS khi được hỏi vào buổi thi môn văn. Em Thanh An, TS thi tại HĐT Hoàng Hoa Thám (Q.Ngũ Hành Sơn) nói: “So với các năm trước, đề thi năm nay tương đối dễ và vừa với thời gian làm bài”. Còn em Quang Nam, TS hệ GDTX tại HĐT Trần Phú (Q.Hải Châu) cho biết: “Em thấy đề thi năm nay dễ. Câu 1 phần văn học nước ngoài 2 điểm hơi bất ngờ nhưng các câu khác thầy cô giáo đã cho ôn tập kĩ nên cũng vớt vát được điểm cho câu này”.
Tại buổi thi môn hóa vào chiều 2-6, an ninh, trật tự tại các HĐT vẫn diễn ra an toàn và nghiêm túc. Theo nhận xét của TS, đề thi năm nay khá dài (40 câu) nhưng vừa tầm với sức học, không đánh đố TS. Em Như Quỳnh, TS tại HĐT Trần Phú nói: “Nhìn chung đề thi năm nay khá dễ. Hầu hết đều nằm trong chương trình học cấp 3 nên tụi em không quá bất ngờ. Với lực học trung bình, các bạn có thể làm được từ 6 đến 7 điểm một cách dễ dàng”.
Cần Thơ: 2 TS bị tai nạn giao thông
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, Cần Thơ có 7.411 TS phổ thông và 1.772 TS GDTX đăng ký dự thi. Ngày thi đầu tiên diễn ra an toàn, đúng qui chế. Thời tiết rất thuận lợi cho TS.
Theo số liệu của Ban điều hành kỳ thi, trong ngày thi đầu tiên, hệ phổ thông có 8 TS vắng, trong đó 4 trường hợp vắng không lý do; 2 trường hợp bị ốm, 2 TS (một ở huyện Vĩnh Thạnh, một ở quận Ninh Kiều) bị tai nạn giao thông. Trong đó TS bị tai nạn giao thông ở quận Ninh Kiều là học sinh Trường THPT Châu Văn Liêm, dự thi tại HĐT THPT Phan Ngọc Hiển, có thể được xét đặc cách đậu vì em đạt học lực giỏi. Đối với hệ GDTX có 34 TS vắng không lý do.
Theo nhận xét của đa số thầy cô, đề thi năm nay nằm trong chương trình lớp 12, môn hóa có nhiều câu hỏi dành cho TS có học lực trung bình. Riêng môn văn, nhiều giáo viên bộ môn cho rằng đề thi mang tính nhân văn cao. Các câu hỏi đều nằm trong phần trọng tâm của bài học. Qua tìm hiểu, dù nhiều TS cho rằng đề làm được, nhưng không ít em thành thật: Ở phần I, câu 1 hơi khó; câu 2 thì hiểu được yêu cầu đề nhưng rất khó để phân tích, làm sáng tỏ vấn đề đặt ra.
Nhóm P.V
Môn ngữ văn
Cô Lâm Thị Nhanh (Tổ phó Tổ văn, Trường THPT Châu Văn Liêm, TP.Cần Thơ):
Bám vào từng yêu cầu của đề là đạt điểm cao
Đề bài vừa sức TS. Trong đó câu 1, phần I có chỉ ra những yêu cầu cụ thể; TS chỉ cần bám vào từng yêu cầu để làm bài là đạt điểm cao. Đặc biệt cấu trúc đề góp phần giúp người dạy và người học không được chủ quan: Người dạy cần chú ý những chi tiết có ý nghĩa trong các tác phẩm trong chương trình giảng dạy, không được xem nhẹ mảng văn học nào. Vì kỳ thi năm rồi không có văn học nước ngoài nên năm nay một số giáo viên đã chủ quan coi nhẹ phần này. Câu 3.a và 3.b phần II đều nằm trong chương trình học kỳ I. Riêng câu 2, phần I, một bộ phận TS dễ đi sâu vào phần phê phán “thói dối trá…” mà quên đi phần khẳng định giá trị của đức tính chân thật.
Cô Đinh Thị Mỹ Hạnh (Tổ trưởng Tổ văn, Trường THPT Trần Khai Nguyên, TP.HCM):
Đề hay và có nhiều nét mới
Đề thi môn văn năm nay không khó, đảm bảo kiến thức cơ bản nhưng mang tính vận dụng, yêu cầu TS không chỉ học mà còn phải hiểu mới đạt được điểm cao. Hầu hết các câu hỏi trong đề đều nằm trong trọng tâm ôn tập của các trường nên sẽ có nhiều em làm tốt đề thi này. Hình ảnh “hai hạt cát” trong câu 1 mang nỗi ám ảnh về số phận con người. Câu hỏi này có ba ý rõ ràng vừa yêu cầu TS nắm được tác phẩm vừa đòi hỏi phải hiểu được ý nghĩa xã hội, nhân đạo mà tác giả muốn gửi gắm. Phần câu hỏi nghị luận (câu 2 phần chung) “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội” tuy không mới nhưng rất thiết thực. Thật ra, dạng đề như thế này đã được rất nhiều giáo viên lưu ý và cho ôn tập kỹ nên nhiều TS sẽ rất thích thú khi làm câu này. Riêng ở phần đề riêng, tuy không thể nói trúng “tủ” hoàn toàn nhưng các câu hỏi đều rơi vào những tác phẩm hay và là trọng tâm ôn tập. Câu hỏi cũng không ra theo kiểu đánh đố mà vào ngay vấn đề cần hỏi nên TS có thể thả sức thể hiện, trình bày suy nghĩ và quan điểm của mình. Với đề thi năm nay, những TS có học lực trung bình nhưng ôn tập tốt có thể dành được từ 6 điểm trở lên.
Cô Phạm Thị Hồng Phi (GV Trung tâm GDTX quận 1, TP.HCM):
Biết vận dụng kiến thức thực tế mới làm đạt yêu cầu
Đề thi hệ GDTX năm nay rất quen thuộc và không quá khó, nhất là hai câu 1 và 2. Đây là những tác phẩm các em đã được học rất kỹ trong chương trình nên TS trung bình có thể làm bài tốt. Riêng câu 3 phân tích đoạn thơ trong bài Sóng của Xuân Quỳnh, tuy là lần đầu tiên được hỏi trong chương trình GDTX nhưng đây là đoạn thơ quen thuộc các em đã được phân tích trong chương trình học kỳ 1. Câu hỏi về văn nghị luận xã hội trình bày suy nghĩ về lòng tự trọng thì các em đã từng làm ở chương trình lớp 11 và biết vận dụng kiến thức thực tế thì bài làm đạt yêu cầu.
Môn hóa học
Thầy Nguyễn Đình Độ (Phó hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân):
Nắm vững kiến thức mới đạt điểm tuyệt đối
Kiến thức trong đề thi đều nằm gọn trong chương trình SGK lớp 12, trong đó các câu lý thuyết chiếm số lượng tương đối nhiều. Các bài tập tính toán đều đơn giản ở mức chỉ cần một phép tính là TS có thể tìm ra kết quả. Tuy nhiên, một số câu trong đề có mức độ khó tương đương với đề thi ĐH-CĐ, có thể coi đây là nét mới mà ở các kỳ thi trước không có.
Nhiều TS có thể đạt điểm cao nhưng để đạt được điểm 10 thì TS phải nắm vững lý thuyết. Điểm hạn chế của đề thi năm nay là không có những câu liên quan giữa hóa học với kinh tế xã hội môi trường, làm mất đi tính thực tế vốn có của đề thi những năm gần đây.
ThS. Lê Anh Lực (GV môn hóa Trường THPT Võ Trường Toản, TP.HCM):
TS khá giỏi làm khoảng 25 phút là xong
Đề thi môn hóa tương đối dễ nên TS trung bình kiếm được 6-7 điểm là không khó. TS khá giỏi làm khoảng 25 phút có thể xong đề. Theo quan sát của tôi khi coi thi tại Hội đồng thi Trường THPT Gia Định, có rất nhiều TS đã hoàn thành bài thi chỉ trong… 30 phút.
N.Anh – Đ.Phượng – N.Quang (ghi)
14 thí sinh bị đình chỉ thi trong ngày đầu tiên
Theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, kết thúc ngày thi đầu tiên, cả nước có 64 đơn vị tổ chức thi (gồm 63 sở GD-ĐT và Cục Nhà trường – Bộ Quốc phòng), thành lập 2.307 HĐT với tổng số 40.620 phòng thi, huy động 124.153 cán bộ, giáo viên tham gia coi thi. Tổng số TS đăng ký dự thi cả nước là 963.474 (trong đó, có 856.097 thí sinh giáo dục THPT và 107.377 thí sinh GDTX); số thí sinh đến dự thi là 960.890, đạt tỷ lệ 99,24%; trong đó, có 855.019 thí sinh giáo dục THPT (đạt tỷ lệ 99,87%) và 105.871 thí sinh GDTX (đạt tỷ lệ 98,60%).
Cũng theo báo cáo, cả nước chỉ có 2.584 TS không đến dự thi (tỷ lệ 0,76%); có 3 TS không được dự thi do đến chậm quá 15 phút sau thời điểm tính giờ làm bài.
Đánh giá chung của bộ cho thấy, kỷ cương trường thi và kỷ luật phòng thi tiếp tục được duy trì. Các trường hợp vi phạm quy chế thi của TS và cán bộ coi thi đã được phát hiện và xử lý nghiêm túc, kịp thời. Cả nước chỉ có 8 giám thị bị đình chỉ làm công tác thi, 4 TS giáo dục THPT và 10 TS GDTX bị đình chỉ thi.
Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2012 được bảo mật an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu từ soạn thảo, in sao đến vận chuyển tới các HĐT, các phòng thi và TS.
Theo đánh giá chung ban đầu, đề thi của các môn ngữ văn và hóa học có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, vừa sức với học sinh, đảm bảo kiểm tra được kiến thức cơ bản và có khả năng phân hóa trình độ của thí sinh. Đề thi ngữ văn tiếp tục được ra theo hướng mở; đặc biệt, câu nghị luận xã hội được coi là thiết thực.
Trong cả hai buổi thi, không có hiện tượng tung tin thất thiệt và không có ý kiến thắc mắc gì về đề thi.
Ng.Huê
|
Bên lề
Thí sinh (TS) vất vả vì… trời mưa:Buổi thiđầu tiên (2-6), ở nhiều địa phương có mưa to đã gây khó khăn cho TS trong việc di chuyển. Tại Ninh Bình, từ sáng sớm, trên địa bàn TP.Ninh Bình trời mưa rất to khiến phụ huynh và TS phải “đội mưa” đến các địa điểm dự thi đúng giờ. Trong khi đó, tại Nghệ An, do ảnh hưởng của đợt mưa lũ tiểu mãn nên nhiều nơi trên địa bàn tỉnh có mưa khiến cho các TS ở khu vực miền núi di chuyển tương đối vất vả (các TS ở miền núi, vùng sâu, vùng xa ở Nghệ An phải qua sông Lam bằng đò…).
Bỏ thi do TNGT: Sáng 2-6, tại Cần Thơ có 2 TS bị TNGT khá nặng khi đang trên đường đi đến Hội đồng thi Trường THPT Vĩnh Thạnh và Trường THPT Phan Ngọc Hiển. Ngay sau đó, 2 TS này đã được người dân đưa đến bệnh viện trên địa bàn để cấp cứu. Tại Hà Nội cũng có 3 TS bị TNGT phải bỏ thi. Tại Đắk Nông, ở buổi thi sáng cũng có 1 TS bị TNGT…
7 giám thị… mất tích trước giờ thi: Tại Nghệ An đã xảy ra sự cố hy hữu… thiếu giám thị ở Hội đồng thi Trường THPT Tương Dương (huyện Tương Dương) trước giờ thi. Sự việc được phát hiện khi Chủ tịch hội đồng coi thi thấy thiếu 7 giám thị so với yêu cầu ở thời điểm họp cán bộ coi thi. Ngay sau đó, số lượng giám thị thiếu đã được bổ sung kịp thời. Được biết, việc thiếu giám thị là do lỗi kỹ thuật trong lúc làm thủ tục điều động.
Cũng tại hội đồng thi này, trong buổi thi môn đầu tiên, Đoàn thanh tra đã phát hiện 4 TS (4 phòng thi khác nhau) mang tài liệu vào phòng thi nên đã lập biên bản và đình chỉ thi 4 TS này.
U.60 đi thi: Tại Hội đồng thi Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Nam Trà My (Quảng Nam) có 14 TS trong độ tuổi từ 40-50 tuổi. Trong đó, TS nhiều tuổi nhất là ông Hồ Ngọc Viện, người Ca Dong (52 tuổi) (thuộc Trung tâm GDTX – HN Nam Trà My). Ông Viện là cán bộ xã Trà Mai.
P.V (tổng hợp)
|
Bình luận (0)