Để con có một khởi đầu tốt đẹp, phụ huynh không nên tạo áp lực cho trẻ. Ảnh: Q.Huy
|
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến mùa tựu trường. Học sinh, nhất là các em lớp 1 tỏ ra rất phấn khởi khi sắp được đến trường. Vậy, cha mẹ phải chuẩn bị gì để con không bỡ ngỡ trước môi trường mới?
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1.
PV: Thưa cô, các phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 tỏ ra rất lo lắng. Nhiều người vì sợ con mình không theo kịp bạn bè nên đã cho trẻ đi học chữ trước. Cô nghĩ sao về vấn đề này?
– Thạc sĩ Lê Thị Ngọc Điệp: Chương trình lớp 1 rất dễ, hoàn toàn phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của trẻ. Vì vậy, cha mẹ không nên lo lắng con mình sẽ thua kém bạn bè mà bắt trẻ phải đi học chữ trước. Thực tế trẻ không thích đi học trước. Vả lại, đi học chữ trước sẽ tạo cho trẻ tâm lý chán học khi vào lớp. Bởi vì cái gì trẻ cũng biết rồi. Giáo viên viết chữ lên bảng, cô chưa kịp đọc thì trẻ đã đọc trước rồi. Trẻ học trước rất dễ viết sai, vì không phải cô giáo dạy thêm nào cũng là giáo viên chuyên dạy lớp 1. Không chỉ có vậy, giáo viên dạy 1 lớp mà trong đó vừa có những em chưa biết gì và những em đã học trước rất mệt. Nếu cô dạy theo trình độ của những em đã học trước thì các em chưa học không theo kịp. Ngược lại, cô dạy theo trình độ của những em chưa biết chữ thì không tạo được hứng thú học tập cho những em đã học chữ trước…
Nói chung, trước khi con vào lớp 1, ở nhà phụ huynh chỉ cần cho trẻ làm quen với việc cầm viết, ngồi đúng tư thế. Đặc biệt, tập cho trẻ thói quen ngồi vào bàn từ 30-35 phút. Trong khoảng thời gian này cho trẻ tô màu, vẽ tranh… Sở dĩ phải tập như vậy là bởi ở mầm non trẻ chưa có thói quen ngồi vào bàn học nên khi vào lớp 1 trẻ rất bỡ ngỡ, thậm chí có trẻ còn không chịu ngồi yên.
Về tâm lý của trẻ, phụ huynh cần chuẩn bị gì thưa cô?
– Thực tế cho thấy, trẻ rất hào hứng khi đi học lớp 1. Thế nhưng không ít cha mẹ lại tạo áp lực cho con, dặn dò con đủ thứ… Cá biệt, có phụ huynh còn dọa: “Đi học, con mà viết chữ xấu là cô giáo lấy thước khẽ vào tay”, hoặc “Con mà không ăn, không ngủ là cô phạt”. Những lời hăm dọa của cha mẹ đã vô tình tạo cho trẻ cảm giác sợ đi học. Theo tôi, để trẻ có một tâm lý thoải mái khi đến trường, cha mẹ hãy thường xuyên nói chuyện với con về trường học và cô giáo. Chẳng hạn nói với con rằng: “Cô giáo thương con như mẹ thương con, thức ăn ở trường ngon như thức ăn mẹ nấu ở nhà”. Và điều quan trọng là phụ huynh không nên nói quá mà phải nói đúng thực tế ở trường. Muốn làm được như vậy thì phụ huynh phải tìm hiểu về trường, về giờ giấc học tập và sinh hoạt của trường…
Đối với học sinh lớp 5 lên lớp 6, phụ huynh có cần chuẩn bị tâm lý gì cho con không thưa cô?
– Cũng như học sinh lớp 1, học sinh từ lớp 5 lên lớp 6 rất háo hức. Bởi các em được học ở ngôi trường to hơn, đông học sinh hơn, có nhiều điều mới lạ hơn. Tuy nhiên, sự háo hức này có thể sẽ nhanh chóng biến mất và thay vào đó là sự hụt hẫng. Hụt hẫng vì các em không còn được cô giáo chăm sóc như ở tiểu học nữa. Các em phải học nhiều môn hơn, mỗi môn là một giáo viên. Còn giáo viên chủ nhiệm thì một tuần chỉ được gặp mấy tiết. Do vậy, mối quan hệ thân thiết giữa cô và trò như ở tiểu học cũng không còn. Đặc biệt, ở lứa tuổi này, tâm sinh lý của trẻ cũng bắt đầu thay đổi. Các em có cảm giác mình đã là người lớn, những thay đổi của cơ thể khiến các em lo lắng, bối rối mà không biết phải tâm sự với ai…
Chính vì vậy, cha mẹ phải thường xuyên gần gũi con. Ngay từ đầu năm học, phải cho con biết rằng con đã lớn và đã lên cấp 2 – ở bậc học này con phải tự học là chính, các môn học nhiều hơn, chuyên sâu hơn. Nếu được chuẩn bị tâm lý tốt, học sinh sẽ không có cảm giác hụt hẫng…
Xin cám ơn cô!
Kim Anh (thực hiện)
Khi trẻ đã vào lớp 1, phụ huynh lại lo lắng không biết phải dạy con học ở nhà như thế nào. Bởi vì dù cha mẹ có trình độ đại học nhưng chưa chắc đã dạy được lớp 1, vì cách phát âm, cách viết bây giờ đã khác trước. Vì vậy phụ huynh hãy hỏi cô giáo chủ nhiệm của con cách phát âm các chữ cái, cách đánh vần, chữ nào viết 1 ly, chữ nào viết 2 ly… Phụ huynh phải dạy như giáo viên để tránh tình trạng ở trường cô dạy thế này, về nhà cha mẹ lại dạy kiểu khác sẽ rất khó cho học sinh. |
Bình luận (0)