Sự kiện giáo dụcTin tức

Ngày đầu tiên thi tốt nghiệp THPT: Học sinh làm tốt bài thi

Tạp Chí Giáo Dục

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận động viên các thí sinh trước giờ thi (sáng 2-6 tại HĐT Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai). Ảnh: Lê Quang Huy
Ngày 2-6, hơn một triệu thí sinh (TS) dự thi tốt nghiệp THPT năm 2011 trên cả nước bước vào ngày thi đầu tiên: môn ngữ văn và môn vật lý. Tình hình chung TS làm được bài, không có gì khó.
Hà Nội: Vẫn còn sai sót đáng tiếc
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết trong ngày thi đầu tiên Hà Nội có 280 TS đã bỏ thi, nhiều TS đến muộn, có 2 trường hợp bị lập biên bản do mang tài liệu và sử dụng điện thoại trong phòng thi. Trong đó, buổi thi môn văn có 260 TS bỏ thi, chủ yếu là những TS tự do đăng ký dự thi ở trung tâm giáo dục thường xuyên. Buổi thi môn lý có thêm 20 TS nữa bỏ thi.
Riêng tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, thầy Nguyễn Đắc Hồi, Chủ tịch Hội đồng thi Trường Nguyễn Gia Thiều cho biết, có TS của 5 trường trên địa bàn quận Long Biên thi tại đây gồm: THPT Nguyễn Gia Thiều, THPT Lý Thường Kiệt, THPT Vạn Xuân, THPT Lê Văn Thiêm và TTGD TX Việt Hưng. Hội đồng thi có 23 phòng thi với 552 TS đăng ký dự thi. Nhưng buổi thi đầu tiên có 1 TS Trường THPT Vạn Xuân vắng mặt không lý do.
Buổi thi môn văn tại trường diễn ra không có sự cố gì bất thường. Tuy nhiên, có điều đáng tiếc đối với một TS tại phòng thi số 9. Khi chỉ còn 10 phút nữa là hết giờ, giám thị phát hiện một TS ở phòng thi này ghi số tờ giấy thi vào nhầm ô cho điểm của cán bộ chấm thi. Giám thị đã lên xin ý kiến của Chủ tịch hội đồng. Thầy Hồi yêu cầu TS phải chép bài sang tờ giấy thi khác vì như thế là phạm quy và yêu cầu giám thị phải thu bài thi cũ của TS này lại.
Thầy Hồi cũng khẳng định, dù đã được học trước quy chế, đã được tập dượt qua những lần thi thử như thật nhưng vẫn còn những trường hợp sai sót không đáng có. Không chỉ ghi nhầm như ở trên mà có những TS còn ghi số tờ giấy thi không đúng quy định, tuy nhiên, chưa đến mức bị coi là đánh dấu bài.
Hải Phòng: Để “lọt” cán bộ thiếu tiêu chuẩn vào in sao đề thi
Trong quá trình in sao đề thi, Sở GD-ĐT Hải Phòng đã để xảy ra sự cố đáng tiếc. Cụ thể là để “lọt” một nhân viên không đủ tiêu chuẩn vào tham gia công tác in sao đề thi. Mặc dù chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng một lần cho thấy sự “lỏng lẻo” của Hải Phòng trong việc bảo mật đề thi mang cấp quốc gia. Giải thích vấn đề này, Giám đốc sở Đỗ Thế Hùng cho biết danh sách 17 cán bộ phụ trách công tác in sao đề thi đã được chốt, tuy nhiên vào phút cuối do có một đồng chí có mẹ bị ốm nặng nên xin rút lui. Trước sự thiếu hụt này lãnh đạo sở đã thay thế một đồng chí là giáo viên của một trường THPT. Theo thẩm định của ngành thì đây là một cán bộ có đạo đức tốt và có nhiều kinh nghiệm trong công tác in sao đề thi. Tuy nhiên đến ngày 28-5 thì Phòng PA83 – Công an thành phố Hải Phòng gửi công văn thông báo về trường hợp cán bộ này không đủ điều kiện để tham gia công tác in sao đề thi. Trước thông tin đó Ban chỉ đạo thi đã làm việc với các bên liên quan để tìm hướng giải quyết. Do vào thời điểm đó công tác in sao đã xong, các túi đề thi đã được niêm phong nên để đảm bảo tính bảo mật các bên đã thống nhất tiếp tục cho cán bộ này ở vòng 1, đồng thời giám sát một cách chặt chẽ. Theo Thượng tá Vũ Việt Thắng, Phó phòng PA83 thì sự phối hợp giữa ngành giáo dục với đơn vị là chưa chặt chẽ. Đáng lẽ ra cần phải gửi danh sách các cán bộ tham gia in sao đề thi để công an thẩm định thì Sở GD-ĐT Hải Phòng lại không thực hiện với lý do danh sách này cần phải được bảo mật. Cũng theo ông Thắng thì kết quả điều tra cho thấy, nhân viên nhận trọng trách in sao đề được thay thế không phải là một cán bộ viên chức. Cũng không phải là giáo viên biên chế. Đây chỉ là một nhân viên tin học làm hợp đồng với trường được bốn năm và thường có nhiệm vụ quét bài, chấm bài thi bằng máy. Nhân viên này hiện đang học tại chức lớp tin học Trường ĐH Hải Phòng. Theo quy định thì nhân viên không đủ tiêu chuẩn để in sao đề thi. Trước tình hình này, trong buổi thanh tra thi tại Sở Hải Phòng sáng 2-6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định: “Qua báo cáo cho thấy sự phối hợp công an tỉnh và ngành giáo dục còn quá lỏng lẻo. Mặc dù sai sót này chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng ngay sau kì thi này hai bên cần phải ngồi lại với nhau đánh giá lại vấn đề để làm công tác bảo mật đề thi chặt chẽ và an toàn hơn”.
TP.HCM: HS GDTX làm bài được
Tại TP.HCM, gần 70 ngàn TS thuộc các trường THPT, TTGDTX đã hoàn thành xong ngày thi đầu tiên của mình.

Thí sinh kiểm tra niêm phong gói đề thi. Ảnh: Q.H
Có mặt tại Hội đồng thi (HĐT) Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai sáng 2-6, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã dặn dò các TS: “Tôi mong các em sẽ hết sức tự tin, thoải mái, giữ gìn sức khỏe để đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi này. Trong phòng thi, các em nên tuyệt đối chấp hành nghiêm túc nội quy phòng thi mà nhà trường, thầy cô và cán bộ coi thi đã dặn dò. TS nên cẩn thận khi quá trình làm bài, thận trọng trong việc lựa chọn phần cơ bản hoặc nâng cao. Đối với các môn thi trắc nghiệm, TS phải đọc đề kỹ, vận dụng các kiến thức đã được học để chọn đúng đáp án. Ngoài ra, khi sắp hết giờ làm bài mà chưa đánh hết các câu trắc nghiệm, TS không nên bỏ sót vì đáp án đúng thỉnh thoảng vẫn rơi vào những câu “đánh bừa”.
Trao đổi với nhiều TS ở các HĐT thì đa số các em đều ra về trong tâm trạng phấn khởi vì làm bài khá tốt. Với môn văn, các TS ở khối GDTX đã trải qua 150 phút môn thi đầu tiên trong không khí thoải mái, không quá căng thẳng. TS Phan Thành Được (Trung tâm GDTX quận 7) tự tin dự đoán: “Khả năng em sẽ đạt trên điểm trung bình. Trong đề thi có đến hai câu em vừa mới ôn lại ngày hôm qua nên làm khá tốt. Với mức độ đề ra như vậy, em nghĩ nhiều bạn khác cũng sẽ không thấp hơn điểm trung bình”. TS Lê Thị Khánh Ly (Trung tâm GDTX quận 1) cũng tự chấm cho mình mức khoảng 6 điểm. Khánh Ly cho rằng, đề thi ở mức này là phù hợp với thời gian làm bài, nhiều bạn ôn bài tốt đã hoàn thành bài làm trước thời gian quy định. Dù vậy, tình trạng TS học vẹt, học tủ; chỉ học thơ mà “né” các truyện ngắn nên đã nhận được kết quả không mong đợi vẫn diễn ra. Bên cạnh đó, tại một số HĐT của khối GDTX cũng còn tình trạng TS photo nhỏ tài liệu, mặc dù không sử dụng nhưng cuối giờ đã vứt ra ngay ở điểm thi. Tuy nhiên, những trường hợp nói trên xảy ra không nhiều, công tác tổ chức thi tại các HĐT khá nghiêm túc, đúng quy chế, không có trường hợp TS vi phạm trong khi làm bài.
Tại HĐT Trường THPT Bùi Thị Xuân, TS Nguyễn Ngọc Anh (HS Trường THPT Lương Thế Vinh, thi tại HĐT Trường THPT Bùi Thị Xuân) cho biết: “Mới phát đề thi thì phòng thi có chút lộn xộn vì câu 1 khá bất ngờ với một số bạn, nhưng đến khi tiếng trống đánh báo hiệu giờ TS bắt đầu làm bài thi, các bạn đều tập trung vào bài làm của mình một cách hết sức nghiêm túc. Đề thi tuy không khó nhưng ở câu 1 em mới chỉ đọc qua, chưa đọc kỹ nội dung của tác phẩm nên vẫn còn thiếu một vài ý”.
Kết thúc ngày thi thứ nhất, tại TP.HCM có 7 TS khối THPT vắng mặt không có lý do. Ở khối GDTX, số TS vắng trong buổi sáng là 355 và buổi chiều là 291 TS. Giải thích về lý do vắng mặt của TS các TTGDTX, ông Sơn cho rằng, ngoài một số TS vắng mặt không lý do, phần lớn các TS vắng mặt đều là những TS bảo lưu từ những kỳ thi tốt nghiệp trước đó. Các TS này chỉ phải thi một số môn trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay. Tuy đã được nhắc nhở nhiều lần trước đó, nhưng tại HĐT Trường THPT Phan Đăng Lưu vẫn có trường hợp TS mang theo điện thoại di động vào phòng thi. TS đã bị HĐT đình chỉ thi ngay sau đó. Ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT TP.HCM một lần nữa nhắc nhở các TS ngoài việc tuân thủ nội quy phòng thi tuyệt đối không được mang điện thoại vào phòng. Ngoài trường hợp vi phạm tại HĐT này, tất cả các HĐT khác đều diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Đà Nẵng: TS bỏ thi ít

TS làm bài thi môn văn tại TP.HCM. Ảnh: N.Anh
Buổi sáng thi môn văn, tại HĐT THCS Tây Sơn (Q.Hải Châu, Đà Nẵng), nhiều TS ra sớm với tâm trạng khá thoải mái. Trao đổi với phóng viên Báo Giáo Dục TP.HCM, TS Nguyễn Quang (HS Trường THPT Phan Chu Trinh), cho biết: “Đề văn năm nay có ba câu, trong đó một câu hỏi kiến thức trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, một câu đề mở và một câu yêu cầu phân tích một đoạn trong bài thơ Tây Tiến. Đề nhìn chung không khó. Những đề bài này em đã được nhà trường chú trọng ôn tập trước đó nên không bỡ ngỡ khi làm bài”.
Còn TS Ngọc Duy (HS Trường THPT Trần Phú) cho biết: “Đề văn năm nay rất hay, theo em không khó. Em nghĩ với lực học trung bình, các bạn chỉ cần nắm chắc kiến thức đã ôn tập thời gian qua thì cũng dễ kiếm điểm trên trung bình”.
Đối với nhiều TS khối A, đề văn tuy hơi khó nhưng không đến nỗi dưới điểm trung bình. TS Hồ Ngọc Hà (thi tại HĐT Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm) chia sẻ: “Em học khối A, nên làm không được tốt lắm, nhưng em cũng khá hài lòng với bài làm của mình. Để đạt được tổng điểm cao nhất có thể, em sẽ cố gắng hơn ở những môn thi sở trường của mình”.
Ở môn vật lý, theo các TS dù năm nay đề thi hơi khó hơn năm trước nhưng nhìn chung hầu hết các em vẫn làm bài được. TS Ngọc Phi (HS chuyên ban C Trường THPT Phan Chu Trinh) phấn khởi nói: “Dù đây không phải là môn học sở trường nhưng em thấy vẫn vừa tầm, không khó lắm, nói chung em làm được 90%”.
Theo thống kê nhanh của Ban chỉ đạo thi, ngày thi đầu tiên với hai môn: văn và vật lý, hệ THPT có 20 TS vắng (17 TS vắng không lý do và 3 TS tại các HĐT THPT Lê Quý Đôn, Phan Thành Tài, Herman nghỉ thi do ốm), chiếm tỉ lệ 99,81%. Hệ GDTX có 21 TS vắng không lý do, chiếm tỉ lệ 99,82% trong tổng TS dự thi.
Cần Thơ: Một HĐT bị sự cố mất điện
Theo nhận định của nhiều TS: Nhìn chung, nội dung đề ra sát chương trình, nằm trong chương trình lớp 12. Đối với môn văn, đa số TS cho biết “làm bài được”. TS Nguyễn Thị Minh Thư thi ở HĐT Trường THPT Thới Lai cho biết: “Em làm được tất cả câu hỏi, nhưng không biết câu nghị luận đúng không?”. Bên cạnh đó nhiều TS không lạc quan cho lắm, các em “ngán” câu 1 và câu 2 nghị luận, thuộc phần chung. TS Trịnh Minh Phương, HĐT Trường THPT Châu Văn Liêm, bộc bạch: “Em lo tập trung cho các môn thi khối A, B nên hơi coi nhẹ các môn xã hội. Đề thi có tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân đã cho năm ngoái, em chủ quan không học kỹ, tuy nhiên vẫn làm tạm được vì có nghe cô giáo giảng rất kỹ”… Môn thi lý cũng trải dài trong chương trình lớp 12. Đối với những HS ban khoa học tự nhiên, hoặc có học lực khá giỏi thì đánh giá “khá dễ”. TS Nguyễn Thế Tuyển, HĐT Trường THPT Phan Ngọc Hiển, hồ hởi: “Mới hết 3/4 giờ em đã làm xong bài. Một số bạn cùng phòng thi của em cũng làm xong bài sớm”. Tuy nhiên, đề lại khó đối với HS có học lực trung bình. Thầy Trần Thành Sang, Trường THPT Thốt Nốt, phân tích: “Đề tuy không khó lắm nhưng đòi hỏi TS biết vận dụng kiến thức, kỹ năng tính toán nhanh, nếu không sẽ khó được điểm cao”… Tại HĐT Trường THPT Châu Văn Liêm, nhiều thầy cô giáo dạy văn nhận định: Đề môn ngữ văn tuy có những câu mang tính vừa sức, sát chương trình, tuy nhiên câu 1 phần chung khá phức tạp, đòi hỏi TS phải đọc tác phẩm mới làm được bài. Riêng câu 2 nghị luận, các giáo viên đều cho là khó, vì phạm vi vấn đề đặt ra quá rộng.
Theo Ban chỉ đạo, ngày thi đầu tiên diễn ra khá an toàn, không có trường hợp giám thị hoặc TS vi phạm quy chế… Tuy nhiên tại HĐT Thới Lai, do bị mất điện vào thời điểm cuối giờ thi, không có điện, chuông báo giờ và loa truyền thanh nội bộ không thể sử dụng, các thầy cô giám thị phải đến từng phòng thi thông báo hết giờ làm bài.
Nhóm PV

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)