Các chuyên gia đều đánh giá đề thi trong ngày 9.7 có tính phân loại, nhiều câu hỏi khá hay mang tính ứng dụng và gắn với những vấn đề thời sự, chính trị xã hội nhằm đánh giá năng lực thí sinh.
>>> Gợi ý giải đề thi môn Toán, Địa khối B, C, D kỳ thi ĐH năm 2014
>>> Gợi ý giải đề thi môn Sinh, Sử, Anh văn khối B, C, D kỳ thi ĐH năm 2014
Sinh viên tình nguyện Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM che mưa cho TS dự thi vào trường này – Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Thí sinh “giải quyết” tình trạng thiếu việc làm
Tính thời sự và thực tiễn trong đề thi thể hiện rõ nhất qua đề thi môn địa lý. Ngoài các câu hỏi liên quan đến vấn đề kinh tế và chủ quyền biển đảo, những người ra đề đã đặt một vấn đề hết sức thời sự hiện nay: Tình trạng thất nghiệp trong xã hội với câu: “Vì sao tình trạng thiếu việc làm ở Việt Nam hiện nay vẫn còn diễn ra gay gắt? Trình bày các hướng giải quyết việc làm cho người lao động ở nước ta”.
Cô Hoàng Thị Hiền, giáo viên địa Trường THPT Nhân Việt (TP.HCM), cho rằng phần lạ và hay nhất của đề thi địa chính là câu hỏi về tình trạng thiếu việc làm và hướng giải quyết việc làm ở Việt Nam hiện nay. Theo cô Hiền, đây là câu hỏi hay và bám sát vấn đề thời sự bởi tình trạng thất nghiệp đang ngày càng diễn ra gay gắt hơn và xu hướng chọn ngành nghề thế nào để tránh tình trạng này là điều mà học sinh và cả xã hội đang rất quan tâm.
Còn theo cô Võ Thị Ngọc Quý, Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.HCM): “Câu hỏi này bám rất sát sách giáo khoa, cả phần hiện trạng, nguyên nhân và hướng giải quyết tình trạng thiếu việc làm của nước ta học sinh đều đã được học. Vì vậy, chưa cần vận dụng kiến thức thực tế, thí sinh (TS) nào nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa sẽ đạt được điểm cơ bản”. Tuy nhiên, theo cô Quý, với đề thi này TS đang rất mong đợi về đáp án chính thức của Bộ. Nhiều TS băn khoăn không biết đáp án câu này sẽ như thế nào.
Sẽ không đếm ý cho điểm
Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Hướng dẫn chấm thi sẽ được công bố. Đáp án thi được xây dựng phù hợp với đề thi, không phải là “đếm ý lấy điểm” như trước đây, mà đáp án cũng là mở, chú trọng vào việc TS bộc lộ được tư tưởng, truyền tải được thông điệp với văn phong đảm bảo logic và thẩm mỹ, thể hiện được tư duy sáng tạo, phù hợp với thuần phong mỹ tục và pháp luật Việt Nam”.
Trước ý kiến cho rằng câu hỏi này hơi quá tầm nhận thức của TS, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nói đây là một câu hỏi mang tính thực tiễn để thử khả năng tư duy và suy luận của các em và hoàn toàn không vượt quá chương trình học. “Gắn với những kiến thức thực tế về việc lựa chọn ngành nghề của các em hiện nay, các em hoàn toàn có thể đưa ra những nhận định phù hợp. Ví dụ, các em có thể nhận định rằng ngành kinh tế đã bão hòa nên khi chọn ngành nghề dự thi không nên chọn vào các ngành kinh tế dễ dẫn đến thất nghiệp… thì sẽ được đánh giá cao”, ông Ga gợi ý.
Đổi mới đề hướng tới kỳ thi chung
Trao đổi với PV về việc đổi mới đề thi, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết: “Đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay đã có những đổi mới theo định hướng đánh giá năng lực học sinh; tăng cường các câu hỏi vận dụng, câu hỏi mở, yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp, kiến thức liên môn cùng những hiểu biết xã hội, kỹ năng sống để trả lời chứ không trả lời theo khuôn mẫu có sẵn; không đặt nặng yêu cầu học sinh phải ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện”.
Ông Trinh nói thêm: “Đề thi tuyển sinh CĐ sẽ tiếp tục được đổi mới theo hướng đồng bộ với những đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và đề thi ĐH. Những đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay là những bước đi đầu tiên trong lộ trình đổi mới thi theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW, hướng tới tổ chức kỳ thi chung mà kết quả được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ cho các trường sử dụng trong tuyển sinh”.
|
Nhận xét đề thi
Tập trung vào vấn đề kinh tế biển
Cấu trúc đề thi môn địa lý năm nay không có phần tự chọn.
Trong 4 câu hỏi đã có đến 3 câu yêu cầu TS trình bày những hiểu biết của mình về vấn đề kinh tế biển, đảo, quần đảo (vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; việc đánh bắt hải sản của ngư dân ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa có ý nghĩa như thế nào đến an ninh quốc phòng; các hoạt động kinh tế biển ở duyên hải Nam Trung bộ). Đây là những nội dung mà rất nhiều TS quan tâm và ôn luyện nhiều nên không cảm thấy bất ngờ.
Các câu hỏi nằm hoàn toàn trong chương trình địa lý lớp 12. Gồm các nội dung tự nhiên, dân cư, ngành kinh tế và vùng kinh tế. Nếu TS có quá trình ôn tập tốt thì đây là đề thi không quá khó.
Châu Thị Nguyệt
(Nguyên giáo viên Trường THPT Lê Hồng Phong, TP.HCM) Nhiều học sinh sẽ đạt 6 – 7 điểm môn toán
Cấu trúc đề thi môn toán khối D và B khác so với mọi năm do không có phần tự chọn và các câu khó được để phần cuối cùng của đề thi. Từ câu 1 đến câu 6 (khối D) học sinh trung bình khá có thể giải được một cách dễ dàng. Từ câu 7 đến câu 8, học sinh giỏi mới có thể giải được. 5 câu đầu đề thi khối B học sinh trung bình có thể giải được một cách dễ dàng vì mức độ chỉ khó hơn một chút so với đề thi tốt nghiệp THPT. Nội dung các câu hỏi đề khối B nằm hoàn toàn trong chương trình chuẩn, trong đó có 6 câu thuộc chương trình lớp 12 chiếm 5,5 điểm.
Nhìn chung mức độ khó của đề thi năm nay tương đương với các đề thi năm trước tuy nhiên số học sinh đạt được điểm 6 – 7 sẽ nhiều hơn mọi năm rất nhiều.
Đề thi có tính phân hóa cao, tạo nên phổ điểm đẹp và có nội dung phù hợp với yêu cầu được đặt ra đối với một đề thi tuyển sinh đại học.
Trương Quang Ngọc – Hoàng Hữu Vinh
Phần kiểm tra kiến thức đề tiếng Anh hay
Nói chung đề thi Anh văn không gây bối rối học sinh, phần kiểm tra kiến thức rất hay, phân hóa được học sinh giỏi nếu đi vào chuyên ngành tiếng Anh. Độ khó và độ dài hơn hẳn đề khối A1. Ở phần đọc hiểu, có một bài văn mang tính khoa học với chủ đề sấy khô lương thực để bảo quản, sử dụng một số từ lạ mang tính khoa học đối với chương trình tiếng Anh lớp 12. Để làm tốt TS phải đoán từ tìm ra đáp án đúng.
Với đề thi này, học sinh khá mới có thể đạt được điểm 6 hay 7.
Lê Thị Thanh Xuân – Nguyễn Trần An
(Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn, TP.HCM) Môn lịch sử thoát khỏi tư duy thuộc lòng
Đề thi môn sử năm nay đảm bảo cân đối giữa các phần trong chương trình. Đây là đề thi hay vì phù hợp trình độ TS kỳ thi tuyển sinh, nội dung đề thi thoát khỏi tư duy học thuộc lòng. Qua hệ thống các câu hỏi, TS cần cần xem xét, đánh giá sự kiện, hiện tượng trong mối quan hệ không gian, thời gian và nhân vật lịch sử. Với đề này yêu cầu TS phải hiểu bài, nhớ được những sự kiện cơ bản và nắm được kiến thức hệ thống theo các chủ đề trong quá trình phát triển của lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc… từ đó chọn được những sự kiện tiêu biểu để trả lời đúng theo yêu cầu câu hỏi. Nếu không, TS rất dễ sa đà vào việc mô tả hoặc nêu sự kiện.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Tiến
(Trường ĐH Thủ Dầu Một) Môn sinh có nhiều câu vận dụng
Số lượng câu tính toán bài tập cũng khá nhiều và có nhiều câu vận dụng nâng cao, chỉ có một số học sinh có kỹ năng giải bài tập chuyên sâu mới làm được. Còn lại khoảng 50% số câu hỏi lý thuyết rất phù hợp với trình độ học sinh, chỉ cần học bài kỹ có thể kiếm được 5 – 6 điểm. Để hoàn thành bài làm có kết quả cao, TS không chỉ cần nắm vũng trọng tâm bài học mà còn phải có kiến thức tổng hợp các chương vì có một số câu cách đặt vấn đề rất hay và rộng, đòi hỏi học sinh phải có khả năng tư duy cao.
Phạm Thu Hằng – Bùi Thị Kim Oanh
(Trường THPT Tân Bình, TP.HCM) |
Vũ Thơ – Hà Ánh
(TNO)
Bình luận (0)