Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ngày đêm ôn thi ở trường 0%

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy trò Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) đang khẩn trương ôn tập cả ngày lẫn đêm, quyết tâm không để lặp lại “thành tích” 0% đậu tốt nghiệp THPT như cách đây tám năm…

Sau buổi ôn tập tại lớp, thầy Nguyễn Tía lại lên phòng nội trú ôn thi cho trò - Ảnh: T.Mai
Sau buổi ôn tập tại lớp, thầy Nguyễn Tía lại lên phòng nội trú ôn thi cho trò – Ảnh: T.Mai

Dù phải ăn cơm trắng rau rừng, nhưng công tác ôn thi vẫn diễn ra liên tục.

Vượt khó ôn tập

Gần hai tháng qua, thầy trò Trường THPT Đinh Tiên Hoàng vẫn miệt mài từ ghế nhà trường đến phòng nội trú, thầy cô sát cánh cùng học trò từng con số, chữ viết nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đang cận kề. Nhắc lại “kỳ tích” 0% học sinh đậu tốt nghiệp trong kỳ thi THPT “ba không” cách đây tám năm, nhiều thầy cô vẫn còn nguyên vẻ lo lắng.

Kỳ thi năm nay mọi công tác thi cử đều mới khiến thầy trò của trường nơm nớp lo lắng. “Các em phần lớn là đồng bào dân tộc Ca Dong, cuộc sống rất khó khăn. Những ngày qua, để ôn thi các em phải vào rừng tìm lá mì non, mít rừng về luộc chấm với muối. Nhà trường phải liên tục động viên các em dù có ăn cơm với muối cũng phải vượt qua để đạt kết quả tốt nhất cho kỳ thi sắp tới” – thầy Lê Quang Đồng, phó hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, chia sẻ.

Theo kết quả tổng kết năm học 2014-2015, học sinh trung bình và yếu kém chiếm tỉ lệ rất lớn nên việc ôn luyện diễn ra hết sức khẩn trương. Không giống học sinh ở các huyện đồng bằng và TP Quảng Ngãi có nền tảng kiến thức tốt sẽ được bổ sung phần kiến thức nâng cao, ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, thầy cô tập trung ôn luyện cho các em những bài tập ở mức trung bình, một số em học tốt có yêu cầu nâng cao thì thầy cô sẽ kèm riêng để nâng cao thành tích cho các em.

19g, phòng học vẫn sáng đèn, các thầy cô ôn lại kiến thức đã truyền đạt lúc sáng. Nhìn các em học thuộc công thức giải được bài toán hình học thầy Nguyễn Tía nở nụ cười mãn nguyện.

21g, buổi học kết thúc, thầy Tía cùng nhiều thầy cô khác tiếp tục lên phòng nội trú kèm những em còn yếu. Tiếng thầy giảng, trò hỏi và phản biện những phần chưa hiểu vang lên trong đêm.

Đến tận 23g, nhiều học trò vẫn còn thức học bài, thầy Tía phải nhắc các em nghỉ ngơi để sáng mai còn lên lớp chuẩn bị bài mới. “Các em thấy thầy cô lo cho mình nên cũng chăm chỉ lắm. Rất ít khi vắng học trò dù là buổi tối” – thầy Tía chia sẻ.

Theo trò cho đến 
ngày thi

Trong kỳ thi năm nay chỉ có một học sinh đăng ký dự thi môn vật lý nhưng gần hai tháng qua thầy Đinh Hồng Duy – giáo viên vật lý – vẫn ngày đêm đồng hành cùng trò.

“Dù có một học sinh vẫn phải làm tốt nhất nhiệm vụ của mình. Ở huyện nghèo nhất nước như Sơn Tây không chỉ dạy chữ mà còn phải lấy được lòng tin và ý thức học tập của các em. Tôi hi vọng với cố gắng của hai thầy trò, học sinh duy nhất thi môn vật lý sẽ đạt được kết quả tốt trong kỳ thi năm nay” – thầy Duy tâm sự.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay, toàn trường có 93 học sinh đăng ký dự thi. Trong đó có ba em phải vào tận cụm thi TP Quy Nhơn (Bình Định) để dự thi. Cả ba em đều bỡ ngỡ bởi chưa một lần đi xa như thế. Em Phạm Thị Xuân Hồng, một trong ba thí sinh sẽ vào TP Quy Nhơn dự thi, tâm sự: “Mơ ước của em là đậu vào một trường đại học hay cao đẳng nào đó để sau này có công việc tốt hơn là đi rẫy”.

Nói về việc lần đầu tiên đi xa dự thi, Hồng tự tin: “Em nghĩ việc đi thi sẽ không khó khăn bởi thầy cô cũng đã liên hệ với các tình nguyện viên tiếp sức mùa thi để giúp đỡ tụi em”.

Ngày đêm ôn luyện, dạy thêm dạy kèm cho học trò, các thầy cô không nghĩ đến thù lao. Thương học trò nghèo khó cố gắng học tập, mỗi lần về xuôi thầy cô lại trích đồng lương ít ỏi của mình tranh thủ mua thêm thức ăn để cải thiện cho học trò.

Thầy Bùi Thế Giới, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, chia sẻ: “Suốt năm học thầy cô đã cố gắng để cải thiện chất lượng học tập ở trường. Trong những ngày cận kề kỳ thi quan trọng, chúng tôi phải cố gắng theo học trò cho đến khi nào các em hoàn thành kỳ thi đời người này”.

Động viên trò đang… mang bầu đi ôn thi

Không chỉ lo việc ôn thi, thầy cô Trường THPT Đinh Tiên Hoàng còn thêm nỗi lo học sinh bỏ lớp ôn tập, thậm chí bỏ thi. Nhiều trường hợp đặc biệt có con nhỏ, hoặc đang mang bầu được thầy cô tới nhà vận động đến lớp ôn tập.

Học sinh Đinh Thị Thư, mang bầu năm tháng, thầy cô phải vượt núi đến nhà khuyên nhủ Thư đến lớp ôn tập. Hơn một tháng qua em bị ốm nghén, giáo viên phải đến nhà bảo chồng Thư chở đến trường ôn tập.

“Sợ học sinh không đủ kiến thức dự thi cũng không bằng các em không nỗ lực và vượt qua khó khăn. May sao năm nay các em đều ý thức được việc học của mình” – thầy Lê Quang Đồng nói.

Em Đinh Thị Mỹ Lệ, có con nhỏ 7 tháng tuổi nhưng ngày nào cũng vượt hơn 20km đến trường ôn thi. Lệ cho biết đang cố gắng để thi đậu tốt nghiệp THPT, sau đó sẽ đi học nghề để thoát nghèo.

“Thầy cô bỏ cả kỳ nghỉ hè với gia đình lên núi ôn tập, lẽ nào tụi em không cố gắng được thêm vài tháng nữa. Em nghe nói kỳ thi năm nay là kỳ thi chung nên sẽ rất khó khăn, em không muốn 12 năm học tập của mình lại không có kết quả gì, ít ra là không phụ công của thầy cô” – Lệ nói.

 

TRẦN MAI (Theo TTO)

 

Bình luận (0)