Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ngày hè trên cánh rừng tràm

Tạp Chí Giáo Dục

Phút thư giãn hiếm hoiTừ hơn một tháng nay, cả cánh rừng tràm bạt ngàn heo hút thuộc xã Bình Lợi – Bình Chánh – TP.HCM trở nên náo nhiệt. Từ sáng sớm những đứa trẻ tuổi mới lên 10-15 khắp các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng… theo người lớn đến đây để vật lộn với những bó tràm trên vai, đổi mồ hôi lấy từng bát cơm manh áo và nuôi ước mơ được tới trường.

Những mái đầu khét nắng

Giữa trưa nắng gắt, La Văn Thành, 14 tuổi, quê ở Trà Vinh vừa nhễ nhại mồ hôi vác bó tràm nặng trĩu trên vai vừa hổn hển: “Mấy năm nay, cứ hè đến là em theo cha mẹ đi làm, năm ngoái em đi hái chanh thuê ở Đức Hòa (Long An). Năm nay, tuổi lớn hơn nên em theo cha đi vác tràm, vì vác tràm kiếm được nhiều tiền hơn”. Với La Thị Sáu, em gái Thành hiện đang học lớp 7, cũng đang vác một bó tràm to bên cạnh Thành thì: “Từ khi nghỉ hè đến nay cứ mặt trời lên là em ra đây vác tràm. Khi tiếng dế kêu trong rừng là lúc về lán ngủ. Nhà em ở quê ngay giữa cánh đồng, nên em cũng quen rồi”. Dáng người nhỏ thó cùng với nước da đen nhẻm là kết quả của những tháng ngày dầm mưa dãi nắng trên đồng ruộng, 12 tuổi mà trông Sáu như đứa trẻ lên tám. Do tuổi còn quá nhỏ, hầu hết các em không thể cầm cưa để đốn cây nên công việc chính vẫn là vác tràm từ ruộng lên bờ và từ bờ xuống ghe. Mỗi hec ta tràm các chủ tràm trả công từ 800 ngàn đến 2 triệu đồng tùy thuộc vào tràm dày hay thưa, to hay nhỏ. Do chưa có kinh nghiệm, nhiều khi Thành phải vác tràm cả ngày mà không được nhận đồng nào. Bình quân, mỗi ngày Thành kiếm được khoảng 30-40 ngàn đồng.

Còn Hứa Thị Sảnh thì khi sinh ra đã không nhìn thấy mẹ. Gia đình nghèo, cha em lại không làm ra tiền nên mẹ em bỏ đi biệt tăm. Từ nhỏ tới lớn, em phải theo cha phiêu dạt kiếm sống khắp nơi, chỉ biết có đồng ruộng, nắng gió, không biết trường lớp là gì. Giờ đây đã 12 tuổi nhưng khi nghe tôi hỏi chuyện học hành, em ngơ ngác như không hiểu tôi nói gì. Em cười bẽn lẽn và chạy đi. Mái tóc rối bời khét nắng, Sảnh khuất vào bìa rừng rồi lại nhanh chóng hiện ra với một bó tràm to trên vai. Dường như em bằng lòng với công việc của mình, khái niệm về trường lớp không có trong đầu em. Nghe em nói mà lòng tôi như xát muối: “Có tràm để vác là tốt lắm rồi chú ạ!”. Với Trương Văn Nguyện, 15 tuổi quê ở Sóc Trăng thì công việc chính là chuyển cây lên thuyền. Nguyện có vẻ hào hứng hơn những đứa trẻ đang vác tràm bên cạnh: “Em theo dì lên đây kiếm sống được hơn một năm, nghề này khổ thiệt nhưng có tiền gửi về quê cho mẹ lo cho các em ăn học. Mỗi tháng cần kiệm cũng được 1 triệu đồng, bằng mẹ em ở quê làm mấy tháng trời”. Nguyện là con trai đầu trong gia đình có 4 người con, khi Nguyện lên 10 tuổi thì người cha qua đời trong một đêm bạo bệnh. Em phải nghỉ học đi bán vé số kiếm tiền phụ giúp mẹ lo cho gia đình. Từ 5 năm nay em mới về quê được dăm lần bởi phải tiết kiệm hay tranh thủ những ngày lễ tết kiếm tiền. Vừa rồi, về quê tình cờ gặp vợ chồng dì Thắm nên em theo dì lên đây kiếm sống. Vừa lau mồ hôi trên khuôn mặt già hơn nhiều so với cái tuổi 15, em vừa kể với vẻ tự hào về gia đình mình: “Mấy đứa em ở quê học giỏi lắm anh ạ! Năm nào cũng có giấy khen. Thấy chúng siêng năng học hành, em dù khổ vẫn vui. Em đang cố gắng làm để đầu năm học tới có tiền đóng học phí cho mấy em”. 15 tuổi nhưng Nguyện đã trở thành “thủ lĩnh” về kinh nghiệm chặt tràm, gặt lúa… Ngoài ra em còn có nghề bắt cá dưới sông để cải thiện bữa ăn.Mưu sinh với tràm

Ước mơ đến trường từ tràm

Anh Hứa Hiển Vinh, người khá được “nể phục” vì “thành tích” chặt tràm ở khu rừng tràm thuộc xã Bình Lợi này phân trần: “Hầu hết các gia đình ở xã tôi nghèo “rớt mồng tơi”. Không có nghề nghiệp, vốn liếng, ruộng vườn thì ít nên không sống nổi đành bỏ quê tha phương tìm kế sinh nhai, vác tràm tuy vất vả, nhưng tay trắng như chúng tôi thì có việc gì kiếm tiền lại không phải đổ mồ hôi sôi nước mắt”. Bao gia đình như gia đình anh Vinh cứ thế hệ sau lại tiếp nối cái “nghiệp” mà ông cha để lại là “cày sâu cuốc bẫm”. Lao động vất vả quanh năm nhưng vẫn trong cái vòng luẩn quẩn nghèo khó và thất học. Cảnh những đứa trẻ chỉ mới 2-4 tuổi theo cha mẹ lăn lộn trên bùn đất không phải là hiếm ở cánh rừng tràm này.

Dù vậy, nhưng tất cả các em ở đây đều chất chứa một mong ước là tiếp tục đến trường. Em La Văn Thành và La Thị Sáu đều xây dựng kế hoạch cho năm học mới: “Chúng em làm ở đây được hơn hai tháng đủ tiền đóng học phí mua sách và ăn uống được ba tháng. Về quê, một buổi đi học một buổi đi làm cũng đủ ăn, và chúng em vẫn được đến trường”. Còn Lả Văn Vọng tuy chưa có dự định gì nhưng vẫn mong mỏi được đến trường: “Năm nào nhà em cũng thiếu ăn, giờ đi vác kiếm được ít tiền chắc sang năm sau em sẽ được đến trường. Mẹ em bảo cố học hết lớp 9 rồi đi làm, em cũng chưa biết làm sao”. Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có kế hoạch cho việc học của mình. Trương Văn Nguyện thì cửa đến trường của em đã khép lại. Những ngày đầu Nguyện cũng đi làm với mong muốn có tiền ăn học, nhưng do gia đình khó khăn Nguyện đành rời khỏi mái trường bao năm gắn bó với nỗi buồn trĩu nặng để đi làm kiếm sống và có tiền phụ giúp gia đình. Bây giờ Nguyện chỉ có mong ước có nhiều sức khỏe và công việc để làm, phụ giúp mẹ lo cho ba đứa em được đến trường.

Hứa Thị Sảnh thì từ khi sinh ra lấy ruộng đồng làm nhà. Không biết với những mảnh đời như Sảnh thì liệu đến bao giờ em mới được đến trường?

Văn Mạnh

Bình luận (0)