Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Ngày hội âm nhạc của các em thiếu nhi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tiết mục ca múa Năm điều Bác Hồ dạy của Nhà Thiếu nhi quận 11

Liên hoan ca múa nhạc thiếu nhi hè do Nhà Thiếu nhi TP và Trung tâm Văn hóa TP tổ chức vừa diễn ra trong không khí thật sôi nổi. Đây thật sự là một ngày hội âm nhạc dành cho các em thiếu nhi trong dịp hè, đồng thời tạo điều kiện để các em từng bước phát triển năng khiếu, thẩm mỹ nghệ thuật.
Đa dạng nhiều thể loại
Anh Thanh Duy – Quản lý đội ca Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên quận Bình Thạnh cho biết: “Đây là một sân chơi lành mạnh và bổ ích cho các em thiếu nhi, góp phần giáo dục các em truyền thống yêu nước, tinh thần tôn sư trọng đạo, hiếu học, hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ và yêu thương giúp đỡ bạn bè thông qua các hình tượng nghệ thuật. Chính vì thế, chúng tôi đã xây dựng một chương trình rất đặc sắc để các em phát huy hết khả năng của mình…”. Với 120 tiết mục rất đa dạng, phong phú về thể loại như đơn ca, độc tấu, hòa tấu, song – tam – tứ ca, tốp ca, hợp ca, ca múa, múa đơn, múa đôi… của 21 nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu niên quận – huyện qua sự thể hiện của gần 2.000 diễn viên được tuyển chọn từ phong trào văn nghệ cơ sở đã mang đến cho liên hoan nhiều màu sắc độc đáo, vui tươi. Hầu hết các chương trình, tiết mục tham gia đều được đầu tư, chăm chút rất kỹ lưỡng. Chị Trần Thị Kim Định – Phó giám đốc Nhà Thiếu nhi TP nhận xét: “Đội ngũ các anh chị làm công tác nghiệp vụ tại các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu niên của 21 quận – huyện đều đã được học qua các lớp “Dàn dựng chương trình” và “Bồi dưỡng nâng cao về múa dân gian dân tộc” nên đã có sự tìm tòi, mạnh dạn sáng tạo, đem những kiến thức đã học được áp dụng vào thực tế từng quận – huyện. Cho nên đã có nhiều chương trình, tiết mục xuất sắc mang màu sắc riêng, không có sự vay mượn, bắt chước nhàm chán như ở một vài cuộc liên hoan trước…”.
 Liên hoan đã đem đến cho người xem nhiều điều ngạc nhiên, thú vị. Đó là sự vươn lên, tiến bộ rõ nét của các quận – huyện vùng xa như Hóc Môn, Bình Chánh, Tân Phú, quận 7, Cần Giờ… Dù điều kiện sinh hoạt nghệ thuật còn nhiều thiếu thốn nhưng các đơn vị đã cố gắng dàn dựng các chương trình dù bám sát chủ đề nhưng mới lạ, hấp dẫn và cũng khá hoành tráng. Nhà Thiếu nhi quận 7 đã mang đến cho liên hoan chương trình Mãi mãi là khúc hát yêu thương thật sôi động, nhiều màu sắc qua các ca khúc Đất nước mến thương, Liên khúc Lời thầy cô, Những trái tim yêu thương. Đặc biệt là màn ca múa Bác Hồ cho em tất cả thật xúc động. Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên quận Bình Thạnh thì chọn chủ đề Tuổi thơ Việt Nam vang mãi khúc ca hòa bình tạo một thế giới thiếu nhi hồn nhiên, vui tươi với những ước mơ thật bay bổng gửi gắm qua các ca khúc Chúng em là thế giới ngày mai, Cánh chim hòa bình, Chắp cánh ước mơ, Tiếng hát bạn bè mình. Nhà Thiếu nhi quận 11 thì mang đến một thông điệp sâu sắc Năm điều Bác Hồ dạy qua những sáng tác thể hiện tinh thần tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình. Tưng bừng và hoành tráng nhất là chương trình Vòng tay yêu thương của Nhà Thiếu nhi quận 5 qua bàn tay dàn dựng chuyên nghiệp của biên đạo múa Nguyên Vũ và phần dựng ca của cô Tịnh Đức. Các ca khúc nhạc dân tộc Hoa Vui đến trường, Mẹ là tất cả được các em thể hiện nhuần nhuyễn, hấp dẫn. Đây cũng là cơ hội cho các khán giả nhí tìm hiểu về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của các dân tộc anh em trên đất nước mình. Chương trình này cũng được đánh giá rất cao trong Liên hoan văn hóa dân tộc các tỉnh phía Nam tổ chức tại thành phố Buôn Mê Thuột vừa qua.
Những điều cần rút kinh nghiệm
Nhạc sĩ Phan Hồng Sơn – thành viên Ban giám khảo đánh giá: “Năm nay, các tiết mục dự thi không có khoảng cách nhiều, sự lặp lại các ca khúc cũng giảm hẳn. Đặc biệt là thể loại múa có sự tiến bộ rõ rệt về ngôn ngữ, động tác, nội dung và âm nhạc. Nếu như các liên hoan trước, các em còn khá gượng gạo khi biểu diễn những động tác Ballet của người lớn thì ở liên hoan lần này, nét nổi bật lại là những động tác múa có nét dân tộc rất đáng yêu…”.
Tuy nhiên, các đơn vị vẫn còn những chỗ cần rút kinh nghiệm. Ngoài một số đơn vị có sự trau chuốt về phối âm, phối khí, tạo cho các em có điều kiện tốt trong việc thể hiện bài hát, thì còn một vài trường hợp phối bè cho các em chưa có hiệu quả, đưa đến việc các em hát lạc giọng, lạc điệu. Trang phục nhiều khi còn lẫn lộn giữa các dân tộc. Nhạc múa tuy đã có tiến bộ, có những bài nhạc viết riêng cho múa nhưng vẫn còn nhiều bài múa cũ mang tính phụ họa ca khúc… Một số chương trình còn hơi dài so với quy định của Ban tổ chức. Từ ngày 17 đến 19-7, 24 chương trình của khối phong trào được tuyển chọn từ các phường xã sẽ tiếp tục diễn ra, hứa hẹn thêm nhiều điều thú vị khác…
 Có thể nhìn thấy sự hân hoan vẫn còn đọng trên gương mặt ngây thơ của từng diễn viên nhí tham gia cũng như các khán giả nhí thưởng thức chương trình. Những ngày hội âm nhạc này sẽ để lại cho các em ấn tượng khó quên trong những ngày hè thư giãn trước khi bước vào năm học mới.
KHÔI NGUYÊN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)