Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngày hội giáo dục phát triển TP.HCM 2009: Con đường hội nhập quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hà (thứ 3 từ phải sang), Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh (thứ 4 từ phải sang) tham gia cắt băng khai mạc Ngày hội giáo dục phát triển

“Chuẩn quốc tế không có nghĩa là chất lượng đào tạo của những trường gắn mác quốc tế, có người nước ngoài dạy hay chương trình quốc tế như từ trước đến nay nhiều phụ huynh vẫn ngộ nhận”. Đó là lời nhận định của TS. Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM tại Ngày hội giáo dục phát triển TP.HCM năm 2009.
Phải đổi mới mô hình đào tạo
Theo TS. Huỳnh Công Minh: “Yêu cầu đổi mới và phát triển của đất nước, đặc biệt là của ngành GD-ĐT ngày nay càng bức xúc và quyết liệt hơn khi chủ trương hội nhập đã được thực thi, nước ta đã qua 2 năm gia nhập tổ chức Thương mại quốc tế (WTO). Đây là một thử thách lớn cho mọi ngành nghề trong xã hội, nhất là nhà trường; đòi hỏi nhà giáo dục phải đổi mới mạnh mẽ từ dạy học sang dạy cách học, tạo điều kiện cho học sinh ham thích, tìm tòi tự học và học tập suốt đời”.
Đổi mới ở đây chính là nhà trường Việt Nam phải đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện với những phẩm chất tốt đẹp vốn có, đồng thời có những khả năng của “con người mới” cần có để phục vụ cho công cuộc hội nhập của đất nước, theo tiêu chí giáo dục của thế giới với 4 trụ cột quan trọng là “học để biết, học để làm, học để chung sống và học để hoàn thiện mình”.
Từ mục tiêu đào tạo này, theo TS. Huỳnh Công Minh trước tiên người giáo viên phải biết thiết kế mô hình con người mà mình muốn đào tạo, tùy từng đối tượng mà có cách dạy dỗ khác nhau. Công việc này đòi hỏi người giáo viên phải có khả năng đánh giá học sinh không chỉ dựa trên điểm số môn học mà còn đánh giá về nhân cách, khả năng, trí tuệ từng học sinh. Bản chất của sự đổi mới này chính là việc giảm sĩ số học sinh trong lớp học, nếu không được như chuẩn quốc tế với 20 học sinh/lớp thì ít nhất phải đạt 30 học sinh/lớp, đồng thời mua sắm trang thiết bị đầy đủ, hiện đại cho từng em học sinh tham khảo thay vì mua cho giáo viên minh họa bài giảng của mình. Bên cạnh đó, cần tăng số giờ học lên 2 buổi/ngày nhằm làm tăng sự tác động từ người thầy đến mỗi em học sinh; đi sâu kiến thức các môn học hàn lâm cùng với việc đào tạo kỹ năng sống thông qua các hoạt động ngoại khóa, vui chơi… Đây là nội dung cần thiết phải làm trong giai đoạn đổi mới toàn diện giáo dục nhằm hội nhập nền giáo dục quốc tế.
Sẽ còn nhiều khó khăn
Trao đổi tại diễn đàn, TS. Huỳnh Công Minh nêu rõ không chỉ riêng ngành giáo dục nhìn về con đường hội nhập của giáo dục Việt Nam mà các đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng cũng nên hướng về giáo dục. Ông cho biết sẽ kêu gọi, vận động, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư giáo dục mở thêm nhiều trường học, thực hiện liên kết đào tạo với các trường trong và ngoài nước để thúc đẩy quá trình hội nhập giáo dục quốc tế. Tính đến tháng 4-2009, tổng số dự án đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GD-ĐT , dạy nghề trên địa bàn TP.HCM là 61 dự án với tổng vốn đầu tư là 3.582,98 triệu USD…
Đến nay, TP.HCM cũng đã có được những mô hình trường tiên tiến, chất lượng cao, đạt chuẩn giáo dục quốc tế như Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm; Trường THPT công lập Lê Quý Đôn; Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa… Nhưng với hơn 1.500 đơn vị trường học các bậc từ giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT, GDTX với 1,3 triệu học sinh tại TP.HCM thì con đường hội nhập với nền giáo dục quốc tế sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức.
Phát biểu tại buổi lễ bế mạc ngày hội, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “con đường đổi mới giáo dục của TP.HCM, cũng như sự thành công của 3 ngày hội, thu hút hơn 20.000 khách tham gia sẽ là tiền đề góp phần nâng cao giáo dục, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”.
Diễn ra trong 3 ngày từ 26 đến 28-6-2009 tại nhà thi đấu Phú Thọ, Ngày hội giáo dục phát triển TP.HCM năm 2009 thu hút sự tham gia của 47 công ty, xí nghiệp sản xuất, cung ứng sách và thiết bị trường học với 75 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm; 65 đơn vị giáo dục tiêu biểu trong và ngoài nước, đặc biệt có sự tham gia của 5 cơ quan giáo dục trực thuộc đến từ các Lãnh sự quán Canada, New Zealand, Hungary, Malaysia và Sigapore.

Ngoài việc giới thiệu và tạo điều kiện mua sắm sách, trang thiết bị dạy-học cho năm học mới, Ngày hội giáo dục TP.HCM 2009 còn là nơi giúp cho các bậc phụ huynh, học sinh có cơ hội trao đổi trực tiếp với các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước về việc chọn lựa trường lớp cho con em trước thềm năm học mới. Đây còn là nơi dành cho những nhà đầu tư có tâm huyết đối với sự nghiệp giáo dục “lên tiếng” thông qua các diễn đàn đổi mới giáo dục, định hướng chiến lược phát triển GD-ĐT TP.HCM năm 2009-2010 và những năm tiếp theo.
 
TUYẾT DÂN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)