Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngày hội giáo dục phát triển TP.HCM 2010: Phụ huynh, học sinh mở rộng tầm nhìn

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày hội giáo dục phát triển TP.HCM thu hút đông đảo phụ huynh tham quan, mua sắm

Sau 4 ngày diễn ra (từ ngày 24 đến 27-6 tại Nhà thi đấu Phú Thọ, Q.11), Ngày hội giáo dục phát triển TP.HCM 2010 đã kết thúc thành công tốt đẹp. TS. Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhận định: “Ngày hội năm nay vượt qua khuôn khổ ngành GD-ĐT TP.HCM và đã thu hút đông đảo những người quan tâm đến sự nghiệp đổi mới giáo dục – đào tạo nước nhà”.
Thực tế tại TP.HCM hiện nay, nhiều học sinh (HS) sau khi tốt nghiệp THCS không có điều kiện tiếp tục học THPT hay nhiều HS THPT không vào được CĐ, ĐH dẫn đến một bộ phận thanh niên đến tuổi lao động chưa được đào tạo nghề nghiệp, tạo ra sự lãng phí lớn cho xã hội và tác động đến tính hiệu quả của hệ thống giáo dục quốc dân.
Thay đổi quan điểm chọn trường, chọn nghề
Những năm qua, thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế nhằm thực hiện phân luồng học sinh từ việc hướng nghiệp, tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng chính sách đào tạo liên thông giáo dục nghề nghiệp với giáo dục ĐH cho đến việc phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp riêng. Bước đầu, giáo dục chuyên nghiệp TP.HCM đã đạt được những thành tựu khả quan, góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thành phố: làm chuyển biến nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp; xây dựng hệ thống trường TCCN phát triển cả quy mô và chất lượng đào tạo; nâng cao đội ngũ lao động có tay nghề, góp phần thực hiện mục tiêu phổ cập bậc trung học… Điều này được thể hiện rõ nét qua các gian hàng triển lãm mà hàng chục ngàn lượt HS, SV đã đến tham quan và tận mắt chứng kiến. Em Chu Thị Ngọc Ánh (HS lớp 11, Trường THPT Nguyễn Công Trứ, Gò Vấp) tâm sự: “Đến với ngày hội, em thật sự mới biết được sự quan tâm và đầu tư vào lĩnh vực học nghề hiện nay của các trường ở TP.HCM. Điều này cũng sẽ làm thay đổi ý định của em trong việc chọn trường, chọn nghề vào năm học sau”. 
Thạc sĩ Phạm Ngọc Thanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết định hướng công tác phân luồng từ nay đến 2015 và 2020 là huy động thanh niên, học sinh không có điều kiện học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp theo kế hoạch của các địa phương, đảm bảo tỉ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 70% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020 theo chiến lược phát triển của thành phố.
Trường công hiện đại không thiếu
Đến với ngày hội nhiều phụ huynh còn ngỡ ngàng trước sự phát triển vượt bậc của các trường lớp trong hệ thống giáo dục tiểu học tại các quận, huyện TP.HCM. Anh Trần Văn Đoàn (khu phố 7, đường Cây Trâm, P.9, Gò Vấp) thổ lộ: “Tôi thật sự bất ngờ về những ngôi trường tiểu học hiện đại tại các quận 1, quận 3, quận 4. Với chương trình giảng dạy tiên tiến, cơ sở vật chất hiện đại… học sinh còn được đi tham quan, giao lưu, học hỏi ở nước ngoài. Vậy mà từ trước đến nay, chúng tôi chỉ nghĩ chỉ có những trường quốc tế với mức học phí khổng lồ thì phụ huynh mới có thể cho con theo học được. Đó là những điều ngoài suy nghĩ của các bậc phụ huynh như chúng tôi”.
Thực tế trên 500 ngôi trường tiểu học và hơn nửa triệu học sinh là một bậc học có quy mô lớn nhất và có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách, là nền tảng quan trọng của hệ thống giáo dục quốc dân. Từ khi Nghị quyết Đảng bộ TP.HCM lần thứ VIII xác định chủ trương chủ động hội nhập để phát triển là định hướng quan trọng cho công cuộc đổi mới nhà trường. Theo đó, hệ thống giáo dục tiểu học TP.HCM đã có những nội dung, biện pháp đổi mới tích cực. Bước đầu đạt được những kết quả như: giải quyết cơ bản nhận thức về đổi mới giáo dục tiểu học trong đội ngũ sư phạm và từng bước nâng cao nhận thức xã hội về mục tiêu và biện pháp giáo dục bậc tiểu học hiện đại; xây dựng được những mô hình nhà trường tiểu học hiện đại theo tinh thần Thông báo 242 TB/TW, phấn đấu cho một nền giáo dục tiên tiến đậm bản sắc dân tộc qua việc đổi mới thiết chế nhà trường, dạy học theo cá thể…; giải quyết cơ bản những tồn đọng kéo dài trong hệ thống giáo dục tiểu học như nội dung quá tải, phương pháp từ chương áp đặt, vấn nạn dạy thêm tràn lan… Từ đó, giáo dục tiểu học TP.HCM trở thành một bậc học – là điểm tựa, niềm tin cho cả gia đình và xã hội.
Ông Vũ Bá Hòa – Phó tổng giám đốc NXBGD Việt Nam kiêm Giám đốc NXBGD tại TP.HCM nhấn mạnh: “Quá trình dạy và học trong nhà trường hiện đại ngày nay là quá trình hợp tác giữa thầy và trò, giáo viên chỉ là người hướng dẫn cho học sinh tự học, tự khám phá. Và học sinh của nhà trường hiện đại phải là những học sinh biết cách học, không ngừng nâng cao năng lực tự học và phải biết sử dụng thư viện nhà trường như một hỗ trợ thiết yếu trong công cuộc tìm kiếm, chinh phục tri thức. Và TP.HCM đã làm rất tốt điều đó”.
Bài, ảnh: Tuyết Dân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)