Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ngày hội học sinh năm 2013: Nhiều hoạt động ý nghĩa

Tạp Chí Giáo Dục

Các em HS THPT trong phần thi xe đạp chậm

Hơn 20.000 học sinh (HS) và giáo viên các trường THPT, trung tâm GDTX và THCS trên địa bàn TP.HCM đã có một ngày chủ nhật (31-3) thật ý nghĩa khi tham gia “Ngày hội HS phổ thông TP.HCM lần thứ 5 – năm 2013” với chủ đề “HS phổ thông TP.HCM với văn hóa giao thông” do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức tại Công viên văn hóa Đầm Sen.
Thời gian qua, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong và ngoài trường học nhằm giúp HS an toàn khi ở trường và trên đoạn đường từ nhà đến trường và ngược lại là một trong những hoạt động trọng tâm được Sở GD-ĐT TP.HCM và các ban ngành chức năng đặc biệt quan tâm.
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TP.HCM, công tác này trong năm qua được các trường trên địa bàn thành phố chủ động thực hiện tốt với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Nhiều hoạt động vui
“A! Hình Hội thi ATGT trường mình nè mấy bạn ơi!”, tiếng một HS Trường THCS Nguyễn Thị Định (Q.2) reo lên khi nhìn thấy tấm ảnh của trường mình được xuất hiện trên chuỗi hình triển lãm của Phòng GD-ĐT Q.2. Hình ảnh của Trường THCS Nguyễn Thị Định chỉ là một trong hàng trăm tấm ảnh về công tác tuyên truyền, giáo dục ATGT tại các trường học trên địa bàn thành phố. Mỗi tấm ảnh là một hoạt động, biện pháp nhằm góp phần đảm bảo ATGT, trật tự trong và ngoài trường học như HS giúp nhau đội mũ bảo hiểm, một tiết học về các loại biển báo ATGT hay hoạt động ngoại khóa HS tập  làm cảnh sát điều khiển giao thông trên đường. Tất cả đều được chụp ở nhiều góc với màu sắc tươi vui, ngộ nghĩnh biểu lộ rõ tinh thần trách nhiệm, ý thức của HS đối với tình hình ATGT trong và ngoài trường học.

Để đôi guốc gỗ này có thể dịch chuyển, HS cần có kỹ năng và tinh thần làm việc tập thể

Không chỉ được xem triển lãm ảnh, các em còn được thể hiện sự khéo léo, sáng tạo của mình qua từng bức tranh trong phần thi vẽ tranh tuyên truyền về văn hóa giao thông, trang trí mũ bảo hiểm. Qua bàn tay khéo léo của các cô cậu học trò, những chiếc mũ bảo hiểm, bức tranh đã được khoác lên những sắc màu cá tính, đúng với bản chất năng động của tuổi học trò. Trong số đó, không ít bức tranh mang nội dung phê phán những hành vi vi phạm Luật ATGT, sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông và hậu quả của những việc làm đó.
Chỉ vào bức tranh của mình, Nguyễn Tuyết Dung (HS Trường THPT Mạc Đĩnh Chi) cho biết bức tranh của em vẽ hình một thanh niên đầu trần phóng nhanh vượt ẩu khiến người đi đường kinh hãi. “Phía trước đoạn đường đi của anh ta là cánh cổng của một bệnh viện và một tòa án đang mở báo hiệu tương lai u ám nếu không sửa lại cách hành xử của mình khi đi đường. Đây cũng là hình ảnh mà em vẫn thường thấy khi đi đường và cách đây ít lâu em cũng từng chứng kiến vụ tai nạn do một thanh niên gây ra khiến một cụ già phải vào bệnh viện cấp cứu vì bị chấn thương nặng”, Tuyết Dung chia sẻ.
Bên cạnh việc thể hiện những hình ảnh không đẹp về văn hóa giao thông, các em còn đề xuất nhiều giải pháp nhằm hạn chế các vụ tai nạn xảy ra trên đường phố như giáo dục văn hóa đi đường cho người tham gia giao thông, mở rộng lòng đường, tăng cường lắp đặt hệ thống đèn báo hiệu ở những đoạn đường nguy hiểm…
Đậm sắc màu cá tính
Một trong những điểm nhấn góp phần tạo nên sự rộn ràng cho ngày hội chính là những trò chơi liên hoàn được tổ chức cho HS các trường tham gia. Mang chủ đề “Cùng giao thông an toàn”, các trò chơi đều được thiết kế gắn liền với các hoạt động giao thông như đi xe đạp, treo biển báo hiệu đúng vị trí… Với trò chơi mang tên gọi “Em hiểu Luật Giao thông”, các HS không chỉ phải treo đúng tên bảng báo hiệu mà còn phải mang guốc gỗ dài (10 người/lượt) để di chuyển trên đoạn đường dài 15m để đến đích. “Đã có không ít bạn dở khóc, dở cười ngã nhào lên nhau vì lúc mình bước thì chẳng bạn nào bước cùng. Để tham gia được trò chơi này cần phải có sự đoàn kết và đồng thuận của tất cả những người tham gia bởi khi tất cả cùng nhấc chân lên thì guốc gỗ mới di chuyển và nhanh về đích. Còn nếu như bạn nào chỉ chăm chăm bước một mình thì chẳng những guốc gỗ không dịch chuyển mà còn gây khó khăn cho những bạn còn lại trong đội”, Uyên Thy (HS lớp 11B3 Trường THPT Gò Vấp) phân tích. Đúng như lời Uyên Thy nói, đội chơi nào biết “chiến thuật”, sử dụng sức mạnh đoàn kết thì sẽ sớm về đích, giành chiến thắng trong sự cổ vũ nhiệt tình của các cổ động viên.
Tại một sân khấu khác, các HS cũng được “mãn nhãn” với phần thi nhảy Flash mob với những vũ khúc cực kỳ sôi động trên nền các bản nhạc: Chicken dance, Gangnam style, Té nước, Quê hương Việt Nam… Cùng trên một nền nhạc nhưng mỗi đội chơi lại có một sự thể hiện, sáng tạo khác nhau khiến Ban giám khảo vô cùng bối rối để chọn ra đội chơi thắng cuộc. Mỗi bài nhảy đều mang phong cách, dấu ấn khác nhau tạo nên những sắc màu cá tính trong “Ngày hội HS phổ thông lần 5” này.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
“Hiệu quả đạt được trong Năm ATGT của ngành GD-ĐT chính là giúp cán bộ, giáo viên, HS-SV và phụ huynh có được sự nhận thức đồng bộ về việc phải thực hiện nghiêm Luật Giao thông khi tham gia giao thông. Các hiện tượng buôn bán, chờ đón con dưới lòng, lề đường; số vụ HS vi phạm Luật Giao thông đường bộ đã giảm hẳn; số HS, trẻ em trên 6 tuổi đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đạt tỷ lệ cao nhất cả nước… Ngày hội chính là sự biểu dương và phát huy tính hiệu quả đạt được trong năm qua”, bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, chia sẻ.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)