Hàng loạt vấn đề liên quan đến quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ 2017 đã được giáo viên và học sinh đặt ra với đại diện Bộ GD-ĐT lẫn các trường tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp “Cùng bạn quyết định tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức ngày 18-12 ở Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng.
Ông Trần Văn Nghĩa (Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng) đang điểm qua những nét mới của kỳ thi THPT quốc gia 2017 |
Làm quen dần cách làm bài thi tổ hợp
Trước giờ khai mạc, hàng ngàn học sinh tại TP.HCM và một số tỉnh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương… đã tham gia trò chơi, tìm hiểu thông tin trực tiếp tại gần 70 gian hàng tư vấn của các trường ĐH-CĐ-TCCN. Tại đây, các em được giải đáp nóng nhiều thông tin liên quan đến lĩnh vực đào tạo, điều kiện xét tuyển, chế độ học bổng, chuẩn đầu ra… của các trường.
Báo Giáo dục TP.HCM thể hiện tốt tinh thần, trách nhiệm của mình Ông Hà Hữu Phúc (Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) nhận định: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo, thời gian qua Bộ GD-ĐT cùng các ngành, các cấp… đã nỗ lực đổi mới các lĩnh vực hoạt động từ công tác thi cử, tuyển sinh, đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy và học… Đây là những vấn đề cần thiết phải đổi mới trước mắt, nhưng để nâng cao chất lượng đào tạo chúng ta còn cần đổi mới nhiều hơn nữa. Nằm trong lộ trình đổi mới này, kỳ thi THPT quốc gia năm nay có rất nhiều điểm mới. Trong tình hình đó, Báo Giáo dục TP.HCM thể hiện tốt tinh thần, trách nhiệm của mình, phối hợp với các cơ sở giáo dục tại TP.HCM và các tỉnh thực hiện hàng loạt chương trình tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh, tạo điều kiện cho học sinh nắm những quy định mới, chọn được hướng đi phù hợp trong thời gian tới. |
Tiếp theo, mở màn chương trình, thầy Phùng Kim Loan (giáo viên Trường THPT Tân Thạnh, Long An) nêu nhiều câu hỏi xoay quanh quy chế thi THPT quốc gia, cách tính điểm bài thi tổ hợp, những điều chỉnh ở kỳ thi năm nay… Tiếp đó, em Lê Nguyễn Thu Cầm (lớp 12C4 Trường THPT Thanh Bình, TP.HCM) đặt câu hỏi: “Học sinh đang học lớp 12 có được thi các môn thành phần thay vì thi cả bài tổ hợp không?”.
Ông Trần Văn Nghĩa (Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT) đã điểm qua những nét mới tại kỳ thi THPT quốc gia 2017. Cụ thể, kỳ thi năm nay tiếp tục tổ chức tương tự như 2 năm trước, nhằm 2 mục đích: xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở xét ĐH-CĐ. Tuy nhiên, so với các năm trước, đây là năm đầu tiên cả nước chỉ tổ chức 1 loại cụm thi, tức mỗi tỉnh có 1 cụm thi. Thí sinh sẽ thi tại địa phương. Thứ hai, thời gian thi và thời gian đăng ký dự thi có điều chỉnh. Thời gian thi năm nay sớm hơn so với năm 2015 và 2016; thi trong 2,5 ngày từ 22 đến sáng 24-6. Năm nay do lịch thi sớm, các em phải kết thúc đăng ký dự thi sớm 10 ngày (từ ngày 1 đến hết 20-4), do đó, cần hết sức khẩn trương. “Các em cần biết cách làm bài thi tổ hợp, điều này là khó nhất năm nay và chúng tôi đã quán triệt các trường THPT, các sở GD-ĐT cố gắng cho học sinh trong quá trình học tập được thử thi vài lần để làm quen dần”, ông Nghĩa nói.
Về đăng ký dự thi, học sinh thi để xét tốt nghiệp THPT buộc phải đăng ký 4 bài thi, trong đó có toán, văn, ngoại ngữ và một trong 2 bài thi khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Thí sinh có thể thi cả 2 bài thi tổ hợp, bài thi nào điểm cao hơn sẽ được dùng xét tốt nghiệp. “Học sinh đang học lớp 12 không được chọn môn lẻ trong bài thi tổ hợp, bắt buộc thi cả bài. Riêng thí sinh tự do có thể chọn các môn thành phần để thi, không phải chọn cả bài thi tổ hợp. Những thí sinh tự do nhưng chưa tốt nghiệp THPT được quyền bảo lưu kết quả các môn thi năm trước, chỉ đăng ký thi những môn chưa được bảo lưu. Bài thi tổ hợp của các em sẽ có 4 con điểm, trong đó 3 con điểm thành phần và 1 con điểm trung bình”, ông Nghĩa lưu ý.
Tránh đăng ký bừa ngành không yêu thích
Góp phần chăm lo sự nghiệp giáo dục Ông Nguyễn Thanh Tú (Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM) cho biết hằng năm, hơn 1 triệu học sinh cả nước đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề. Học sinh, phụ huynh đã tìm kiếm thông tin qua nhiều kênh, trong đó có định hướng của giáo viên. Từ đây, không ít em đã lựa chọn được ngành nghề phù hợp năng lực, sở thích, điều kiện gia đình… Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận học sinh, phụ huynh dưới góc nhìn phiến diện hay thông tin thiếu chính xác… nắm bắt mơ hồ về giá trị (kinh tế, đạo đức, vị thế, danh dự) của công việc, lựa chọn sai lệch hướng đi của mình. Góp phần cùng ngành GD-ĐT và xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục, nhiều năm qua Báo Giáo dục TP.HCM đã thực hiện nhiều hoạt động, chương trình để đưa ngành nghề, trường học đến với học sinh, giúp các em không bị “chệch hướng” trong lựa chọn lối vào đời. Tiếp nối tinh thần đó, Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp “Cùng bạn quyết định tương lai” lần 9 năm 2017 được tổ chức quy mô với mong muốn trở thành kênh thông tin chính thống, cung cấp, cập nhật những thông tin quan trọng cho học sinh, nhất là trong mùa thi 2017 với rất nhiều đổi mới. |
Về tuyển sinh, ông Trần Văn Nghĩa cho rằng, năm nay có 1 điều chỉnh rất khác là thí sinh đăng ký dự thi cùng với đăng ký xét tuyển và được chọn không hạn chế số nguyện vọng. Với điểm mới này, thí sinh thêm phần an tâm về việc đăng ký xét tuyển, trừ những em nào chỉ đăng ký vào những ngành/trường thuộc top rất cao, ngoài tầm với; còn lại nếu đăng ký vào những trường hợp với năng lực thì rất khó trượt. Vì không giới hạn nguyện vọng, khi không đủ điểm đậu ngành này, các em sẽ được xét tiếp những ngành khác theo từng thứ tự ưu tiên do chính các em đăng ký.
“Dù được thoải mái đăng ký nguyện vọng nhưng các em tránh đăng ký bừa vào ngành mình không yêu thích, vì nếu trúng tuyển, các em không đi học lại mất cơ hội vào những ngành khác”, ông Nghĩa nhắc nhở. Trả lời câu hỏi của em Lê Quang Đạt (học sinh Trường THPT Thanh Bình) về việc một trong 2 bài thi tổ hợp bị điểm liệt có ảnh hưởng gì kết quả thi không, ông Nghĩa cho rằng, trong trường hợp thí sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên nhưng lại muốn thi thêm bài thi khoa học xã hội để tăng cơ hội xét tuyển. Lỡ 1 trong 2 bài thi đó bị điểm liệt, thì theo nguyên tắc, bài thi dùng xét tốt nghiệp không được có điểm liệt. Nhưng trong xét tuyển ĐH, thí sinh có thể dùng những môn thành phần không bị điểm liệt trong bài tổ hợp để xét.
PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa (Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM) thông tin thêm, ở 3 môn thi trong bài thi tổ hợp, mỗi thí sinh sử dụng 1 mã đề giống nhau. Nếu mã đề này không thống nhất, các em phải báo với cán bộ coi thi để được điều chỉnh.
Học gì để kế nghiệp gia đình?
Một nữ sinh đang trao đổi với ban tư vấn |
Một học sinh ở Bình Dương đặt vấn đề, em có thể học lĩnh vực gì để kế nghiệp công việc kinh doanh của gia đình. Ông Lê Sĩ Hải (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Hiến) cho biết: “Không riêng gì TP.HCM, phong trào khởi nghiệp hiện đang được chú ý ở nhiều địa phương. Các trường ĐH cũng mong muốn người học sớm có tinh thần khởi nghiệp, tự tìm kiếm công việc cho mình. Bản thân em có lợi thế là được thừa hưởng môi trường kinh doanh từ gia đình, nếu muốn kế nghiệp, khởi nghiệp có thể học ngành quản trị kinh doanh hoặc nhóm ngành liên quan đến kinh tế. Song, không nhất thiết chỉ học những lĩnh vực này mới khởi nghiệp được. Gia đình em kinh doanh lĩnh vực nào em có thể học, tìm hiểu kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực đó. Việc khởi nghiệp còn lưu ý đến năng lực, điều kiện, đam mê… của từng cá nhân”.
Ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) cũng đánh giá cao “tầm nhìn xa” của học sinh khi biết nhắm đến vấn đề khởi nghiệp trong lựa chọn ngành nghề. Theo ông Tuấn, các học sinh đang sống và học tập trong thời đại kinh tế phát triển, hội nhập. Nếu các em nhìn việc làm theo hướng rộng lớn sẽ thấy được nhiều cơ hội, nếu nhìn ở góc độ hạn hẹp (chú tâm vào học ngành hot chẳng hạn) sẽ khó khăn trong lựa chọn hướng đi. Hiện nay, chương trình xuất khẩu lao động cũng được mở ra trong nhiều ngành nghề. Người học bất kỳ ngành nào cũng có thể khởi nghiệp. Miễn các em tự lựa chọn bậc học ĐH, CĐ, TC, tránh để người khác chọn giùm hoặc chạy theo những ngành nghề mà bản thân còn mơ hồ, ảo tưởng, về sau sẽ rất vất vả.
Một số hình ành trong Ngày hội
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)