Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Ngày hội “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” đến với học sinh quận 12

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 13-4, tại Trường THCS-THPT Ngọc Viễn Đông (TP.HCM) đã diễn ra Ngày hội “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” năm 2019 nhằm cung cấp cho học sinh lớp 9 những thông tin cơ bản về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng như các ngã rẽ sau THCS.

Ông Nguyễn Thanh Tú (Tổng biên tập, Trưởng ban tổ chức ngày hội – bìa phải) tặng hoa cảm ơn thành viên Ban tư vấn và các đơn vị

Ngày hội do báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM, phòng GD-ĐT Q.12, Trường THCS-THPT Ngọc Viễn Đông và các đơn vị tổ chức với sự tham dự của hơn 5.000 học sinh đến từ 13 trường THCS trên địa bàn Q.12.

Mở đầu ngày hội, bà Nguyễn Đặng An Long (Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM) khẳng định sau THCS, tùy vào điều kiện, sức học mà học sinh có thể đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập, vào trường THPT ngoài công lập, trung tâm GDNN-GDTX hoặc trường nghề.

Tại ngày hội, học sinh còn được thông tin về chương trình đào tạo văn hóa THPT tại trường ĐH. Để hiểu rõ hơn về chương trình này, bà Hoàng Thụy Thoa (Đại diện Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM) cho biết: Tốt nghiệp THCS có hạnh kiểm từ khá trở lên có thể nộp hồ sơ để được học tại trường này với 7 môn văn hóa gồm: toán, lý, hóa, sinh, sử, địa, ngữ văn và được hưởng mọi quyền lợi như học tại các trường THPT công lập. Kết thúc chương trình học, học sinh đạt loại khá, giỏi sẽ được liên thông lên ĐH, còn học sinh có học lực từ trung bình, trung bình khá sẽ vào CĐ. “Học văn hóa trong môi trường ĐH, học sinh còn có cơ hội tiếp xúc với các anh, chị sinh viên thông qua các hoạt động ngoại khóa, giúpcác em định hướng được nghề nghiệp từ sớm và làm quen với cách học ở bậc CĐ – ĐH”, bà Thoa gợi ý.

Học sinh đặt câu hỏi cho Ban tư vấn

Ở phần hỏi-đáp, Nguyễn Gia Huy (lớp 9/6, Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ) bày tỏ lo lắng về nhu cầu tuyển dụng lao động bậc trung cấp trong thời gian tới. TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị tri thức, Sở KH-CN TP.HCM) khẳng định: Mỗi năm có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp vì nhu cầu nhân lực ở bậc này chỉ chiếm 12% trong tổng số lao động, trong khi đó bậc trung cấp chiếm hơn 35%. “ĐH không phải là con đường duy nhất, nếu có khả năng tương tác, kiến thức và kỹ năng mềm thì dù học trung cấp nghề vẫn có cơ hội tìm được việc làm”, TS. Tùng quả quyết.

Học sinh tham dự ngày hội

Em Nguyễn Nhật Thy (lớp 9/6, Trường THCS Phan Bội Châu) đặt câu hỏi: “Em muốn trở thành một phiên dịch viên nhưng có nhiều ngôn ngữ mà thị trường lao động đang cần, vậy em nên lựa chọn ngôn ngữ nào để có cơ hội việc làm tốt nhất?”. Trả lời câu hỏi này, TS. Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, học ngôn ngữ nào cũng cần phải giỏi tiếng Anh vì đây là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trên thế giới. “Hãy quan tâm đầu tư học tiếng Anh, có nền tảng tốt thì có thể học thêm bất kỳ ngoại ngữ nào mà mình thích để thuận lợi hơn trong công việc. Tuyệt đối tránh nghe theo lời bạn bè chọn ngoại ngữ quá sức để rồi không học được” – TS Nguyễn Thanh Tùng khuyên.

Kiều Khánh

Bình luận (0)