HS, SV đến tìm hiểu thông tin tuyển sinh ở các trường tại Ngày hội hướng nghiệp do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức vào tháng 9-2009 |
Sáng mai (19-12), “Ngày hội việc làm – hướng nghiệp năm 2009” sẽ khai mạc, ngày hội có nhiều hoạt động như: tọa đàm đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp, tư vấn hướng nghiệp, kỹ năng mềm cho học sinh THPT, THCS, phỏng vấn tuyển dụng lao động trực tiếp… Và có thể nói đây là cơ hội cho học sinh, sinh viên chọn trường, chọn nghề để bước vào ngưỡng cửa tương lai…
Nhu cầu cấp thiết
Theo Th.S Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: “Hiện nay vấn đề hướng nghiệp cho HS, SV là vấn đề cấp thiết. Thực tế cho thấy nhiều HS tuy đã vào học trung cấp, cao đẳng nhưng vẫn rất mù mờ về nghề nghiệp, đặc biệt là HS, SV học hệ trung cấp. Mặt khác việc phân luồng hệ THCS, THPT tại TP.HCM vào học trung cấp tuy đã có nhiều kết quả tốt nhưng trong thời gian tới vẫn phải duy trì và phát huy để hướng HS vào học trung cấp tránh lãng phí của xã hội trong việc đào tạo”.
Thầy Nguyễn Trọng Cường, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thủ Đức chia sẻ: “Mỗi năm quận có hơn 1.000 HS THCS không đủ điều kiện vào học ở các trường phổ thông, nhưng nếu không làm tốt vấn đề phân luồng thì số lượng HS này không biết học gì. Đó là chưa tính tới số HS THPT không đậu vào các trường CĐ – ĐH. Vì vậy mỗi năm Phòng GD-ĐT quận luôn cho HS THCS tiếp xúc với các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề thông qua những ngày hội hướng nghiệp. Việc Ngày hội việc làm hướng nghiệp do Báo Giáo Dục TP.HCM, Báo Lao Động phối hợp với Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, Trung tâm GTVL Thanh niên tổ chức là rất phù hợp và cần thiết”.
Ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho hay: “Thanh niên hiện nay phần lớn hướng vào học đại học, mà quên đi rằng học trung cấp cũng là con đường thênh thang để bước vào đời. Phần lớn tình trạng HS hướng vào học đại học một phần do tâm lý xã hội và một phần do học sinh thiếu thông tin về vấn đề nghề nghiệp. Vì vậy, việc đưa tư vấn hướng nghiệp, phân luồng đến học sinh như Ngày hội việc làm – hướng nghiệp sắp tới là một hướng rất tích cực để định hướng nghề nghiệp, đặc biệt là được tổ chức ở khu vực ngoại thành, vì khu vực này thanh niên nghèo nhiều hơn lại ít được tiếp cận thông tin so với khu vực trung tâm thành phố”.
Ở góc độ khác, ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty ESUHAI nhìn nhận: “Không thể phủ nhận học sinh, sinh viên hiện nay rất thiếu kỹ năng trong công việc và thiếu hiểu biết về chọn nghề. Thực tế phần lớn nguồn nhân lực hiện nay, đặc biệt là nhân lực đưa đi làm việc ở nước ngoài cần phải được trau dồi về vấn đề này. Nên chăng các trường đưa chương trình học kỹ năng vào đào tạo chính thức và thường xuyên tổ chức những buổi tư vấn kỹ năng mềm cho sinh viên”.
“Phải gắn với doanh nghiệp”
HS, SV đến với Ngày hội tư vấn hướng nghiệp của Báo Giáo Dục tổ chức vào tháng 9-2009 |
TS. Lưu Đức Tiến, Phó trưởng phòng Chuyên nghiệp và Bồi dưỡng giáo viên, Sở GD-ĐT nhìn nhận: “Việc đào tạo giữa nhà trường và sử dụng lao động của doanh nghiệp vẫn còn khập khiễng, nói cách khác là nhà trường và doanh nghiệp chưa có tiếng nói chung. Doanh nghiệp “chê” nhà trường đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp lại đứng ngoài thừa hưởng những thành quả đào tạo mà không mất một chi phí nào về việc đào tạo đội ngũ nhân lực, như vậy là chưa thỏa đáng với nhà trường. Tuy nhiên, sắp tới với chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội thì các trường cũng nên chủ động trong việc liên kết với doanh nghiệp để đào tạo nhân lực được tốt hơn”.
TS. Bùi Văn Vượng, Giám đốc Công ty phát triển tài năng: “Mô hình nhà trường – doanh nghiệp phải song hành với nhau trong việc đào tạo nhân lực cần được thắt chặt hơn nữa. Nhà trường cần tìm đến doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng phải tìm hiểu ngành nghề đào tạo của nhà trường. Để doanh nghiệp và trường gặp nhau nên tổ chức những ngày hội việc làm – hướng nghiệp nhiều hơn nữa. Hiện nay thiếu các đơn vị kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp. Trước nay nhiều ngày hội chỉ có việc làm hoặc hướng nghiệp điều đó tốt nhưng chưa đủ”.
Trần Thùy Anh, SV Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức chia sẻ: “Đến với ngày hội chắc chắn bọn em được các công ty đến tư vấn tuyển dụng trực tiếp và sẽ có nhiều cơ hội tìm được việc làm ngay khi ra trường. Mặt khác còn được các trường nghề tư vấn về kỹ năng xin việc và một số kỹ năng mềm khác. Nếu có nhiều hoạt động như thế này sẽ giúp ích rất nhiều cho SV bọn em trong việc không bỡ ngỡ khi đi xin việc”.
Văn Mạnh
Ngày hội sẽ có sự tham gia của: Ban giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, Phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TP.HCM, Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM, Khu công nghệ cao TP.HCM, Ban giám đốc KCN-KCX TP.HCM… Ngoài ra ngày hội còn có sự tham dự của 40 doanh nghiệp nhằm đóng góp cho chương trình đào tạo của nhà trường, trong việc đào tạo theo nhu cầu xã hội. Ngày hội việc làm có sự tham gia của 30 đơn vị các doanh nghiệp tuyển dụng lao động trực tiếp và các trường trung cấp, cao đẳng, đại học tư vấn: Công ty Ajnomoto, Công ty Oxioo, Công ty ESUHAI, Công ty Phát triển tài năng, Công ty Uni-President, Viện công nghệ Viễn Thông Sài Gòn, Công ty CP Thiên Hùng, Công ty CP Đầu tư – hợp tác đào tạo Tiên Phong, Công ty Mỹ phẩm Avon, Công ty Medec Việt Nam, Công ty DV Bảo Vệ Titan, Công ty CP Công nghệ Tam Phú; Trường ĐH QT Hồng Bàng, CĐ KT-KT Phú Lâm, Trường CĐ nghề iSPACE…
|
Bình luận (0)