Ngày khai giảng là ngày trọng đại nhất của học sinh, ngày khai tâm mở trí để em bước vào kho báu kiến thức, ngày em tập vào đời, lần đầu rời cha mẹ, người thân để học hành, tập làm người lớn.
Ngày trọng đại ấy ở mỗi em diễn ra khác nhau không ai giống ai – tùy ở tầng lớp xã hội, thời đại. Ngày xưa được cử hành như một đại lễ long trọng, uy nghiêm… Thời nay thì giản dị hơn nhưng mỗi học sinh đều mang một tâm trạng giống nhau: hồi hộp, náo nức, pha chút âu lo, thắc thỏm. Đúng là một thời điểm đáng ghi nhớ mãi trong lòng, với ấn tượng sâu xa, một kỷ niệm của tuổi thơ mà hầu như suốt đời vẫn không dễ dàng quên được.
Dù là dưới mái lá thô sơ ở một làng quê hẻo lánh trong thời loạn lạc chiến tranh hay một ngôi trường khang trang tường vôi mái ngói vào thời bình nơi đô thị thì ngày khai giảng vẫn ghi dấu ấn đặc biệt cho đứa trẻ sắp vào đời, với ý nghĩa cao quý trang trọng như nhau.
Dù xuất thân là con nhà cao sang quyền chức hay lao động bình dân, mỗi học sinh đều bình đẳng dưới mái trường, các thầy cô đều yêu thương chăm sóc dạy dỗ, uốn nắn để học trò mình trở nên hữu dụng, trở thành một công dân tốt mai sau.
Không phải bỗng dưng mà người thầy được trân trọng đứng trước người cha – theo quan niệm “quân sư phụ” ngày xưa. Thời nay, ông vua “mất giá” nhưng người thầy trên bục giảng với nhiệm vụ truyền đạt kiến thức cho học sinh, giá trị vẫn không thay đổi: – Tiếng “thầy” vẫn được trân trọng trong xưng hô dù bất cứ nơi nào – trong nhà trường, trên đường phố hay dưới mái gia đình – và kể cả thời điểm nào: khi đứa trẻ lần đầu đến trường hay đến lúc đứa trẻ trở thành người lớn, người có địa vị trong xã hội… dù lên chức ông, bà. Vâng! Kể cả tận lúc ấy người thầy vẫn được kính trọng, không thay đổi.
Tôi nghĩ là ngày khai giảng không chỉ đáng trân trọng riêng với học sinh mà cả người thầy: khi dang tay đón nhận đứa trẻ lần đầu đến trường trong ngày trọng đại, người thầy nhận lấy trọng trách khó khăn, thiêng liêng và cao đẹp biết ngần nào; đâu chỉ dạy dỗ chữ nghĩa kiến thức mà còn phải rèn luyện nhân cách cho học trò mình.
Đề tài khai giảng là một đề tài cần xưng tụng trong văn học – kể cả văn học thiếu nhi – nhưng đề cập đến đề tài này mà chỉ nói về thời điểm, khung cảnh, tâm trạng học trò, vai trò phụ huynh…, không đả động đến người thầy thì quả là có phần chông chênh khiếm khuyết. Đúng là đề tài khai giảng trong văn học, kể cả văn học thiếu nhi rất cần phát triển, nhưng phát triển sâu rộng đúng với ý nghĩa thì e là còn chưa đủ tầm vóc, bởi gần đây những người cầm bút – và nói chung – mọi người mãi bận tâm về những gì có lợi trước mắt hơn.
Minh Quân
Bình luận (0)