Tòa soạnThư đi – tin lại

Ngày khai trường, nhớ mẹ!

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi thả hồn theo mấy vệt nắng chiều gay gắt làm vầng trán nhễ nhại mồ hôi. Giọt mồ hôi đã một thời chảy thánh thót làm còng lưng mẹ và giờ đang nhỏ giọt lên từng cụm rau má cần cù bám lấy mảnh đất đỏ của cái xóm quê nghèo này.
Làm sao quên được cái ngày tôi hí hửng bước chân vào trường huyện. Mẹ tôi thức dậy từ gà gáy nhóm bếp nấu cơm, lụi cụi nung từng cái gáo dừa khô để lấy than ủi áo dài cho tôi. Dáng mẹ in chập chờn trên vách, lòng tôi nghe ấm áp và nôn nao một cái gì khó tả. Sớm mai là ngày khai giảng, tôi bước vào đầu cấp III tại một ngôi trường huyện vừa được xây mới thơm tho, rộn ràng như là áo cô con gái…
Chiều hôm qua thằng Khang hàng xóm chạy sang khoe với mẹ tôi rằng trường nó đẹp lắm, hai dãy lầu hình chữ en-lờ và đặc biệt mỗi phòng có sáu bóng đèn nê-ông sáng choang chứ không lờ mờ như ngôi trường làng mà nó đã từng học. Hắn còn đưa cho mẹ tôi xem đôi giày ba-ta trắng, không biết đã đem vô đem ra ngắm nghía ngày mấy bận. Cái thằng nổ giòn thiệt, độ rày đã biết chải chuốt, khác hẳn với thằng Khang lúc tóc còn khét nắng, bụi tro mùa gặt bám vòng lên cổ, bị thầy phạt, sai con gái “kỳ hòm” cho. Ngày nào còn lội ì đùng tắm sông bị ba nó quất mấy roi khóc như mưa, mà hôm nay vỗ ngực xưng tên là nó thuộc loại học trò giỏi “tầm cỡ” mới được chọn vào học một ngôi trường khang trang như thế. Cái thằng làm tôi ngứa miệng, chính tôi mới đáng tự hào…
Áo dài trắng đến trường của học sinh cấp III (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Mẹ kể rằng trước đây ba tôi là thầy giáo dạy ở chính ngôi trường mà tôi và thằng Khang sắp học. Ngày xưa nơi ấy là một bãi dừa xanh, ẩn náu mấy dãy phòng học cheo leo. Cái thuở ba đi dạy còn phải cơm đùm cơm giở. Tôi tự hào vì có ba làm thầy giáo mặc dù khi tôi hiểu biết mọi điều thì mồ ba đã xanh cỏ, bỏ mẹ bơ vơ giữa cuộc đời, thân cò bươn chải. Miễn sao cho các con ăn học thành tài, mẹ thế nào cũng được. Mẹ sợ nhất cái cảnh “cha làm thầy, con dốt nát”. Tôi lớn lên đường hoàng cơm trắng cá tươi, ngày hai buổi đến trường, trong khi gánh đời trên lưng mẹ kêu kẽo kẹt, trong khi một số bạn bè đồng trang lứa phải nghỉ học mò ốc hái rau phụ giúp gia đình. Tụi nó nhìn tôi với một ánh mắt ước ao, tôn sùng tôi là “thiên thần áo trắng” vì có lần tôi hiên ngang đọc thơ Kiều và Lục Vân Tiên, rồi cắt nghĩa cho bọn nó nghe vào những đêm trăng sáng. Lúc ấy, tôi chợt bắt gặp ánh mắt mẹ sung sướng mỉm cười.
Và hôm nay, con gái tôi, cháu ngoại của mẹ cũng chuẩn bị bước vào trường cấp III thì mẹ cũng đã về đoàn tụ với ba. Nhìn con gái tôi lâng lâng vui sướng xen lẫn hồi hộp chuẩn bị khoác lên người chiếc áo dài trắng đi dự ngày khai giảng mà lòng tôi rưng rưng nước mắt vì nhớ mẹ. Tôi run run cài từng nút của chiếc áo dài cho con gái, rồi bảo: “Chà, trông giống người lớn ra phết, ráng học nghen con để làm cô giáo giống như mẹ…”. Con gái gục đầu vào vai tôi nói khẽ: “Mẹ yên tâm, con hứa là sẽ cố gắng…”. Tôi giật mình, sao mà giống y hệt tôi ngày nào, dù thời gian hai thế hệ cách nhau thật xa. Đứng nhìn con gái tôi đạp xe đến trường cùng các bạn, tôi khẽ mỉm cười sung sướng. Vang vọng đâu đó, lời tôi nói với mẹ ngày xưa: “Dù bây giờ mới là học trò cấp III, nhưng con hứa với mẹ là sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này được làm nhà giáo như ba…”. Và tôi đã không phụ lòng mẹ. Ở trên trời, tôi tin rằng mẹ cũng đã hài lòng về tôi, và sau này hẳn mẹ cũng tự hào về đứa cháu ngoại của mẹ. Tôi tin là như thế…
Dương Thị Thùy Lan
    (Huyện Tân Phước, Tiền Giang)

Bình luận (0)