Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ngáy khi ngủ, có đáng lo ngại?

Tạp Chí Giáo Dục

Các nguyên nhân của bệnh ngáy khi ngủ (ảnh bác sĩ cung cấp)

Ngáy chẳng những làm khổ cho người ngủ cùng giường, mà còn có thể có hại cho sức khỏe của chính bạn nữa (trở thành một bệnh lý). Muốn cho sức khỏe khỏi bị ảnh hưởng, bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được xác định rõ nguyên nhân nhằm có những biện pháp điều trị kịp thời.
Những trường hợp nhẹ
Ngáy là một rối loạn trong khi ngủ, xảy ra do luồng không khí thở đi qua chỗ hẹp hay tắc nghẽn của đường hô hấp trên tạo ra. Với những trường hợp nhẹ, có một số giải pháp khắc phục chứng ngáy: có một nếp sống lành mạnh, năng vận động: những người có cơ bắp săn chắc thường ít khi ngáy. Vì vậy, nếu bạn bảo đảm cho mình có một thân hình gọn gàng, khỏe mạnh (kể cả các cơ bắp ở lưỡi và cổ) thì đường hô hấp trên sẽ thông, không phát ra tiếng ngáy; giữ cân nặng ở mức lý tưởng: những người thừa cân thường có cần cổ to và dày, khiến đường hô hấp trở nên hẹp, gây ra ngáy; tránh dùng thuốc an thần, thuốc ngủ và kháng histamin trước khi ngủ: việc dùng nhiều những thuốc này sẽ làm cơ bắp bị thư giãn quá mức, khiến các ống khí quản xẹp xuống, hẹp lại, dễ tạo ra tiếng ngáy; nên ngủ ở tư thế nằm nghiêng: ở tư thế nằm ngửa, hàm dưới có khuynh hướng trễ xuống làm bạn há miệng và dễ ngáy, nâng đầu lên khoảng 13cm khi ngủ: bạn có thể thực hiện việc này bằng cách chèn nhiều gối ở đầu giường. Việc nằm ngủ ở tư thế đầu cao sẽ giúp không khí lưu thông qua mũi, đường hô hấp trên và cổ họng được dễ dàng hơn; tăng độ ẩm cho không khí phòng ngủ: các nghiên cứu cho thấy, không khí khô có khuynh hướng gây âm rung ở cuống họng hơn so với trường hợp không khí có đủ độ ẩm. Một máy điều hòa độ ẩm có thể giúp miệng và họng của bạn đỡ bị khô khi ngủ.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Nếu thực hiện các mẹo vặt trên đây mà vẫn tiếp tục ngáy, bạn nên đến khám bác sĩ vì đây là dấu hiệu đường hô hấp gặp trở ngại. Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây ngáy: ở mũi (vẹo vách ngăn, polyp mũi, viêm mũi xoang, phì đại cuống mũi); ở họng – miệng (V.A, amiđan viêm phì đại; lưỡi gà; màn hầu quá dài; thành họng dày, phù nề; lưỡi to quá; cằm bé; mỡ nọng cổ to ở người có cổ mập và to; liệt thần kinh họng…). Trường hợp đáng ngại nhất là hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây tử vong. Ngưng thở lúc ngủ là dạng nặng của tắc nghẽn đường hô hấp, biểu hiện đầu tiên thường là ngáy với những cơn ngưng thở kéo dài từ 10-20 giây do: quá phát amidan, VA; quá phát các cuống mũi nhất là cuống mũi dưới, vẹo lệch vách ngăn; các mô mềm vùng họng như khẩu cái mềm, lưỡi gà, đáy lưỡi bị sụp vào thành sau họng gây tắc nghẽn đường thở; áp lực âm trong thì hít vào làm phần mềm bị hút vào lòng ống hô hấp khiến tiết diện ống hẹp lại và gây tắc nghẽn đường thở.
Ngoài phẫu thuật, còn có một phương pháp khác là sự thông khí. Người ta cho người ngáy ngủ thở thông qua một cái mặt nạ kết nối với một cái tua bin phóng ra một lưu lượng không khí ổn định, làm cho yết hầu không thể đóng lại được. Tuy nhiên, phương pháp này gây khó ngủ và rất tốn kém. Nhưng hiện nay, chỉ có biện pháp này mới có đủ khả năng làm biến mất chứng ngưng thở.
BS. NGUYỄN VĂN TIẾN
(Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện 175 – TP.HCM)

Khoảng 23% bệnh nhân tiểu đường tuýp II chắc chắn bị nghẽn đường thở gây ngáy khi ngủ; 40% người ngáy nặng, nghẽn thở khi ngủ có nguyên nhân từ bệnh tiểu đường, nên ngáy khi ngủ là một trong những dấu hiệu chỉ điểm bệnh tiểu đường. Chứng ngáy làm tăng nguy cơ tăng huyết áp gấp rưỡi so với người không ngáy, do giảm oxy máu, tăng gánh nặng cho hệ tim mạch, lâu ngày dẫn tới đột quỵ và suy tim.

 

Bình luận (0)