Ngày 16-9-2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định lấy ngày 2-10 hàng năm là Ngày Khuyến học Việt Nam để động viên và tôn vinh những gương sáng hiếu học, tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài.
Từ lâu, hoạt động khuyến học, khuyến tài của Hội Khuyến học Việt Nam đã trở thành phong trào rộng lớn, phát triển mạnh mẽ, rộng khắp cả nước. Hàng triệu người, nhất là học sinh nghèo, học sinh gia đình chính sách, học sinh giỏi đã trực tiếp được thụ hưởng kết quả của phong trào khuyến học. Tuy nhiên, so với những yêu cầu vừa cấp bách, vừa mới mẻ của cuộc vận động xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập thì những kết quả của các hoạt động khuyến học, khuyến tài ở các địa phương hiện nay dù to lớn nhưng mới chỉ là kết quả bước đầu.
Sự kiện giáo dục đầy ý nghĩa
Trước khi có “Ngày Khuyến học Việt Nam”, các địa phương đều tự lấy một “Ngày Khuyến học” riêng nên các hoạt động diễn ra lẻ tẻ, phạm vi nhỏ, tác động chung đến xã hội còn hạn chế. Rất nhiều phương án về “Ngày Khuyến học Việt Nam” đã được đưa ra ở các tỉnh, thành hội để cân nhắc, lựa chọn và hầu hết đều tán thành lựa chọn lấy ngày 2-10.
Ngày 2-10 rất có ý nghĩa bởi tháng 10 gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng về giáo dục. Tháng 10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi chống nạn thất học. 10-1968 – Người đã gửi bức thư cuối cùng cho ngành giáo dục yêu cầu “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”. Ngày 2-10-1996, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Khuyến học Việt Nam đã được khai mạc tại Hà Nội. Tháng 10 cũng là tháng các học sinh, sinh viên bắt đầu bước vào năm học mới, toàn ngành giáo dục đào tạo phối hợp với các lực lượng xã hội quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ năm học mới nên rất thích hợp để phát động các phong trào khuyến học, khuyến tài. Đồng thời, ngày 2-10 không trùng với bất kỳ ngày lễ kỷ niệm lớn nào của đất nước, của các ban ngành.
Nhân thêm những phong trào khuyến học, khuyến tài
Không phải chỉ đến khi có Ngày Khuyến học Việt Nam 2-10 thì hoạt động khuyến học, khuyến tài trong quần chúng mới được thực hiện mà thật ra đến nay cả nước đã có trên 6 triệu hội viên Hội Khuyến học với hơn 230 ngàn chi hội và ban khuyến học, lan tỏa đến thôn, làng, bản, trường học, doanh nghiệp, nhà chùa, nhà thờ, đơn vị lực lượng vũ trang… ở tất cả 63 tỉnh thành. Trong 5 năm lại đây, mỗi năm Quỹ khuyến học các cấp đã chi trung bình 250 – 300 tỷ đồng vào việc cấp học bổng cho học sinh nghèo, học sinh giỏi vượt khó và trợ cấp cho các thầy cô giáo gặp hoàn cảnh khó khăn. Nhiều công ty, doanh nghiệp không chỉ tài trợ một lần mà đã tài trợ nhiều lần, nhiều năm liên tục cho các hoạt động khuyến học, khuyến tài như Tập đoàn VNPT, Viettel, Công ty Golf Long Thành, Công ty Biti’s, Công ty chứng khoán Sài Gòn… Không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà rất nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam cũng có dự án, chương trình hỗ trợ hoạt động khuyến học, giáo dục Việt Nam như dự án Chia sẻ của Thụy Điển nâng cấp 131 trung tâm học tập cộng đồng ở Quảng Trị; Tổ chức Đông Tây hội ngộ (Mỹ) tài trợ mỗi năm hàng nghìn học bổng cho học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học ở 9 tỉnh miền Trung… Nhiều doanh nhân thành đạt như ông Doãn Tới đã tặng một 1 triệu đô la Mỹ cho Quỹ Khuyến học tỉnh Thanh Hóa. Trong quá trình vận động nhân dân tham gia xây dựng, phát triển Quỹ Khuyến học ở các địa phương đã có nhiều sáng kiến hay, hiệu quả: Một số cơ sở ở Cần Thơ, Hậu Giang, Hà Nam có phong trào trồng cây, nuôi cá khuyến học; Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh… có phong trào nhân dân hiến đất xây dựng trường lớp. Chỉ trong năm 2007, các gia đình đã hiến được hơn 50.000 m2 đất; tỉnh Bến Tre xây dựng quỹ cho học sinh nghèo vay không trả lãi… Đặc biệt, phong trào 1+1: mỗi gia đình nhận nuôi một học sinh, sinh viên nghèo ở thành phố Hồ Chí Minh đã lan rộng ra khắp các tỉnh, thành và trở thành 1+n (một tổ chức, cá nhân tài trợ cho nhiều học sinh).
Nhờ có nguồn ủng hộ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mà hàng năm đã có hàng triệu học sinh, sinh viên được nhận học bổng, được có cơ hội tiếp tục học tập. Riêng năm 2007 đã có hơn 3,4 triệu lượt học sinh được hưởng lợi từ các nguồn quỹ khuyến học, nhiều lớp học, nhà ở bán trú được xây dựng mới, tu bổ …
Hoạt động khuyến học ở các cấp được nhân dân rất hoan nghênh không chỉ đơn thuần vì giá trị vật chất mà trước hết là những gia đình nghèo, học sinh nghèo hiếu học, các thầy cô giáo có thêm một chỗ dựa tinh thần, tăng thêm niềm tin để tiếp tục vượt khó, vươn lên dạy tốt, học tốt. Việc có một ngày dành riêng cho công tác khuyến học từ năm 2008 tin rằng sẽ thúc giục không chỉ 6 triệu hội viên khuyến học thêm tự tin, hăng hái với các việc làm đầy ý nghĩa của mình mà còn là lời hiệu triệu để nhân thêm những tấm lòng, hành động tâm huyết vì tương lai thế hệ trẻ.
Ngọc Anh
Việc tổ chức Ngày Khuyến học Việt Nam vào 2-10 hàng năm là một chủ trương đúng đắn để tiếp tục khơi dậy và phát triển mạnh mẽ truyền thống hiếu học của dân tộc, tạo ra sự chuyển biến sâu rộng hơn nữa trong toàn Đảng, toàn dân về xây dựng xã hội học tập, biến các hoạt động nhỏ lẻ tại các địa phương thành những phong trào bền vững, có sức lan rộng cao. Đây sẽ là dấu mốc thời gian quan trọng hàng năm để kết nối và hội tụ các hoạt động và sáng kiến khuyến học, tôn vinh các giá trị văn hóa học tập của dân tộc, của từng cộng đồng, cổ vũ và hướng phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài tập trung hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ khuyến học do Đảng, Nhà nước đặt ra. |
Bình luận (0)