Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Ngày mai 17-4: hết hạn nộp hồ sơ dự thi ĐH, CĐ

Tạp Chí Giáo Dục

Khi nào hết hạn nộp hồ sơ ĐKDT? Tem sẽ lên giá 2.000 đồng, hồ sơ đã kèm phong bì dán tem 800 đồng thì có cần nộp thêm? Ngành Đông Nam Á học học gì? Các trường có tự chuyển sang ngành khác khi không trúng tuyển NV1?…

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2009 ở Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM sáng 16-4 – Ảnh: Quốc Dũng

* Tôi đang làm hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009. Tôi thường trú ở Ninh Thuận, trong hồ sơ có mục khu vực tuyển sinh, nên tôi thắc mắc. Năm 2009 trong quyển Những điều cần biết ghi Ninh Thuận thuộc khu vực 2 – nông thôn, nhưng năm 2009 trong quyển Những điều cần biết ghi Ninh Thuận thuộc khu vực 1. Năm nay làm hồ sơ tôi ghi khu vực 1 nhưng khi chứng nhận tại xã thì xác nhận tôi thuộc khu vực 3. Tôi không biết phải ghi như thế nào cho đúng? Thời hạn nộp hồ sơ còn bao lâu nữa? (Kiều Ngọc Vũ, kieu_vu1@…
– Theo quy định của Bộ GD-ĐT, những thí sinh chưa kịp nộp hồ sơ hoặc có nguyện vọng vào trường ĐH, CĐ thì nộp hồ sơ ĐKDT trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ đến hết ngày 17-4. Mã đơn vị ĐKDT của các trường sẽ là 99. 
Tại TP.HCM, bạn còn có thể nộp hồ sơ trực tiếp ở cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM ở số 33C Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1. Nơi này nhận hồ sơ đến ngày 17-4. Mã đơn vị ĐKDT nơi này là 98.
Khi nộp hồ sơ ĐKDT, bạn cần lưu ý khai chính xác, rõ ràng, không được tẩy xóa. Nếu bạn thuộc diện chính sách như con thương binh, liệt sĩ… phải photocopy giấy chứng nhận ưu tiên để nộp kèm hồ sơ. Nếu bạn có nguyện vọng học tại các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi hoặc hệ CĐ của các trường ĐH phải photocopy mặt trước của phiếu số 1 nộp kèm hồ sơ.
Và một điều bạn luôn nhớ là phải nhận lại và giữ kỹ phiếu số 2. Trên phiếu này cán bộ thu nhận hồ sơ phải ký và đóng dấu xác nhận vào. Bạn phải giữ phiếu số 2 trong suốt quá trình dự thi và cả sau này, coi đó là biên lai bạn đã nộp hồ sơ. Phiếu này có giá trị khi bạn nhận giấy báo dự thi, giấy báo điểm, chỉnh sửa những điểm không chính xác trong hồ sơ (nếu có)… Trong trường hợp bị thất lạc, mất phiếu số 2, bạn phải liên lạc với phòng đào tạo của trường để phục hồi phiếu số 2.
Bạn không cho biết cụ thể bạn thuộc xã, huyện nào của tỉnh Ninh Thuận nên Tuổi Trẻ Online cung cấp toàn bộ khu vực tuyển sinh của tỉnh này để bạn theo dõi và ghi hồ sơ ĐKDT cho đúng. Vì tất cả thông tin bạn nêu đều sai hoàn toàn. Cả hai quyển Những điều cần biết năm 2008, 2009 đều không ghi Ninh Thuận thuộc khu vực 2 – nông thôn hay khu vực 1. Ninh Thuận cũng không thuộc khu vực 3 như xã của bạn đã xác nhận.
Theo đó, ở Ninh Thuận, khu vực 1 gồm các xã Phước Minh, Nhị Hà, Phước Hà, Phước Thái, Phước Dinh; Phước Nam, An Hải, Phước Vinh, Phước Hải (thuộc huyện Ninh Phước), Vĩnh Hải, Phương Hải (thuộc huyện Ninh Hải), Phước Hòa, Phước Bình, Phước Thành, Phước Đại, Phước Thắng, Phước Trung, Phước Tân, Phước Chính, Phước Tiến (thuộc huyện Bác Ái), Lâm Sơn, Ma Nới, Hòa Sơn; Mỹ Sơn, Tân Sơn, Lương Sơn, Quảng Sơn (thuộc huyện Ninh Sơn), Phước Chiến, Phước Kháng, Công Hải, Lợi Hải, Bắc Sơn (thuộc huyện Thuận Bắc).
Khu vực 2 – nông thôn gồm các huyện Ninh Hải (trừ các xã thuộc KV1 ghi ở trên), Ninh Phước (trừ các xã thuộc KV1 ghi ở trên), xã Nhơn Sơn (thuộc huyện Ninh Sơn), và xã Bắc Phong (thuộc huyện Thuận Bắc). Khu vực 2 gồm các xã, phường của thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.
Bạn lưu ý, mục 11 này được căn cứ vào nơi bạn tốt nghiệp THPT chứ không căn cứ vào hộ khẩu thường trú của bạn (trừ diện đặc biệt).
Hiện tại không còn tính ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú mà tính theo thời gian thí sinh học liên tục và tốt nghiệp THPT tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Khu vực 1 hưởng 1,5 điểm, khu vực 2 – nông thôn hưởng 1 điểm, khu vực 2 hưởng 0,5 điểm, khu vực 3 không hưởng ưu tiên.
Điểm ưu tiên khu vực được tính theo thời gian thí sinh học liên tục và tốt nghiệp THPT tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu trong ba năm học THPT có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu mỗi năm học một trường hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó.
* Tôi có thắc mắc về ba phong bì nộp kèm trong hồ sơ ĐKDT. Theo thói quen, tôi chỉ dán một tem loại 800 đồng. Nhưng vừa rồi có tin từ 1-5 bưu chính sẽ áp dụng tem loại 2.000 đồng. Tôi cho rằng nhiều thí sinh khác cũng có thể không lưu ý điều này. Liệu tôi có nên đến trường đã nộp hồ sơ để xin điều chỉnh không? (kieuhuong_84@…)
– Việc dán tem loại 800 đồng không gây khó khăn cho bạn, vì tất cả các thí sinh khác đều làm như vậy. Hồ sơ của bạn không phải điều chỉnh, nơi nhận hồ sơ ĐKDT sẽ chịu trách nhiệm với phần chi phí này của bạn. Trường hợp không nộp kèm phong bì có dán tem thì bạn vẫn nhận được giấy báo dự thi tại nơi nộp hồ sơ.
* Theo quy chế thi thì trong bài làm tự luận không được viết hai màu mực. Tuy nhiên trong một số bài hình học, khảo sát hàm số có hình vẽ, dạng đồ thị khá phức tạp, không biết tôi có thể vẽ bằng bút chì sau đó vẽ lại bút bi đè lên được không? Như vậy có bị xem là vi phạm quy chế không? (gund09@…; Nguyễn Tiến Dũng, tiendung09@…)
– Phần lớn các môn địa lý và toán thí sinh hay dùng bút chì để vẽ đồ thị. Tuy nhiên quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy đã quy định chỉ những hình tròn thí sinh được dùng bút chì vẽ bằng compa, còn lại chỉ được dùng một màu mực trong khi làm bài (nghiêm cấm làm bài bằng hai thứ mực, mực đỏ, bút chì).
Những bài thi do thí sinh không để ý đã vẽ đồ thị bằng bút chì, tùy trường hợp sẽ được cán bộ chấm thi tách ra và tổ chức chấm tập thể theo quy định của quy chế. Tuy nhiên, chấm tập thể hay chấm thường đều cho kết quả thực với bài làm của thí sinh. Còn nếu phát hiện ra lỗi cố ý, hội đồng chấm thi đánh giá trường hợp của thí sinh là vi phạm quy chế thì toàn bộ bài thi môn đó bị hủy, nghĩa là thí sinh được 0 điểm bài thi đó.
* Tôi đang học 12. Tôi đã nộp hồ sơ ĐKDT vào Trường ĐH Mở TP.HCM ngành Đông Nam Á học, thi khối C. Tôi muốn biết ngành này chuyên sâu đào tạo những gì? Điểm chuẩn năm trước của ngành này bao nhiêu? (hoahongdongbang_080791@…)
– Ngành Đông Nam Á học (Southeast Asian Studies) đào tạo những sinh viên có kiến thức về khoa học xã hội nhân văn nói chung, nắm vững kiến thức cơ bản về khu vực học (Đông Nam Á, Đông phương), có khả năng nghiên cứu và hoạt động chuyên sâu trong các lĩnh vực văn hóa, quan hệ quốc tế tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Vận dụng tri thức và khả năng sử dụng được hai ngoại ngữ (quốc tế và Đông Nam Á) vào thực tế công tác có liên quan đến ngành học.
Mục tiêu cụ thể là đào tạo sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Đông Nam Á học có khả năng thích ứng cao với các công việc trong các lĩnh vực văn hóa, kinh tế – xã hội, du lịch, ngoại giao, giáo dục, tư vấn… tại các cơ quan chính quyền, trường học, viện nghiên cứu, các công ty của Việt Nam cũng như các quốc gia khác cần kiến thức về Đông Nam Á.
Với một kiến thức giáo dục đại cương và chuyên ngành được cung cấp đủ sâu và rộng, sinh viên được trang bị căn bản hai ngoại ngữ (một ngoại ngữ quốc tế: tiếng Anh hoặc Pháp, Hoa, Nhật, Hàn và một ngôn ngữ khu vực: tự chọn tiếng Melayu của Malaysia, Indonesia, Brunei, Singapore; hoặc tiếng Thái Lan, Khmer, Lào) cùng với khả năng sử dụng thành thạo công nghệ thông tin thông qua hai chuyên ngành: văn hóa Đông Nam Á, quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á.
Cử nhân Đông Nam Á học đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển của quốc gia và hòa nhập quốc tế tại các đơn vị tố chức nhà nước hoặc tư nhân thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đủ trình độ để nâng cao chuyên môn tiếp theo ở bậc sau ĐH để nhận bằng thạc sĩ, tiến sĩ các ngành văn hóa học, nhân học, xã hội học, châu Á học, Đông phương học, Đông Nam Á học, Việt Nam học, quan hệ quốc tế… ở trong nước và ngoài nước.
Ngành này có đào tạo tại các trường: ĐH Mở TP.HCM, ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH dân lập Hồng Bàng… Năm 2008 và năm 2006 Trường ĐH Mở TP.HCM lấy điểm chuẩn ngành Đông Nam Á học khối C: 14, khối D1: 13; năm 2007 khối C: 14,5, khối D1: 13,5; năm 2005 khối C, D1: 14…
* Tôi muốn biết nguyện vọng (NV) 2 là như thế nào? Cách thức xét NV2 ra sao? Năm ngoái Trường ĐH Văn Hiến lấy NV2 ngành nào, có tâm lý học và tiếng Nhật không? (kinisana@…)
– Việc hiện tại là bạn phải chuẩn bị ôn tập thật tốt để dự thi ĐH, CĐ. Khi không trúng tuyển NV1 nhưng có điểm thi từ điểm sàn trở lên, không có môn nào bị điểm 0, thì được trường dự thi cấp hai giấy chứng nhận kết quả thi số 1 và số 2 để xét tuyển NV2, NV3. Điều kiện xét NV2, NV3 là có điểm thi từ điểm sàn trở lên, không có môn nào bị điểm 0, cùng khối thi, trong vùng tuyển.
Hồ sơ xét tuyển NV2, NV3 gồm: giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường (giấy số 1 dành cho NV2, giấy số 2 dành cho NV3 – nếu không trúng tuyển NV2), một phong bì dán sẵn tem có ghi rõ địa chỉ liên lạc của bạn, lệ phí xét tuyển. Thời hạn xét tuyển NV2 từ 25-8 đến hết giờ giao dịch của bưu điện ngày 10-9 và thời hạn xét tuyển NV3 từ 15-9 đến hết ngày 30-9-2009.
Năm 2008 Trường ĐH dân lập Văn Hiến xét tuyển NV2, NV3 tất cả các ngành. Điểm chuẩn NV1, NV2, NV3 bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT: khối A-D: 13, khối B: 15, khối C: 14. Hệ CĐ thấp hơn 3 điểm mỗi khối so với ĐH. 
* Tôi muốn học hệ CĐ của Trường ĐH Tôn Đức Thắng nhưng không biết trường có tổ chức thi CĐ không? Nếu không thì tôi phải mượn một trường ĐH khác có tổ chức thi để thi phải không? (kiemkhach_vodich@y…
– Hệ CĐ của tất cả các trường ĐH đều không tổ chức thi mà xét tuyển dựa vào điểm thi ĐH của thí sinh đã dự thi ĐH theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT.
Bạn có thể đăng ký NV1 vào hệ CĐ của trường này bằng cách ghi mục 2 (tên trường, ký hiệu trường, khối thi, không ghi mã ngành) và mục 3 (ghi đầy đủ hệ CĐ) trong hồ sơ ĐKDT. Nên mượn ngay chính trường này để thi và xét tuyển cho tiện.
Nếu không muốn NV1 vào hệ CĐ thì bạn ĐKDT vào ĐH (chỉ ghi mục 2), khi không trúng tuyển ĐH nhưng có điểm thi từ điểm sàn trở lên thì đăng ký xét tuyển NV2.
* Con tôi thi vào Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) ngành kỹ thuật phần mềm. Nếu không trúng tuyển thì có được đăng ký chuyển sang ngành khoa học máy tính hay kỹ thuật máy tính không? (Đặng Thị Hiên, hiendc3@…
– Khi không trúng tuyển NV1 thì thí sinh phải làm hồ sơ xét tuyển NV2 nếu đạt các điều kiện như không có môn nào bị điểm 0, có điểm thi thỏa với điểm xét tuyển của trường muốn xét NV2, cùng khối thi, trong vùng tuyển. Các trường ĐH, CĐ không tự chuyển thí sinh sang ngành khác. Muốn biết trường nào, ngành nào xét tuyển NV2, thí sinh phải xem thông báo của trường đó, hoặc xem trên các phương tiện thông tin đại chúng.
QUỐC DŨNG (TTO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)