Bữa cơm sáng của chị Tiên và các cháu chỉ có tô mắm chưng |
Nỗi đau cứ kéo đến chất chồng, mỗi lúc một nặng hơn nhưng không đủ sức xô ngã một nghị lực phi thường. Chị bảo: “Mong không bệnh đau để làm nuôi các cháu ăn học đến nơi đến chốn. Tôi tin ngày mai trời lại sáng…”.
Tiền lãi từ thúng xôi, gánh bắp nướng mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Ngọc Tiên (53 tuổi, ngụ đường Phan Tây Hồ, P.7, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) vừa phải lo cái ăn, tiền trường cho con cháu và người em trai mắc bệnh tâm thần.
Không dễ xô ngã nghị lực
Hàng xóm của chị Tiên chẳng còn lạ gì cảnh thiếu trước hụt sau của gia đình 6 miệng ăn mà người đàn ông trụ cột duy nhất lại mắc bệnh tâm thần. Tuy nhiên, ở đó họ thấy được những câu chuyện, dù rất nhỏ nhưng có thể làm thay đổi cách nghĩ, cách sống tích cực cho bản thân.
Thì con gái, ở mảnh đất Sài Gòn này chị Tiên cũng đã trải qua tháng ngày ngược xuôi mưu sinh, từ bán bánh ít lá gai, trái cây, bánh bò… ở nhà ga, bến xe đến nhảy tàu Bắc – Nam bán thuốc lá, buôn than. Chăm chỉ làm lụng, tích cóp thế nhưng phải gồng gánh gia đình, rồi bệnh đau bám lấy nên nghèo vẫn cứ nghèo.
Có gia đình chưa lâu, định mệnh trớ trêu xui khiến mỗi người một ngả. Chị lại một mình nuôi con nhỏ. Chị bảo rằng, có đau khổ, vật vã đến thế nào rồi cũng phải sống. Sống đâu chỉ cho mình. Chị cố nuốt nước mắt vào trong, tìm một lối rẽ mà chị tin là “mọi thứ rồi cũng sẽ qua”.
Chị vẫn không thôi hy vọng, những đêm mưa gió vẫn gánh hàng rảo bước nhưng dường như cái khổ đau từ kiếp nào liên tục ập đến, đè lên cơ thể yếu ớt của chị. Chị nhớ lại: Một thân một mình nuôi con nhỏ, cháu Võ Thị Ngọc Hằng (hiện học lớp 11, Trường THCS-THPT Hồng Hà). Thời gian ấy, đứa cháu gọi bằng dì cũng gặp cảnh tai ương. Chồng chết để lại ba đứa con thơ dại. Nhìn những đứa trẻ khát sữa, chị không cầm lòng, chị lại giang rộng tay đón các cháu về. Thế là mỗi bữa, chị phải ăn ít đi để dành phần cho con cháu.
Không lâu sau, mẹ của các cháu cũng đã vĩnh viễn ra đi vì bệnh tật. Chị bảo tim mình như thắt lại. Giá như trong nhà có tiền thì tụi nhỏ đâu mồ côi mẹ”, chị Tiên ray rứt. Thời gian đó, chị Tiên lại mang trong người căn bệnh thoái hóa đốt sống cổ, không có điều kiện chữa trị đến nơi đến chốn nên bệnh tình ngày một nặng hơn. Thương những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi học ăn uống thiếu chất, chị Tiên cố gánh hàng đi xa hơn để mong bán thêm vài trái bắp, kiếm chút tiền lãi mua con cá tẩm bổ cho con.
Bó hoa và tiền chợ một tuần
Năm nào chị Tiên không nhớ nổi, chỉ nhớ hôm đó là một ngày đặc biệt trong cuộc đời chị – lần đầu được tặng một bó hoa nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10. Ôm bó hoa ra sau hội trường, chị hỏi một cô nhân viên của phường: “Bó hoa này trị giá bao nhiêu?”. “Cỡ 100.000 đồng”, người kia đáp. Chị buột miệng: “Đủ để đi chợ cả tuần”.
Hiện 6 thành viên chen chúc nhau trong một căn nhà siêu nhỏ (rộng 1,8m, dài 3m) trong một con hẻm trên đường Phan Tây Hồ, P.7, Q.Phú Nhuận. Ngoài giờ học, ba chị em Lê Thị Phương Trinh (lớp 8 Trường THCS Châu Văn Liêm, Q.Phú Nhuận); Lê Xuân Quốc (lớp 6 Trường THCS Châu Văn Liêm) và Lê Thanh Phong (lớp 5 Trường TH Đông Ba, Q.Phú Nhuận) phụ bà bán bắp nướng trong hẻm. Được biết, ba chị em là những tấm gương hiếu học của địa phương.
Chúng tôi đến thăm nhà lúc mấy bà cháu đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Cháu Quốc chạy sang nhà hàng xóm hỏi mượn chiếc ghế lễ phép mời khách ngồi. Trong nhà, không có vật dụng gì giá trị. Sàn nhà lọt lòng 3m2, tính cả nhà vệ sinh, bàn thờ gia tiên, bếp và cầu thang dã chiến để lên căn gác ọp ẹp. Đêm lại, sàn nhà lại là nơi ngả lưng của người em trai mắc bệnh tâm thần, còn mấy bà cháu thì nằm chen nhau trên gác.
Thu nhập vài chục ngàn đồng/ ngày không đủ trang trải chi tiêu cần thiết, đến ngày đóng tiền trường, chị Tiên lại vất vả vay mượn khắp nơi. “Thương các cháu, có mạnh thường quân ở nước ngoài gửi về phường mỗi tháng 600.000 đồng cho các cháu đi học”, chị Tiên xúc động nói.
Đã hơn một lần chị cảm thấy mình kiệt sức vì lo toan nhưng cố gượng dậy để sống, để làm tròn bổn phận của một người mẹ, người bà. Có lần vì thương cảm gia đình, hàng xóm gợi ý hỗ trợ đưa các cháu vào trại trẻ mồ côi. Thế mà chị giận, cáu gắt. Chị bảo, dẫu thân có tàn cũng không thể đưa chúng đi đâu cả. Lo cho các cháu để đuối sức, chị Tiên còn phải vào vai mẹ để chăm sóc cho đứa em trai dù đã ngấp nghé tuổi 50 nhưng lắm lúc ngơ ngẩn như một đứa trẻ.
Chị bảo dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải sống, cũng phải vui cười. Chị tin rằng, mai này trong căn nhà nhỏ ấy sẽ có một bác sĩ Phương Trinh hay chú công an Xuân Quốc như ước mơ của các cháu.
Bài, ảnh: Trần Anh
Bình luận (0)