Y tế - Văn hóaThư giãn

Ngày nhà giáo với mùa lụt

Tạp Chí Giáo Dục

Ông tha bà không tha/ Đánh cho một trận hai ba tháng mười. Ý nói sau trận lụt 23-10 (ÂL) hàng năm thì bà con nông dân có thể yên tâm gieo sạ vụ Đông Xuân. Ông bà xưa đúc kết vậy nhưng cũng tùy, có năm chỉ còn một, hai ngày nữa là Tết nhưng ông trời còn giáng xuống trận mưa tối trời, nước dâng ngập bờ.

Mà hầu như năm nào cũng vậy, hễ đến ngày 20-11 là mưa bão tơi bời, nước lụt lên cao cô lập nhiều địa phương. Vì vậy mà ông bà tôi thường trách trời rằng: Ổng không thương thầy cô giáo thì phải thương học trò, để đường sá khô ráo mà còn đi thăm thầy cô. 

Năm nào lượng mưa nhỏ, lụt ói thì buổi lễ kỷ niệm và tri ân các thầy cô tại trường được tổ chức đơn giản nhưng không kém phần trang trọng. Mỗi lớp tự tổ chức theo kiểu cây nhà lá vườn, đại diện lớp chúc sức khỏe thầy cô, đứa nào có gì tặng đó, chính là thể hiện tình cảm, sau đó mới đến những tiết mục văn nghệ do từng tổ dàn dựng. Năm lụt lớn, nhiều thầy cô giáo, học trò ở các xã bị lụt chia cắt không thể đến trường được thì học trò chúng tôi bứt rứt lắm.

Ngày đó, làm gì có bánh Tây, tiệc buffet hàng chục món, nước suối đóng chai, âm thanh ánh sáng hoành tráng trong tiết mục nhảy hiện đại như bây giờ. Sau lễ là bữa tiệc nhẹ với tinh thần “hợp tác xã”, nhà ai có gì thì mang đến món đó, từ nải chuối, trái đu đủ, ký mận trong vườn đến vài cục đường phổi sau mùa mía để dành ăn dần. Vậy thôi mà vui lắm, kéo dài gần 2 giờ đồng hồ nhưng chẳng ai muốn ra về. 

Hồi đó, nói là tết thầy cô nhưng là tết của trẻ con thì đúng hơn bởi dịp này, chính thầy cô giáo lại là người dốc hết đồng lương ít ỏi của mình để mua sách vở, bánh kẹo… cho học trò. Còn với trò, quà cho thầy cô giáo chủ yếu là những tấm thiệp tự tay cắt, dán với nét chữ nguệch ngoạc hay chỉ là những chùm hoa dại ven đường. Những bạn con nhà khá giả mua được xấp vải, cây bút bi hay chiếc nón lá… tặng thầy cô và sau cũng được chia sẻ lại cho các bạn gia đình khó khăn. 

Nhớ năm ấy lụt lớn, các bạn ở xa phải tá túc nhà dân quanh trường để tránh lũ. Nửa đêm, lốc xoáy tốc mái tôn, đứa nào đứa nấy chạy tán loạn, sách vở ướt mem nhưng vẫn cố giữ bằng được món quà tặng thầy cô vào sáng sớm mai. Nghe tiếng kêu cứu của người dân, thầy cô rọi đèn đi tìm từng đứa về nhóm bếp sưởi ấm rồi còn chong đèn làm thịt gà nấu cháo cho ăn. Nghe đâu, thầy giáo “chủ mưu” làm gà sau này bị kiểm điểm vì bắt nhầm con gà giống – nguồn thực phẩm chính từ tăng gia sản xuất của tập thể.

Buổi lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam không diễn ra theo kế hoạch dù bão tan, nắng lên vì thầy cô giáo phải chia nhau đến nhà từng học trò để thăm hỏi tình hình lụt lội, xem gia đình thiệt hại nặng nhẹ thế nào để có biện pháp hỗ trợ. 

Cuộc sống hiện đại, thị trường quà tặng cho thầy cô giáo nhân ngày 20-11 cũng tinh tế hơn, nó không chỉ dừng lại ở giá trị tinh thần mà xa hơn – giá trị vật chất. Trong vòng xoáy đó, dĩ nhiên khó tránh những điều tiếng, dị nghị… với người giáo viên và vô tình trở thành nỗi đau, nỗi ám ảnh những người trong nghề nói riêng và xã hội nói chung. 

Không thể phủ nhận những câu chuyện buồn, hình ảnh đã làm hoen ố nghề giáo nhưng suy cho cùng chỉ là số ít, là con số rất nhỏ giữa bộn bề cuộc sống này. Bởi đâu đó vẫn còn những tấm gương nhà giáo âm thầm hy sinh cả quãng đời của mình để ươm mầm tương lai, lo cho học trò từ bữa no đến bài học hay mà không cần xã hội tôn vinh. Việc làm của nhà giáo đó đã là một danh hiệu cao quý hơn tất cả những danh hiệu cao quý.

Trần Tuy An

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)