Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ngày Tết, đề phòng trẻ bị hóc dị vật

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày Tết, tránh cho trẻ ăn các loại hạt dễ bị hóc như hướng dương, dưa, đậu phộng… Ảnh: T.H
Cách sinh hoạt như thường ngày sẽ bị xáo trộn vào dịp lễ tết, chính vì vậy trẻ em thường hay gặp một số tai nạn như mắc các bệnh về tiêu hóa do được ăn uống thả phanh, ít bị kiểm soát bởi cha mẹ. Đối với trẻ dưới 6 tuổi thường dễ bị hóc một số dị vật quen thuộc vào dịp Tết như các loại hạt, kẹo, thạch rau câu…
Hóc… đủ thứ
Từ những vật bình thường như nắp bút, viên bi, ốc vít, miếng nhựa đến đồng xu, cái kẹo, các loại hạt… khi trẻ đưa vào cơ thể có thể bị nghẹt đường thở nên các BS chuyên khoa gọi là dị vật đường thở. BS.CK1 Bùi Văn Đỡ (Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM) cho biết: “Đây là các loại dị vật thường gặp, bệnh viện thường tiếp nhận các trường hợp cấp cứu do hóc dị vật. Vào dịp Tết các gia đình Việt thường mua nhiều loại kẹo, các loại hạt như hạt hướng dương, hạt dưa hay các loại trái cây có hạt nên trẻ em dưới 6 tuổi thường rất dễ bị hóc khi ăn”. Trong những ngày lễ tết, nếu thiếu sự kiểm soát của phụ huynh trong việc ăn uống, sinh hoạt thì trẻ rất dễ gặp tai nạn. Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận bé L.N.N (2 tuổi, quê Đồng Nai) bị sặc thạch rau câu. Bé nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, não bị phù do ngưng tim quá lâu. Thạch rau câu là món ăn khoái khẩu của trẻ em nhưng khi để trẻ tự ý ăn mà không có sự kiểm soát của người lớn thì lợi ít mà hại nhiều. BS. Đỡ cho biết thêm: “Bệnh viện thường tiếp nhận các ca bệnh bị hóc dị vật ở mức nặng nề, đa số bệnh nhân nhập viện cấp cứu thường trong tình trạng người tím tái, có khi ngưng tim và đã có nhiều trường hợp bị tử vong do không được cấp cứu kịp thời. Trong số các trường hợp hóc dị vật thì hóc thạch là nguy hiểm nhất. Bởi miếng thạch mềm, dễ dàng thay đổi hình dáng ôm khít lấy đường thở khiến trẻ ngạt thở nhanh chóng, thiếu ôxy lên não có thể gây tử vong. Khi đến viện, việc gắp dị vật khỏi đường thở cũng rất khó khăn bởi thạch trơn, đầu trụ dễ trượt, dễ nát vụn. Để cấp cứu các trường hợp này, đòi hỏi BS phải xử lý linh hoạt. Bởi do thạch trơn, mềm, dễ nát ra thành các viên nhỏ nên càng nhanh bít hết đường thở của trẻ. Nếu bác sĩ cứ cố hút hết thạch trong đường thở của trẻ dễ thiếu ôxy trầm trọng, có nguy cơ tử vong. Do đó, trong trường hợp này BS cần phải luân chuyển liên tục giữa xông cung cấp ôxy và hút dị vật”. Hóc dị vật không phải là bệnh nan y nhưng hậu quả để lại thì vô cùng nặng nề bởi những nguyên nhân hết sức đơn giản.
Không nên nuông chiều trẻ
BS. Đỡ cho biết: “Có nhiều loại dị vật nhỏ như các loại hạt rất dễ bị bỏ quên nên được gọi là dị vật bị bỏ quên. Các loại dị vật này nếu không được phát hiện và lấy ra khỏi cơ thể thì trẻ có khả năng bị viêm phổi, suy hô hấp…”.
Ai cũng mong muốn mang đến cho con trẻ một cái Tết vui vẻ, hạnh phúc, đủ đầy nhưng vấn đề về sức khỏe, an toàn cần phải được đặt lên hàng đầu. Dịp lễ tết trẻ được ăn uống, vui chơi một cách thoải mái nhưng nếu cha mẹ không kiểm soát trẻ thì ngoài vấn đề về ngộ độc thực phẩm còn rất dễ gặp phải các tai nạn không đáng có. BS. Đỡ nhấn mạnh: “Phụ huynh không nên nuông chiều trẻ vì vô tình chúng ta tạo nên thói quen không tốt thậm chí còn có thể gây nguy hiểm. Trẻ em dưới 6 tuổi không nên cho ăn các loại hạt như hướng dương, dưa, đậu phộng… vì trẻ chưa biết cách ăn nên rất dễ bị hóc. Ngoài ra, hạn chế cho trẻ ăn các loại thức ăn có độ mềm, trơn, dễ hóc như thạch rau câu. Một số phụ huynh có thói quen chọc cười để con ngoan ngoãn há miệng ăn, song BS khuyến cáo không làm như thế vì bé dễ bị nghẹn dẫn đến sặc, hóc. Bên cạnh đó, cần tránh cho trẻ ăn lúc đang khóc vì dễ dẫn đến khó thở hoặc sặc rất nguy hiểm”. Một phần các tai nạn ở trẻ thường xuất phát từ sự bất cẩn, lơ là thiếu kiểm soát của người lớn. Nếu như trẻ bị hóc các loại dị vật khiến bị ho, tím tái thì phụ huynh cần bình tĩnh sơ cứu tại nhà. Tuyệt đối không được sử dụng tay để cố móc dị vật ra vì khi làm như vậy thì không những không ra mà có nguy cơ còn thụt sâu vào bên trong. BS. Đỡ khuyến cáo: “Khi trẻ bị hóc dị vật biện pháp sơ cứu tại nhà là sử dụng nghiệm pháp Heimlich. Đối với trẻ dưới 7 tuổi thì vòng hai tay ngang thắt lưng, đặt một nắm tay vào bụng ở đầu dưới xương ức, bàn tay chồng lên, đột ngột ấn mạnh, nhanh 5 lần theo hướng trước ra sau và dưới lên trên. Nghiệm pháp này có hiệu quả cao với những dị vật che gần hết đường thở và dễ di chuyển. Sau đó, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được cấp cứu kịp thời”.
Nghiêm Quế
Trẻ bị hóc dị vật dẫn đến nghẹt đường thở nếu không được xử lý kịp thời rất dễ gây tử vong. Nhiều trường hợp ca bệnh được cứu sống nhưng để lại di chứng nặng nề. Đa số các ca bệnh này thường bị thiếu ôxy lên não nên có khả năng trẻ không được phát triển bình thường về sau.
 

Bình luận (0)