Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ngày Tết: Đừng để khổ vì bệnh đường ruột

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nên cẩn trọng với chuyện ăn uống trong những ngày Tết để tránh các bệnh đường ruột. Ảnh: M.H
Do không cẩn trọng với chuyện ăn uống trong những ngày Tết nên không ít người đã phải “sống chung” với bệnh đường ruột, nặng hơn thì phải đi khám BS hoặc cấp cứu tại bệnh viện làm cho ngày Tết mất vui.
Bệnh từ miệng vào
Cô Trần Thị N. – giáo viên Trung tâm GDTX quận Bình Tân, TP.HCM kể: “Những ngày bình thường, tôi ăn gì cũng không no hơi đầy bụng. Thế nhưng cứ gần đến Tết là bắt đầu có triệu chứng khó chịu, đau bụng lâm râm sau khi ăn tiệc hay liên hoan cuối năm. Chính vì thế mà mấy ngày Tết tôi không dám ăn nhiều, cũng như ăn những thức ăn lạ”.
Tết Quý Tỵ, anh Đinh Văn Đ. – Nhà máy Z759 (đường 3-2, Q.10) đưa cả nhà đi du lịch Vũng Tàu. Sau khi tắm biển, vợ anh mua 2 ký ghẹ đã luộc chín để “nhâm nhi”. Chỉ sau 30 phút đồng hồ anh Đ. đau bụng dữ dội và phải vội vàng cấp cứu ở một bệnh viện gần đó. Không cần BS nói ra gia đình anh cũng biết nguyên nhân chính là món hải sản với giá rẻ bất ngờ của mấy người đi bán dạo dọc bờ biển.
Cũng là một cái Tết không vui của gia đình anh Lê D. – cán bộ Học viện Hành chính TP.HCM khi người anh trai phải vào phòng cấp cứu đúng ngày 27 tháng chạp. Trong một bữa liên hoan với bạn bè ở nhà hàng Đ.S.T trên đường Phổ Quang, Q.Tân Bình, TP.HCM, anh L. (ngụ ở đường Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp) bị đau bụng dữ dội sau khi “chén chú chén anh” với món tiết canh ngan (vịt xiêm) – một đặc sản nổi tiếng ở quán này. Đúng là “họa từ miệng ra, bệnh từ miệng vào”.
Rối loạn hệ tiêu hóa
Theo truyền thống ăn Tết của người Việt, trong những ngày Tết, lịch trình ăn uống của con người do không tuân thủ theo đúng “thời gian biểu” như trước đây nên đã bị “phá vỡ” hoàn toàn. Chuyện ăn uống này đã làm cho hệ tiêu hóa rối loạn và quá tải, dẫn đến những hậu quả bất ngờ nhưng lại đúng quy luật của tự nhiên. Những thực phẩm giàu chất béo, chất đạm được cho vào cơ thể  liên tục trong khi sức chứa của đường ruột có hạn, nên chuyện xảy ra các “phản ứng đột ngột” là tất yếu. Điều nguy hại hơn là có người dù đã chớm bệnh nhưng không có “điểm dừng” trong chuyện ẩm thực ngày xuân thì càng làm cho bệnh thêm trầm trọng. Mặc dù trong những ngày Tết, anh L. thường xuyên uống trà gừng, đặc biệt coi món mứt gừng là khoái khẩu nhưng chỉ một lúc vui với bạn bè bên bát tiết canh đầy vi khuẩn mà phải ăn Tết trong Bệnh viện 175.
Phan Ngọc Quang
Cần ăn chín uống sôi
BS.CK2 Vũ Hoàng Hà – Phó giám đốc Bệnh viện Gò Vấp, TP.HCM cho biết,bệnh đường ruột có nguyên nhân chính từ việc ăn uống mà biểu hiện thường thấy là triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Dễ gây ngộ độc thực phẩm là những thứ thức ăn nấu lâu ngày đã bị ôi thiu và đặc biệt là các thức ăn sống chưa nấu chín như các món tái, tiết canh. Ngộ độc thực phẩm nhẹ thì ói mửa, đi phân lỏng nhiều lần, nếu bị nặng sẽ dẫn đến viêm dạ dày, ruột, viêm tụy cấp rất nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe.
PV: Vậy đâu là những triệu chứng khi bệnh nhân bị nhiễm độc?
Như trên đã nói, triệu chứng của nhiễm độc thức ăn đầu tiên rất dễ nhận biết như đau bụng, ói mửa liên tục, tiêu chảy, sốt do nhiệt độ cơ thể cao và sau đó là mệt mỏi. Nếu nhiều người bị và bị nặng hơn thì xuất hiện dịch tiêu chảy trong vùng mà tập trung nhiều ở đối tượng trẻ em do lây lan nhanh. Còn tiêu chảy cấp là đi cầu nhiều và nhiều lần ở dạng lỏng do ngộ độc nặng hơn. Không chỉ ăn nhiều mà uống quá nhiều bia rượu cũng dễ bị viêm đường ruột và viêm đại tràng. Tiêu chảy cấp dễ làm cho con người suy sụp nhanh do mất nước quá nhiều.
Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm là do ăn phải những chất độc trong thức ăn có đúng vậy không thưa BS?
Ngộ độc thực phẩm là do chúng ta ăn uống thiếu chọn lựa, nhất là những thức ăn bán dạo trên đường phố hoặc thực phẩm trôi nổi mua ngoài chợ không rõ nguồn gốc, không ghi xuất xứ rõ ràng. Những thực phẩm lúc đó đã bị nhiễm các loại hóa chất rất độc như thuốc trừ sâu, chất bảo quản quá liều hoặc không cho phép.
Xin BS cho những lời khuyên trong việc ăn uống dịp Tết?
Lời khuyên trước hết là trong dịp Tết, chúng ta cần ăn chín uống sôi, có như vậy mới ngăn ngừa được các loại vi khuẩn độc hại không thâm nhập vào hệ tiêu hóa. Các bà nội trợ nên mua hàng có nguồn gốc, không có dư lượng hóa chất. Đừng ham rẻ mà mua thực phẩm trôi nổi hoặc đừng tiếc của mà ăn thức ăn ôi thiu quá hạn sử dụng. Không nên uống bia rượu nhiều làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và cả hệ thần kinh. 
Còn cách chữa trị các loại bệnh về đường tiêu hóa?
Khi bị ngộ độc thực phẩm hay tiêu chảy, nếu nhẹ thì đến các cơ sở y tế địa phương như phòng mạch, trạm y tế gần nhất. Có khi chỉ cần thay đổi thức ăn lỏng thì bệnh cũng tự khỏi. Nặng thì vào thẳng bệnh viện để cấp cứu kịp thời. Tùy theo loại bệnh mà BS cho từng loại thuốc phù hợp với bệnh đường ruột. Bệnh nhân có triệu chứng ói, tiêu chảy thì cho bù nước bằng cách chuyền dịch hoặc nước điện giải. Viêm dạ dày, đường ruột thì phải uống thuốc kháng sinh nhằm giảm tiết dịch vị dạ dày. Khi bị viêm tụy cấp phải đưa vào đúng cơ sở chuyên khoa điều trị để phòng những biến chứng nặng hơn.
Xin cảm ơn. Năm mới chúc BS nhiều  sức khỏe, công tác tốt! 
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)