Ảnh: I.T |
Ngày trước, các gia đình có nền nếp thường xây dựng “gia huy” – là những quy tắc có tính riêng biệt của gia đình đó, theo ý chí của người chủ gia đình, thường nối tiếp nền nếp đã có từ các thế hệ trước và ít nhiều phù hợp với điều kiện sống của gia đình, cộng đồng. Với các gia đình quyền quý hoặc có học thức, “gia huy” lại càng được thể hiện rõ ràng hơn, có quy củ hơn. Một số gia đình còn có hình thức “chế tài” đối với các thành viên có vi phạm, bằng các hình thức trừng phạt, trong đó dĩ nhiên có hình phạt bằng roi (hay còn được gọi là “gia pháp”).
Bây giờ, với cuộc sống tôn trọng các quyền tự do cá nhân, cởi mở và linh hoạt, “gia huy” có vẻ mờ nhạt nhưng không vì thế mà không có những nếp nhà đặc trưng của từng gia đình. Có gia đình, các thành viên không bao giờ xưng “mày tao” với nhau, kể cả người lớn nói với người nhỏ; có gia đình cha mẹ có thói quen “dạ” khi con nhỏ gọi “ba ơi”, “mẹ ơi”; có gia đình anh chị em gọi nhau theo thứ (nhất là người miền Nam) nhưng cũng có gia đình gọi theo tên; có gia đình, trong nhà có một số vị trí luôn dành riêng cho cá nhân nào đó (thường là người lớn nhất trong gia đình) và các thành viên khác không được “vi phạm”; có gia đình ông bà, cha mẹ, con cái… ăn cơm quây quần cùng nhau, nhưng có gia đình chia thành nhiều “mâm”, người lớn ăn với nhau, trẻ con ăn với nhau; có gia đình mỗi tối sau bữa cơm thường tụ tập xem ti vi hoặc sinh hoạt với nhau, cũng có gia đình chỉ sinh hoạt chung vào một lúc nào đó nhất định, còn lại thì tôn trọng tự do cá nhân của mỗi người… Nền nếp đó khó nói là kiểu nào hay hơn hay dở hơn kiểu nào; điều quan trọng là các thành viên cảm thấy hài lòng và thoải mái với nền nếp đó và cùng nhau tuân thủ, duy trì. Cách nào đó có thể coi đây là một “văn hóa gia đình”.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng xây dựng được nền nếp của riêng gia đình mình. Bởi nền nếp có tính ổn định, lặp lại qua nhiều năm tháng, được các thành viên chủ động và tự giác thực hiện, ít thay đổi, nên không phải ngày một ngày hai hay do ý muốn của một vài người trong gia đình mà thực hiện được. Chẳng hạn, có người mẹ muốn bữa cơm tối nên có đủ mọi người trong gia đình nhưng người cha thường đi làm tăng ca, con cái có đứa phải đi học thêm, làm thêm… thì các thành viên còn lại không thể thực hiện được mong muốn đó, nếu lâu lâu mới đông đủ được một bữa thì khó trở thành một nếp nhà thực sự. Hay người cha muốn sau bữa tối các thành viên tụ tập sinh hoạt với nhau, nghe kể chuyện gia đình, dặn dò, nhắc nhở các thành viên trẻ tuổi… nhưng những người trẻ ngáp vắn ngáp dài, không muốn nghe “chuyện đời xưa”, thấy bực bội khi nghe “giáo huấn” thì điều đó cũng khó trở thành một nền nếp. Hay có gia đình, con cái muốn bữa ăn sáng gặp gỡ chúc sức khỏe, động viên nhau một ngày làm việc, học tập hiệu quả nhưng cha hoặc mẹ bận đi tập thể dục thì với sự thiếu vắng các thành viên cũng không thành nền nếp…
Thông thường, nền nếp gần như chỉ có ở những gia đình có tổ chức tốt, có một người trụ cột thật sự hoặc có một người tuy không giữ vai trò trụ cột về kinh tế nhưng là trụ cột về tinh thần, và người đó có ý thức về việc xây dựng nền nếp, gia phong. Chẳng hạn, một gia đình có người cha gương mẫu, muốn xây dựng, tổ chức theo một hình thức riêng trong sinh hoạt, quan hệ, ứng xử…; hay một gia đình có ông (hoặc bà) có uy tín, có khả năng giữ tính biểu tượng và bản thân cũng chú trọng việc tạo dựng, gìn giữ một nền nếp riêng… Vì vậy, nền nếp gia đình không gắn liền với kinh tế gia đình, không nhất thiết nhà khá giả, có nhiều người trình độ học vấn cao thì có được nền nếp và ngược lại…
Dĩ nhiên, cũng cần phân biệt với một thói quen không tốt, một lối sống buông tuồng, xô bồ của một số gia đình mà cho đó là một kiểu “nền nếp”. Chẳng hạn, có gia đình hay “gầy độ nhậu”, vợ chồng, con cái, anh em… thoải mái cụng ly với nhau, thì đó khó coi là một nền nếp đúng nghĩa, mà chỉ đáng gọi là một lối sống ít nhiều chưa hay của một gia đình. Cũng có gia đình hay văng tục, bạ việc gì cũng chửi thề, mắng mỏ nhau, thì dĩ nhiên cũng không thành một nền nếp, chỉ là một thói quen thiếu lành mạnh.
Do đó, để xây dựng được một nếp nhà tích cực, có ý nghĩa, những người “chủ thực sự” của gia đình phải có chủ đích trong việc định ra một thói quen sinh hoạt, một nền nếp tích cực và chủ động tổ chức, duy trì, phát huy thói quen, nền nếp đó. Chẳng hạn, tạo ra thói quen xưng hô tích cực giữa các thành viên thì phải dạy các thành viên nhỏ tuổi xưng hô cho đúng, giải thích rõ vì sao phải xưng hô như thế, kịp thời uốn nắn những thành viên “vi phạm”, duy trì sự nhất quán trong cách xưng hô đó… Ví dụ, một gia đình (gốc Nam bộ) cha mẹ gọi nhau là “anh, em”, gọi tên các con, các anh chị gọi em bằng tên, xưng “anh, chị”, các em gọi anh chị là theo thứ và xưng “em” thì phải duy trì thói quen đó, không thể tùy tiện, tùy hứng. Hay một gia đình khác (gốc miền Trung), trong những ngày lễ quan trọng như giỗ tổ, giỗ ông bà, đưa ông Táo, rước ông bà…, thì khi người đại diện (thường là người đàn ông lớn nhất trong gia đình) thắp hương trước bàn thờ phải luôn áo dài khăn đóng với các nghi thức nhất định và thực hiện đủ năm này qua năm khác…
Vì vậy, việc tạo dựng và duy trì một nền nếp gia đình có vai trò vô cùng quan trọng từ sự nêu gương của các thành viên lớn tuổi (ông bà, cha mẹ…). Vai trò đó có ý nghĩa vừa định hướng, vừa lôi kéo, vừa “giữ lửa” cho một thói quen tích cực. Khi một thế hệ qua đi, những “nguyên tắc” cơ bản sẽ được truyền lại cho thế hệ sau cùng với những thay đổi chút ít cho phù hợp với điều kiện thực tế. Lúc đó, nếp nhà vẫn được giữ, “gia huy” được lâu bền, đồng thời cũng góp phần xây dựng “văn hóa gia đình” ổn định, có ý nghĩa tác động giữ gìn bản sắc văn hóa của cha ông, của dân tộc.
ThS. Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)